(SGGP).- Liên quan đến vụ Đại lộ Đông Tây bị lún và nứt, Báo SGGP nhận được một số ý kiến của các chuyên gia về lĩnh vực xây dựng cầu đường, Tiến sĩ Vũ Xuân Hòa, giảng viên khoa Xây dựng Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết: Tại một số vị trí mặt đường bị nứt (phía dưới nền đường được cống hộp thay thế cho rạch thoát nước cũ), nguyên nhân có thể do xử lý lún của nền đất yếu chưa đạt yêu cầu. Việc lún nứt gần cống hộp do nền đất bên dưới lún cộng với áp lực khối đất đắp trên nền đường làm cho nền đất tự nhiên bên dưới yếu đi.
Nếu lún đều thì khó dẫn đến nứt cục bộ, nhưng tại nơi xây dựng cống hộp được xử lý nền móng kiên cố (tức là chắc chắn hơn so với nền đất tự nhiên nơi không làm cống) dẫn đến chỗ lún nhiều, chỗ lún ít không đồng đều thì tất nhiên giữa hai điểm tiếp giáp sẽ bị nứt là đương nhiên. Hiện nay, vùng đất xây dựng Đại lộ Đông Tây trên địa bàn quận 2 thuộc vùng đất sét yếu, khi thi công nền đường các đơn vị thi công đã đắp đất gia tải và khối đất đắp trên nền đường tạo ra lún do nền đất tự nhiên bên dưới lún, kéo theo cả khu vực bên trên bị lún hay còn gọi tự lún (dù không có hoặc có phương tiện lưu thông vẫn bị lún).
Đối với những vị trí mặt đường lún theo vệt bánh xe tải lưu thông tạo thành những rãnh sâu 15-20cm, rộng 50cm, ngoài lún đều do xử lý nền đất yếu, những vị trí bị lún này còn bị lún cục bộ khi xe tải lưu thông. Điều này có thể do thi công phần kết cấu mặt đường, móng mặt đường đầm nén chưa đủ độ chặt để đạt đến độ cứng đáp ứng nhu cầu xe lưu thông, vì thế khi xe tải lưu thông tạo ra lún cục bộ tích lũy theo vết bánh xe và lâu ngày lún sâu tạo thành rãnh.
Phó Chủ tịch Hội Xây dựng TPHCM Phan Phùng Sanh cho rằng, về nguyên tắc đối với các tuyến đường xây dựng trên nền đất yếu, sau khi thi công xong mức độ lún vẫn còn tiếp diễn. Thế nhưng, mức độ lún diễn ra từ từ trong nhiều năm, chứ không lún nhiều như Đại lộ Đông Tây hiện nay. Nguyên nhân lún có thể do khâu khảo sát thiết kế, phương án thi công, giám sát thi công… chưa chuẩn.
Qua đây có thể nói do khảo sát không kỹ hoặc do thi công kém. Hiện nay các nước trên thế giới thi công bằng nhiều công nghệ đơn giản như bấc thấm ngang, dọc, đổ xi măng cọc cát, xi măng cốt thép kết hợp hút chân không, đầm nén…
Tóm lại dù phương án nào đi nữa khâu khảo sát phải thật cẩn thận, rồi đưa ra thiết kế nền móng sau đó mới tiến hành thi công, trong thi công đơn vị giám sát phải theo dõi sát sao. Việc sử dụng bấc thấm ngang chỉ là một phương án, việc nền đường lún chứng tỏ vẫn còn nước dưới nền đường, chỉ sau một thời gian là đường hỏng. Sử dụng phương án này, nếu không cẩn thận sẽ không hút hết nước được và có lẽ sẽ còn lún nữa.
Q.Hùng - L.Thiện