Hàng ngàn công trình xây dựng vi phạm hành lang ATGT

Vì sao?

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện có trên 73.000 công trình kiên cố, hơn 1.000 trạm xăng dầu và gần 3.000 đường ngang mở trái phép vi phạm hành lang an toàn giao thông. Riêng TP HCM cũng có đến vài ngàn công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn giao thông.
Vì sao?

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện có trên 73.000 công trình kiên cố, hơn 1.000 trạm xăng dầu và gần 3.000 đường ngang mở trái phép vi phạm hành lang an toàn giao thông. Riêng TP HCM cũng có đến vài ngàn công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn giao thông.

  • Đủ kiểu vi phạm

Hiện nay, các chủ nhân của ngôi nhà số A17/2 đường Nguyễn Hữu Cảnh quận Bình Thạnh đã dời đi hết vì căn nhà bị lún, nứt, nghiêng và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào (nguyên nhân của việc này đang được nghiên cứu xem có liên quan gì đến việc lún, sụp cầu, hầm chui Văn Thánh 2). Thế nhưng, nhiều người sống trong khu vực vẫn còn nhớ như in hình ảnh một số người trong gia đình này lâu lâu lại “biểu diễn” bước “một bước” từ lan can tầng 1 của ngôi nhà ra cầu Văn Thánh 2 (nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh).

Vì sao? ảnh 1
Nhà xây sát đường Văn Thánh 2. Ảnh: Cao Thăng

Dưới mắt nhiều người dân ở đây, hành động đó chỉ là trò vui, vô hại… Tuy nhiên, chứng kiến cảnh ấy, ông Nguyễn Ngọc Long, Cục trưởng Cục Giám định chất lượng và quản lý chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã không giấu nổi bức xúc: Tại sao nhà dân lại xây sát cầu đến như vậy? Ông cho biết: Theo các quy định về hành lang bảo vệ an toàn cho công trình giao thông công chính, trong nội thành, các công trình xây dựng phải cách xa cầu khoảng 7m, tính từ dạ cầu”...

Không thể tìm ra chủ nhà số A 17/2 để nghe họ giải thích vì sao lại xây nhà sát cầu Văn Thánh 2 đến như vậy, chúng tôi đã đến nhà số 12C-13C cách đó vài mét. Thềm của ngôi nhà này chỉ cách đường dẫn vào cầu Văn Thánh 2 khoảng 2m. Bà Trịnh Thị Lợi, chủ nhà cho biết: “chẳng ai cấp phép cho tôi xây dựng ngôi nhà này cả, nhưng nhà cũ đã hư hỏng nhiều, không xây thì không có chỗ ở”. Đội quản lý đô thị quận cũng đã xuống phạt gia đình bà 7 triệu đồng vì hành vi xây nhà trái phép nhưng khi họ đi, ngôi nhà vẫn cứ mọc lên. Bà Lợi thật thà nói: “Tôi chẳng biết quy định về hành lang an toàn của cầu và đường là gì cả”. Tiếp chúng tôi, tổ trưởng tổ dân phố số 7 phường 22 quận Bình Thạnh - địa bàn có đến gần 10 căn nhà xây dựng không phép sát chân cầu, hầm chui Văn Thánh 2 - buồn bã nói, tổ đã nhiều lần báo cáo việc này nhưng không hiểu sao phường, quận vẫn để họ xây dựng. Hiện nay, hầu hết các căn nhà xây dựng trái phép này đều đã bị lún, nứt nghiêm trọng theo mức độ lún, nứt của cầu Văn Thánh 2.

