Vì sao tố cáo sai còn nhiều?

Theo báo cáo của UBND TPHCM về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ tháng 8-2011 đến nay, các cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận 921 đơn tố cáo của người dân với hàng ngàn vụ việc liên quan đến các lĩnh vực về đất đai, xây dựng, quy hoạch, thuế, trật tự xã hội…

Theo báo cáo của UBND TPHCM về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ tháng 8-2011 đến nay, các cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận 921 đơn tố cáo của người dân với hàng ngàn vụ việc liên quan đến các lĩnh vực về đất đai, xây dựng, quy hoạch, thuế, trật tự xã hội…

Qua tiến hành phân tích 200 đơn tố cáo cho thấy chỉ có 12 đơn tố cáo (đạt 6%) là tố cáo đúng, phần lớn còn lại là tố cáo sai (166 đơn), tố cáo có đúng có sai (22 đơn). Trong số những đơn thư tố cáo đúng tập trung chủ yếu về các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ để trục lợi, không thực hiện đúng nhiệm vụ, công vụ được giao; lợi dụng chức vụ, quyền hạn bao che cho hành vi vi phạm pháp luật ở lĩnh vực bồi thường giải tỏa, cấp giấy chứng nhận nhà đất… Đối tượng bị tố cáo chủ yếu là cán bộ ở phường - xã - thị trấn, lãnh đạo UBND phường - xã, UBND quận - huyện.

Sở dĩ tình trạng tố cáo đúng chiếm tỷ lệ quá thấp so với các vụ tố cáo sai, hoặc tố cáo có đúng có sai được các cơ quan chức năng nhận định do người dân thiếu thông tin, nhiều vụ việc bị bưng bít, thiếu công khai; việc giám sát, kiểm tra, phát hiện sai sót trong thi hành công vụ tại các cơ quan công quyền làm phương hại đến lợi ích của người dân hiệu quả thấp; nhiều vụ việc khiếu nại chậm được giải quyết, hoặc giải quyết không đáp ứng được yêu cầu của người khiếu nại nên chuyển sang tố cáo; người dân tố cáo đúng nhưng cán bộ làm sai không bị xử lý… Để giảm số vụ việc tố cáo sai, tố cáo có đúng có sai, theo người dân trước hết ở mỗi cấp, mỗi ngành cần công khai minh bạch các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội để người dân biết và thực hiện, đồng thời thực thi quyền giám sát của mình.

Mặt khác, phải thường xuyên thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo; gắn việc giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài với xử lý trách nhiệm của những cán bộ, công chức trì trệ, nhũng nhiễu, có hành vi tiêu cực, cản trở việc thực hiện các chính sách pháp luật liên quan đến người dân. Hay việc tăng cường đối thoại, tiếp dân và lắng nghe những phản ánh từ thực tế của người dân, cũng được cho là những biện pháp nhằm giải quyết tốt nhất những vụ việc phát sinh, qua đó hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng tố cáo sai đang xảy ra khá phổ biến tại nhiều địa phương hiện nay.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục