
Sự vô trách nhiệm, coi thường mạng sống không những của chính mình và của cả người khác đã trở thành một nguyên nhân chính của các vụ tai nạn giao thông. Đối tượng gây ra tai nạn không những là người không am hiểu về luật mà cả những lái xe lâu năm vẫn vi phạm và đã phải trả giá có khi bằng cả mạng sống của chính mình.

Xe cộ chạy không ai nhường ai tại một ngã tư - Sự coi thường Luật giao thông cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra tại nạn giao thông. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng ta thấy rằng: tâm lý xem thường pháp luật, xem thường luật lệ giao thông đã trở thành nguyên nhân chính gây ra những tai nạn. Chính vì xem thường pháp luật, chủ quan, nên có những người vừa mới học lái xe, chưa có bằng đã lái xe cũng đi ra đường, rồi gặp tình huống khó không xử lý được đã gây ra nhiều tai nạn chết người. Lại có những người tuy có bằng lái xe, am hiểu luật Giao thông nhưng thích phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ được tốc độ đã gây ra tai nạn.
Cũng có người không phải không tôn trọng luật lệ giao thông mà do lái xe không tập trung tư tưởng, không quan sát đường cũng đã vô tình gây tai nạn...Như vậy, vấn đề là bản thân người tham gia giao thông phải nhận thức được vấn đề nguy hiểm của tai nạn giao thông và chủ động phòng tránh.
Nói về trách nhiệm của người điều khiển, chúng ta cũng cần đề cập đến trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông. Có một số trường hợp tuy không nhiều, người vi phạm luật giao thông chỉ cần đưa một ít tiền cho cảnh sát giao thông là có thể được bỏ qua. Nhiều lần như vậy sẽ gây tâm lý coi thường pháp luật của người tham gia giao thông và tâm lý đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông.
Thậm chí lại nảy sinh quan niệm rằng, việc phải tuân thủ luật lệ giao thông là việc cưỡng bức, là việc của cảnh sát giao thông chứ không phải vì quyền lợi của chính người tham gia giao thông. Chính tâm lý chủ quan, coi thường pháp luật và cả những hành vi tiêu cực đã trở thành nguy cơ tiềm ẩn làm cho tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng. Do vậy, theo chúng tôi, để phòng chống và giảm thiểu tai nạn giao thông, mỗi người dân, mỗi cán bộ cảnh sát làm nhiệm vụ cần nâng cao nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm vì lợi ích của bản thân và của cộng đồng.
Khẩu hiệu “An toàn giao thông là trách nhiệm của mọi người” cần phải được hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc. Không ai có thể bảo toàn tính mạng của chúng ta bằng chính chúng ta. Tôn trọng luật giao thông, hiểu luật và chấp hành nghiêm chỉnh không những là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi công dân.
Một điều quan trọng nữa và cũng là điều kiện đầu tiên để hạn chế tai nạn giao thông: Người dân chúng ta vẫn có thói quen hễ ra khỏi nhà là leo ngay lên xe gắn máy, bất kể đi gần hay xa, chính điều này đã góp phần tăng lượng xe đáng kể tham gia lưu thông trên đường và rất dễ gây ra tai nạn.
Vì vậy, để hạn chế tối đa lượng xe gắn máy lưu thông trên đường và giảm tai nạn giao thông, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu và áp dụng thực hiện càng nhiều các tuyến xe buýt di chuyển ở những khu vực trọng điểm (lưu ý tình hình trùng lắp tuyến), vận động toàn dân thực hiện nghiêm chỉnh các quy định an toàn trong giao thông, thực hiện “luật đội mũ bảo hiểm” đối với người lưu thông trên đường bất cứ ở đâu, ai không tuân thủ thì cần truy phạt thật nặng như các nước phát triển đã từng làm.
NGUYỄN SINH (TPHCM)