Danh sách các công trình xây dựng ngay trên hệ thống cống thoát nước của thành phố (do Khu quản lý Giao thông Đô thị 1 lập) mới chỉ lập được ở quận 3 và quận 10 nhưng cũng đã dài dằng dặc, ước có đến vài trăm. Theo một cán bộ của Khu nếu lập cho cả thành phố thì danh sách này phải dài gấp cả chục lần nữa”. Điều ngạc nhiên là khi trao đổi với chúng tôi, hầu hết chủ nhân của những công trình xây dựng trái phép này lại hoàn toàn không hay biết gì về hành vi sai phạm của mình. Chủ nhà số 170 đường Cao Thắng nối dài, quận 3 có phần nhà bếp xây dựng ngay trên lưng cống thoát nước của khu vực nói: “ba tôi làm ngôi nhà này, có giấy phép xây dựng hẳn hoi, tôi chẳng biết dưới nền nhà có gì (?)”.

Chủ ngôi nhà số 1A đường Lê Hồng Phong nối dài, quận 10 được xác định là đã xây dựng trên lưng cống thoát nước và hố ga thu nước của khu vực cũng “vô tư”: “nhà xây dựng đã lâu, có giấy phép đàng hoàng, chúng tôi không biết có cống nào ở dưới nền nhà”. Không chỉ có nhà dân, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh cũng xây dựng lấn sâu vào hành lang an toàn của các công trình giao thông công chính. Một nhân viên bán hàng ở cửa hàng số 138A-138 đường Cao Thắng nối dài - công trình cũng được xác định xây trên lưng cống thoát nước của khu vực - “hồn nhiên” trả lời: “người ta xây dựng, chúng tôi đến bán hàng, làm sao biết được những chuyện rắc rối như thế”.

  • “Tại anh - Tại ả”?

“Ôi, chuyện này có nhiều lý do lắm”, nhiều cán bộ của các ban ngành có chức năng bảo vệ hành lang an toàn cho các công trình giao thông công chính đã trả lời chúng tôi như vậy khi bị chất vấn tại sao lại để xảy ra tình trạng nêu trên. Về việc nhà lấn chiếm hành lang an toàn của cầu Văn Thánh 2, một cán bộ của lực lượng Thanh niên xung phong tiết lộ, lúc làm công trình này, thành phố chưa có tiền nhiều, mọi thứ phải tính toán theo kiểu “tiết kiệm tối đa”… Chính vì vậy, một số cán bộ thực hiện công tác giải tỏa thấy dân dùng dằng không muốn di dời, họ cũng “linh động” cho ở lại (?).

Trong bối cảnh đó, chính quyền địa phương lại chẳng cương quyết ngăn chặn hành vi xây nhà trái phép… Kết quả là tại chân cầu, hầm chui Văn Thánh 2 xuất hiện hàng loạt nhà xây dựng trái phép mà hậu quả của nó, cho đến hôm nay thành phố vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Hiện nhiều hộ dân cho rằng nhà của họ bị lún, nứt là do cầu, hầm chui Văn Thánh 2 bị lún, nứt kéo theo. Trong khi đó, các ngành chức năng vẫn đang băn khoăn chưa biết giải quyết việc này ra sao, vì nhiều hộ xây nhà không phép và vi phạm hành lang an toàn của cầu, hầm chui Văn Thánh 2

Tương tự, giải quyết tình trạng nhà xây trên cống thoát nước cũng không dễ. Giải tỏa nhà dân? Tiền đâu để bồi thường? Lấy ngân sách của thành phố - tiền đóng thuế của người dân - để bồi hoàn cho những hành vi sai trái? Còn không bồi thường thì giải thích với dân ra sao khi chính quyền địa phương đã cấp phép cho họ xây dựng nhà ở trên ấy?

Tình trạng vi phạm hành lang an toàn của các công trình giao thông công chính đã và đang diễn ra khá phức tạp mà hậu quả nhãn tiền là ảnh hưởng đến chất lượng của chính các công trình ấy và cuộc sống của những người dân xung quanh. Thế nhưng, giải quyết dứt điểm bằng cách nào thì vẫn là bài toán khó. 

An Nhiên - Minh Xuân 

Tin cùng chuyên mục