TPHCM 15 năm chống ngập
Bắt đầu từ những dự án xóa ngập tại khu vực trung tâm thành phố (đường Cô Bắc, Hàm Nghi...) vào những năm 2000-2002, đến chống ngập cho cả khu vực lớn như lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé… trong những năm 2007-2010; tính đến nay đã hơn 15 năm, TPHCM triển khai nhiều giải pháp chống ngập. Thế nhưng bất chấp những nỗ lực ấy, tình trạng ngập ở TPHCM vẫn diễn biến phức tạp. Xóa được điểm ngập này, điểm ngập mới lại xuất hiện. Vì sao?
Nâng đường chống ngập tại quận Bình Tân, TPHCM (Ảnh: Cao Thăng)
Chặn lối thoát nước lớn nhất
TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị ấy, ở nhiều nơi, nhiều chỗ dường như công tác chống ngập đã không được quan tâm đúng mức.
Theo ông Hoàng Minh Trí, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng, TPHCM có địa hình dốc, cao ở hướng Bắc và thoải dần về hướng Nam. Cao độ chênh lệch giữa hai khu vực có nơi lên tới 3 - 4m. Nhiều điểm ở hướng Bắc thuộc các quận như 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Củ Chi cao tới 6m so với mực nước biển, trong khi đó ở hướng Nam như quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ có khu vực chỉ cao hơn 1m, thấp hơn đỉnh triều khá nhiều. Với đặc điểm địa hình như vậy, từ lâu hướng Nam đã là hướng thoát nước chính của cả thành phố.
Những năm 1990, TPHCM đã có những bước chuyển lớn trong phát triển đô thị. Một trong những dấu ấn lớn là quyết định đầu tư xây dựng khu đô thị mới Nam thành phố (khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng). Lúc ấy, nhiều chuyên gia về môi trường đã lo ngại việc phát triển đô thị về hướng Nam sẽ chặn mất lối thoát nước của thành phố. Tuy nhiên, “phát triển về hướng Nam, hướng ra biển” đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM, nên sau đô thị mới Phú Mỹ Hưng, tốc độ đô thị hóa ở khu Nam càng ồ ạt với hàng loạt dự án.
Ông Hoàng Minh Trí cho biết, khi quyết định phát triển đô thị về hướng Nam, TPHCM đã giao Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) xây dựng đồ án quy hoạch phát triển đô thị cho cả khu vực. IPC đã tổ chức thi và tuyển chọn được nhà tư vấn SOM của Mỹ. Là một trong những chuyên gia tham gia vào việc thẩm định đồ án quy hoạch này, ông Hoàng Minh Trí nhớ lại, đồ án quy hoạch của nhà tư vấn SOM đặt ra yêu cầu phải bảo vệ tối đa hệ thống sông, kênh, rạch và mảng xanh bảo vệ dọc hai bên kênh, rạch của khu Nam nhằm đảm bảo thoát nước cho cả thành phố. Phát triển đô thị ở đây phải thực hiện theo hướng nén để tiết kiệm đất. Đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1994 và còn đoạt được một giải thưởng lớn trong khu vực về những giải pháp thiết kế thích ứng với tự nhiên.
Vậy nhưng có dịp tới khu Nam thời gian sau này, chuyên gia Hoàng Minh Trí cho biết thật sự ngạc nhiên khi thấy khu Nam bây giờ gần như không có dấu ấn của đồ án quy hoạch này. Nhiều kênh, rạch đã bị san lấp; nhiều mảng xanh dọc kênh, rạch không còn. Nhà cửa mọc lên san sát. Những khu vực chưa có nhà xây thì cũng đã có… chủ đầu tư, chỉ chờ thời điểm thích hợp để xây nhà.
Theo ông Hoàng Minh Trí, đây là lý do chính làm cho tình trạng ngập ở TPHCM không được cải thiện như kỳ vọng, bất chấp nhiều nỗ lực cả về kinh phí lẫn nhân lực đã được đầu tư vào đây. Các dự án phát triển đô thị ở khu vực này, về nguyên tắc đều lắp đặt hệ thống cống thoát nước. Tuy nhiên, cả vùng đầm lầy của khu Nam ngày xưa thu nước cho cả thành phố, giờ rút lại trong vài hệ thống cống, chắc chắn không thể hiệu quả như trước. Chưa kể, việc lắp đặt cống liệu có đúng, có đủ? Bởi lẽ, là khu vực thu nước cuối cùng trước khi đổ ra biển, hệ thống cống phải đủ lớn, phải được đặt sâu thì nước ở khu nội thành mới chảy ra được.
Công trình cải tạo kênh Hàng Bàng (Ảnh: THÀNH TRÍ)
Buông lỏng khâu thoát nước cho từng khu vực
5 năm gần đây, TPHCM bắt đầu báo động: ngay cả những khu vực có nền đất cao như quận Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn… cũng bị ngập. Trong tiến trình đô thị hóa, bê tông hóa, nhiều kênh, rạch bị san lấp để xây dựng là nguyên nhân trực tiếp gây ra hiện tượng này. Đối với một thành phố đang phát triển như TPHCM, trung tâm kinh tế của cả nước, quá trình đô thị hóa là tất yếu. Điều bất cập ở đây chính là TPHCM đã không xác định được những khu vực cho phép xây dựng và những khu vực kênh, rạch cần bảo vệ.
Chỉ hơn chục năm gần đây, TPHCM mới xác định rõ ranh cắm chỉ giới hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch và có quy định cấm san lấp kênh, rạch để xây dựng công trình. Trường hợp cần san lấp, chủ đầu tư phải xây dựng hệ thống cống thoát nước có năng lực thoát nước tương tự kênh, rạch hoặc hồ điều tiết nước bù lại. Tuy các quy định này đã phát huy hiệu quả trên thực tế nhưng điều đáng lo là vẫn có nhiều hécta diện tích kênh, rạch tiếp tục bị san lấp, lấn chiếm do chính quyền các địa phương quản lý không xuể.
Trong khi đó, hàng trăm hécta kênh, rạch đã bị dự án phát triển bất động sản hoặc đơn giản đã bị một số người dân tự động san lấp, không thể phục hồi được bởi chi phí quá cao. Mới đây, một trong những phương án chống ngập được TPHCM triển khai là đào lại kênh Hàng Bàng, nhưng ước tính chi phí ban đầu đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng…
Thêm một lý do ngập ở khu vực nội thành cũ, đó là tình trạng xây dựng không tuân thủ cốt nền. Quy hoạch về cốt xây dựng đã được xác lập ngay trong đồ án quy hoạch xây dựng chung TPHCM năm 1993 và sau đó liên tục được khẳng định lại trong các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM trong các năm 1998, 2010. “Nếu nhà ở, đường giao thông và nhiều công trình kiến trúc khác tuân thủ nghiêm cốt xây dựng từ hơn 20 năm trước thì tình trạng ngập ở TPHCM đâu nặng nề như hiện nay và hiện tượng nhà thấp hơn đường (nhà hầm) cũng sẽ được hạn chế đến mức tối đa”, ông Hoàng Minh Trí nói.
Tại sao cốt nền xây dựng không được tuân thủ? Câu trả lời thuộc về các cơ quan quản lý quy hoạch, xây dựng. Đối với người dân, hậu quả nhãn tiền của tình trạng này là “nhà, đường lổn nhổn, cao thấp khác nhau”. Nhiều đường mới được nâng cấp thì nhà dân lập tức trở thành… “túi nước” vào mùa mưa và “nhà hầm” vào cả… hai mùa mưa, nắng. Theo thống kê của Công ty Thoát nước đô thị, TPHCM hiện có hơn 100 con hẻm thấp hơn mặt đường chính. Con số này đang tăng lên với sự xuất hiện của nhiều con đường mới được hình thành.
|
NGUYỄN KHOA