Vi phạm xây dựng: Phát hiện dễ, xử lý khó!

Vi phạm xây dựng: Phát hiện dễ, xử lý khó!

Trong tình hình đô thị hóa như hiện nay, việc xây dựng theo đúng luật định đang gặp rất nhiều khó khăn. “Đất ít người đông” như trong nội thành khi xây dựng thì vi phạm thiết kế, nhưng “đất rộng mênh mông” như ở huyện Củ Chi cũng không ít “vướng vấp”. Trong các trường hợp nêu trên, người vi phạm “chân thành” đóng phạt còn chính quyền thì “ngoài vùng” xử lý…

Xin nộp phạt để giữ lại phần vi phạm!

Vi phạm xây dựng: Phát hiện dễ, xử lý khó! ảnh 1

Rất nhiều nhà ở các quận ven được xây dựng trên diện tích đất còn ghi nợ thuế sử dụng đất. Trong ảnh: Một công trình xây dựng nhà ở quận 6. Ảnh: VIỆT DŨNG

Những năm gần đây tại một số địa phương, tình hình đô thị hóa đã diễn ra với tốc độ “phi mã”. Chỉ cần một thời gian ngắn không đến địa phương đó thì khi quay lại đã thấy thay đổi đáng kể. Quận 6 và 11 – địa phương vùng ven – cũng không nằm ngoài quá trình nêu trên.

Đường phố mở rộng, khu dân cư mới xây dựng liên tục đã góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhưng lại không giải quyết được tình hình cư ngụ của người dân. Đáng quan tâm là tại các khu dân cư hiện hữu, phần đông các nhà xây dựng mới đều có ít nhiều sai phạm.

 Trong năm 2006, qua kiểm tra, cơ quan quản lý trật tự xây dựng tại quận 11 đã phát hiện 634 trường hợp vi phạm; trong đó có đến 520 vụ xây dựng sai phép (chiếm 82%). UBND quận, phường đã ban hành 502 quyết định phạt tiền với số tiền phạt hơn 125 triệu đồng; buộc tháo dỡ 65 trường hợp. Hầu hết các vụ vi phạm vượt tầng xảy ra ở trường hợp diện tích cấp phép nhỏ hơn 40m2. Theo luật định, với diện tích như thế các nhà không được xây dựng quá 2 tầng. Điều lạ là các hộ đều “phấn khởi” chấp hành tốt các biện pháp xử phạt hành chính là nộp tiền phạt, nhưng biện pháp bổ sung đối với các hành vi sai giấy phép, sai thiết kế thì chủ đầu tư đều cam kết xin giữ lại phần xây dựng đã vi phạm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND quận 11, cho biết: “Có lẽ chúng ta cần xem xét lại quy định xây dựng với đặc thù của quận ven đô thị như quận 11. Chỉ riêng hàng trăm trường hợp xây dựng vượt tầng thì xét về “tình” rất khó xử lý.

Đất không rộng nhưng người đông như thực tế tại địa phương khiến người dân dù muốn cũng khó lòng thực hiện đúng. Đó là chưa kể quận 11 là địa phương dễ bị ngập nước nên khi xây dựng, người dân thường tôn nền cao hơn bình thường mà như vậy là vi phạm “vượt tầng”. Thực tế nhiều nhà hơn 40m2, nhưng do xây tường riêng nên khi thiết kế chỉ thiếu vài phân mà không được xây quá 2 tầng! Chỉ riêng lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính về xây dựng đã có một số lãnh đạo ở phường 8 bị kỷ luật, nhưng…”.

Qua tìm hiểu, trong tổng số khoảng 51.000 căn hộ tại quận 11 có đến 12% nhà dạng cư xá ở phường 5, phường 3 có diện tích dưới 40m2. Và, quy hoạch 19 tuyến đường mở rộng tại quận 11 có liên quan đến khoảng 3.000 căn nhà. Nếu không có hướng giải quyết thì tình hình xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng trong thời gian tới sẽ vô cùng nan giải!

Gần 100% ghi nợ tiền sử dụng đất

Nội thành đất ít thì xây dựng sai thiết kế, còn ngoại thành đất rộng mênh mông thì lại vi phạm kiểu khác và đến nay hướng xử lý cũng còn… treo lơ lửng.

Vi phạm xây dựng: Phát hiện dễ, xử lý khó! ảnh 2

Mặc dù không đủ diện tích xây dựng nhưng những ngôi nhà “siêu mỏng” vẫn mọc lên. Ảnh: H.V.

Theo một lãnh đạo ở huyện Củ Chi, từ năm 1975 đến nay, địa bàn có 80% căn nhà xây dựng vi phạm Luật Đất đai. Về vấn đề này, ông Lê Minh Tấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Củ Chi cho biết: “Thời gian qua, các sai phạm về xây dựng chủ yếu do chính sách thuế. Đặc thù ở địa phương là trong thủ tục xây dựng nhà ở người dân phải xin chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Thuế chuyển mục đích sử dụng hiện nay là 100% giá trị quyền sử dụng đất. Thời điểm này giá đất tại khu vực thị trấn khoảng 1 triệu đồng/m2, khu vực nông thôn cũng hàng trăm ngàn đồng/m2. Số tiền quá cao nên người dân khó thực hiện. Nghị định 17 quy định nếu hộ gia đình chưa đủ khả năng nộp tiền sử dụng đất thì được ghi nợ. Năm 2006 có gần 100% người dân ký sổ nợ.

Củ Chi đất gò, nền rất cứng nên người dân không cần xây móng. “Địa lợi” này đã làm giảm đáng kể kinh phí xây dựng nhưng bù lại, tiền thuế chuyển mục đích sử dụng đất lên đến cả trăm triệu đồng khiến người dân “nín thở”.

Anh Nguyễn Văn Út, nhà ở thị trấn Củ Chi lại có bức xúc khác. Trước khi mất, người cha đã chia cho anh Út phần đất hương hỏa khoảng 300m2. Theo luật định thì anh phải nộp thuế 300 triệu đồng. Chỉ căn nhà đang xây dựng dang dở, anh Út nói mà miệng méo xẹo: “Tôi “chạy tiền” xây nhà gần trăm triệu đồng đã “té khói”. Bây giờ thiếu nợ nhà nước 300 triệu đồng không biết bao giờ trả xong. Kệ “tới đâu thì tới”!

Ít đất thì “vướng” Luật Xây dựng; nhiều đất thì “kẹt” tiền thuế. Chỉ biết lúc này trong lãnh vực xây dựng người dân rất “phấn khởi” đi nộp tiền phạt và xin cam kết giữ lại phần vi phạm. Kiểm tra thì địa phương nào cũng thiếu người; cưỡng chế đập bỏ thì tốn kém. Không biết đến bao giờ thực tế nêu trên mới được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết! 

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục