Vi phạm xây dựng ở các trung tâm thương mại - Vì sao chưa xử lý?

Tại nhiều trung tâm thương mại (TTTM), các chủ đầu tư vô tư xây dựng ki-ốt, thậm chí xây nhà lấn chiếm khoảng lùi, không gian công cộng, lối đi chung để cho thuê làm nhà hàng, quán cà phê... Các “công trình phụ” này thuộc diện xây dựng không phép, gây mất mỹ quan nhưng chưa bị xử lý.
Vi phạm xây dựng ở các trung tâm thương mại - Vì sao chưa xử lý?

Tại nhiều trung tâm thương mại (TTTM), các chủ đầu tư vô tư xây dựng ki-ốt, thậm chí xây nhà lấn chiếm khoảng lùi, không gian công cộng, lối đi chung để cho thuê làm nhà hàng, quán cà phê... Các “công trình phụ” này thuộc diện xây dựng không phép, gây mất mỹ quan nhưng chưa bị xử lý.

        Vô tư lấn chiếm

Khảo sát trên địa bàn TPHCM cho thấy, tại TTTM Diamond Plaza (phường Bến Nghé, quận 1), phần đất trống nằm ngay góc đường Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Văn Chiêm đã được chủ đầu tư “tận dụng” cho Highland thuê mở quán cà phê khá hoành tráng. Quán cà phê được xây kiên cố tường gạch, khung sắt và lợp mái như một căn nhà hoàn chỉnh. Dọc hành lang trung tâm này phía đường Phạm Ngọc Thạch cũng được tận dụng kê hàng chục dãy bàn ghế. TTTM Maximark trên đường 3 Tháng 2 quận 10, một diện tích lớn mặt tiền đường phía ngoài TTTM được chủ đầu tư là Công ty An Phong “nâng cấp” làm dãy ki-ốt cho thuê mở quán cà phê, phòng bán vé xem phim…

Phần đất công cộng của TTTM Diamond Plaza bị lấn chiếm làm quán cà phê Highland.

Phần đất công cộng của TTTM Diamond Plaza bị lấn chiếm làm quán cà phê Highland.

Điển hình như khu TTTM Hùng Vương Plaza (đường Hùng Vương, quận 5, TPHCM) do Công ty cổ phần Hùng Vương làm chủ đầu tư, toàn bộ 4 mặt tiền của khu này đều được tận dụng xây ki-ốt cho thuê bán bánh trung thu, quán cà phê, bán bánh ngọt của Highland, Hello, Pappa Roti… Những ki-ốt được xây dựng bằng khung sắt, xây gạch khá kiên cố trên khoảng lùi (phần không gian công cộng) của dự án. Đại diện Công ty cổ phần Hùng Vương cho biết, chỉ xin phép đăng ký kinh doanh chứ không xin phép xây dựng do chỉ xây dựng bán kiên cố, làm như vậy để tạo “sinh khí” cho dự án!?

Tương tự phần đất thuộc khoảng lùi phía trước TTTM City Plaza, 230 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, ngoài việc tận dụng làm bãi giữ ô tô, gắn máy, chủ đầu tư còn xây dựng một quán cà phê tên Ara. Bên hông tòa nhà, chủ đầu tư cũng dựng kho bằng khung thép, mái tôn, vách tôn. Cách đó không xa, tại TTTM Now Zone số 235 Nguyễn Văn Cừ, quận 1, ở hành lang phía mặt đường đang được đặt hàng loạt bàn ghế để bán cà phê, nước giải khát. Không những vậy, tại khu vực này chủ đầu tư còn cho xây thêm một ki-ốt để phục vụ chiếu phim 4D. Theo phản ánh của người dân địa phương, đây là những công trình mới xuất hiện sau khi tòa nhà chính đi vào hoạt động khá lâu.

        Cơ quan quản lý nói gì?

Lãnh đạo UBND phường 12, quận 5 cho biết cách đây gần nửa tháng, phường có xuống kiểm tra, đề nghị chủ đầu tư TTTM Hùng Vương Plaza cung cấp hồ sơ, giấy phép xây dựng những ki-ốt này nhưng đến nay vẫn chưa có. Trong khi đó, ông Phạm Hoài Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, quận 1, cho biết, hiện trạng tại phần đất xây quán cà phê Highland ở TTTM Diamond Plaza trước đây là một bức tường bằng vật liệu nhẹ. Cách đây khoảng 3 tháng, chủ quán có xin phép UBND phường Bến Nghé được cải tạo, sửa chữa, làm mới thay vật liệu, chủ quán không cơi nới, không làm tăng diện tích. Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé “thanh minh”: muốn kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm về xây dựng, chỉ chủ tịch UBND phường mới có thẩm quyền trực tiếp lập biên bản. Đồng thời, phải phối hợp với các lực lượng khác như Thanh tra xây dựng, cán bộ địa chính… chứ một mình phường không có thẩm quyền, không chủ động được. Trả lời câu hỏi về việc quản lý trật tự xây dựng hiện nay, một cán bộ Thanh tra địa bàn quận 1 thoái thác: “Thành phố phân cấp cho rất nhiều đơn vị. Vì vậy việc kiểm tra phải xem lại thẩm quyền của đơn vị nào. Riêng chỗ này (34 Lê Duẩn, Diamond Plaza) đã có từ xưa đến nay rồi”.

Một lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho biết, về nguyên tắc các tòa nhà, TTTM khi có vấn đề thay đổi công năng thì phải thông qua ý kiến của Sở Xây dựng. Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện nay chưa có TTTM nào được cấp phép xây dựng các “công trình phụ” kiểu này. Việc xây dựng thêm là cực kỳ nhạy cảm, không phải xin là được xây. Khoảng đất trống (khoảng lùi của dự án) tại các dự án này không thể xây, xin cũng không ai cho bởi trong giấy phép xây dựng đã quy định cụ thể về khoảng lùi, mật độ xây dựng. Thậm chí các công trình xây chen tại các TTTM muốn xây dựng còn phải hỏi qua Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem có phù hợp quy hoạch, đủ chỉ tiêu xây dựng hay không. Như tại tòa nhà 35 Tôn Đức Thắng (quận 1), chủ đầu tư “làm thêm” một khung sắt để mở quán cà phê, thanh tra xuống phạt, dỡ đi vì không có giấy phép. Hay như dự án Đảo Kim Cương (quận 2) của Công ty Bình Thiên An, muốn làm mấy quán cà phê tạm bằng tre để khai thác quỹ đất, trong lúc chưa làm dự án, cũng phải đi xin phép!

Có người ví von, các “công trình phụ” đã giúp chủ đầu tư “kiếm thêm”, nhưng liệu có bõ bèn gì khi làm mất mỹ quan đô thị, bởi các tòa nhà cao tầng là một phần của văn minh đô thị. Nhưng điều quan trọng nhất là: vì sao người dân xây nhà không phép bị tháo dỡ, còn những công trình sai quy hoạch như vậy lại tồn tại?

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục