Vì thành phố xanh - sạch - đẹp

Bài 1: Thực hiện nếp sống văn minh đô thị ở TPHCM - Tăng chế tài xử lý vi phạm
Vì thành phố xanh - sạch - đẹp

Bài 1: Thực hiện nếp sống văn minh đô thị ở TPHCM - Tăng chế tài xử lý vi phạm

Cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị ở TPHCM bước đầu đã đạt được một số kết quả, tạo chuyển biến ở một số tuyến đường, khu dân cư. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, bức tranh đô thị vẫn còn nhiều gam màu tối với những hình ảnh chưa đẹp mắt, thậm chí nhếch nhác…

Vỉa hè “đường mẫu” Nguyễn Chí Thanh (đoạn gần Bệnh viện Chợ Rẫy), bị chiếm giữ thành bãi xe, hàng quán. Ảnh: K.H.

Vỉa hè “đường mẫu” Nguyễn Chí Thanh (đoạn gần Bệnh viện Chợ Rẫy), bị chiếm giữ thành bãi xe, hàng quán. Ảnh: K.H.

  • Chưa thấm sâu, lan rộng

Những ngày cuối tháng 7-2011, chúng tôi trở lại 15 tuyến đường được TPHCM chọn làm mẫu về thực hiện văn minh đô thị (VMĐT) và nhận thấy trừ các tuyến đường ở trung tâm như Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Duẩn (quận 1) đã có chuyển biến rõ rệt, 11 tuyến còn lại trải dài qua 39 địa bàn phường thuộc 7 quận nội thành vẫn còn không ít hình ảnh nhếch nhác, thiếu mỹ quan đô thị.

Nếu xét theo tiêu chí đường mẫu đặt ra là phải đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự, an toàn giao thông, không lấn chiếm vỉa hè - bán hàng rong, không ăn xin, không treo vẽ, dán quảng cáo… thì nhiều tuyến đường mẫu như Nguyễn Chí Thanh, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Võ Văn Tần… đều có chung mẫu số: “chưa sạch, chưa đẹp, chưa văn minh”.

Điển hình như đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ quận 10 đến quận 5), cảnh lấn chiếm gần hết vỉa hè để buôn bán, giữ xe kèm đội quân hàng rong tràn xuống lòng đường vẫn diễn ra công khai. Nhức nhối nhất vẫn là đoạn gần cổng Bệnh viện Chợ Rẫy. Dù đã nhiều lần ra quân tái lập trật tự, truy quét hàng rong nhưng khu vực này vẫn là điểm nóng và tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa” chẳng biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Tạo mảng xanh và lề đường thông thoáng là vấn đề TPHCM chú trọng khi chỉnh trang đô thị, thực hiện nếp sống văn minh. Ảnh: THÁI BẰNG

Tạo mảng xanh và lề đường thông thoáng là vấn đề TPHCM chú trọng khi chỉnh trang đô thị, thực hiện nếp sống văn minh. Ảnh: THÁI BẰNG

Có thể nói, tuyến đường nào có bệnh viện, trường học thì ở nơi đó cảnh nhếch nhác do hoạt động kinh doanh lấn chiếm vỉa hè và hàng rong vẫn án ngữ “trên từng cây số”. Dọc theo tuyến đường trung tâm TP như Hai Bà Trưng cảnh lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, giữ xe vẫn nhan nhản khiến nhiều đoạn đường người đi bộ phải xuống lòng đường để đi.

Vào buổi sáng, ở một số tuyến đường như Nguyễn Trãi, 3/2, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Chí Thanh, Trần Hưng Đạo…, có không ít bịch rác đủ kích cỡ nằm ở gốc cây, lề đường trông rất phản cảm. Sở dĩ có tình trạng này là do người dân thiếu ý thức, chưa đến giờ lấy rác nhưng đã vội bỏ ra đường, để cho những người lượm ve chai cào bới mất vệ sinh. Song song đó, tình trạng rác xả ra mặt đường và các thùng rác đã “ăn” đầy rác nhưng chậm đổ vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Một hình ảnh phổ biến lấn chiếm không gian vỉa hè là việc cửa hàng, quán ăn nào cũng có mái che, cây dù với đủ màu sắc, kích thước, nhô ra thụt vào trông nhếch nhác, mất vẻ mỹ quan đường phố. Đó là chưa kể cảnh phơi phóng quần áo, đồ dùng sinh hoạt trước mặt tiền nhà ở một số tuyến đường cũng trở thành… chuyện bình thường. Điều này cho thấy, sau những đợt phát động rầm rộ thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống VMĐT ở TPHCM, tình hình chung có chuyển biến nhưng ý thức và thói quen mới - giữ gìn đường phố, khu dân cư sạch, đẹp hơn vẫn chưa thấm sâu, lan rộng trong cộng đồng.

  • Cần sự hiệp lực nhiều phía

Anh Nguyễn Công Trứ, công nhân vệ sinh ở tổ 6 Công ty Dịch vụ đô thị và Quản lý nhà quận 10, cho biết: “Từ khi tuyến đường Nguyễn Tri Phương được chọn làm mẫu về thực hiện VMĐT, một bộ phận người dân đã có giữ gìn vệ sinh chung nhưng vẫn còn nhiều người thiếu ý thức đã vô tư xả rác, bỏ đồ hư hỏng ra vỉa hè. Vi phạm nhiều nhất là hàng quán kinh doanh ăn uống. Vì cái đẹp, cái sạch chung, chúng tôi luôn nhắc nhở người dân sống ở mặt tiền đường có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Thế nhưng, có không ít trường hợp vi phạm rành rành, vô tư xả rác ra đường khi bị nhắc nhở còn đe dọa chúng tôi…”.

Theo nhiều công nhân vệ sinh khác, để xóa bỏ cơ bản hình ảnh xấu trên đường phố như xả rác bừa bãi thì chính quyền địa phương phải hiệp lực, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm. Cụ thể khi nhân viên vệ sinh phát hiện những hành vi vi phạm về VMĐT thì cán bộ phụ trách môi trường của phường đó phải có mặt để xử lý ngay. Có như thế, những thói quen xấu mới bị loại bỏ dần dần.

Thực tế cho thấy, chỉ khi nào chính quyền địa phương và ngành chức năng thực sự quan tâm, ra quân thường xuyên và kiểm tra, xử phạt những vi phạm về VMĐT thì ở nơi đó cảnh quan đô thị không bị xâm lấn, thói quen xấu mới được khống chế dần dần. Ngược lại, chỉ cần lơ là, ít tuần tra, kiểm tra là nơi đó tái diễn những hình ảnh không đẹp mắt, thậm chí nhếch nhác như cũ. Nếu như những tuyến đường mẫu còn xa mới chạm chuẩn thì những tuyến đường còn lại, nhất là những nơi công cộng như bến xe, trạm xe buýt, bệnh viện, khu vui chơi giải trí… vẫn còn nhiều điều phải bàn, rốt ráo làm thì mới đạt được kỳ vọng xanh - sạch - đẹp.

Phải nhìn nhận một thực tế là tuy TP và các ngành chức năng đã vào cuộc, quyết tâm cao nhưng cách làm, cách tuyên truyền và biện pháp chế tài xử lý vi phạm về VMĐT chưa đồng bộ, bài bản.

Muốn thay đổi những thói quen xấu, hạn chế những hành vi làm mất vẻ mỹ quan đô thị, TP phải đầu tư về cơ sở hạ tầng như xây dựng nhà vệ sinh công cộng, lắp đặt thêm thùng đựng rác và lấy rác thường xuyên, tránh để tình trạng thùng rác đầy, rơi vương vãi ra đường. Song song đó, ngoài tuyên truyền sâu rộng, từng quận huyện, phường xã phải tăng cường việc tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi làm mất vẻ mỹ quan đường phố. Chỉ có áp dụng biện pháp chế tài thật nghiêm thì những thói quen xấu, hành vi vi phạm về văn minh đô thị mới giảm.

Khánh Hà


Bài 2: Cấp phường xử phạt vi phạm mỹ quan đô thị - Làm được, nhưng...

Nhiều người cho rằng chuyện xử phạt những vi phạm trong lĩnh vực mỹ quan đô thị như xả rác, xả nước thải, dán quảng cáo trái phép, lấn chiếm lòng lề đường… như trò bắt cóc bỏ dĩa, phạt rồi đâu lại vào đấy dù các quy định về xử phạt khá đầy đủ và chặt chẽ. Cấp phường - cấp quản lý địa bàn cơ sở - nói gì về công tác này? Chúng tôi đã đi thực tế nhiều phường và lắng nghe tiếng nói của họ…

  • Ông LÊ TẤN TÀI, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường 6 quận 5: Không khó nhưng phải bền bỉ

3 năm qua, phường 6 làm khá quyết liệt lĩnh vực này. Khi dự án đại lộ Đông Tây đang thi công, người ta cứ mang rác, xà bần, bùn non, bồn cầu phế thải… đem ra đổ tại đây. Phường phát động phong trào dọn dẹp, xử phạt, chia ca trực để phát hiện người vi phạm, lập biên bản tại chỗ và kiên quyết xử phạt. Xe ba gác đổ rác bậy, xử phạt 300.000 - 400.000 đồng/lần. Đổ ngày bị phạt, họ chuyển qua đổ ban đêm, chúng tôi lại phân lực lượng trực đêm. Làm khoảng 1 tháng, tình hình cải thiện rõ rệt, chúng tôi chuyển sang phạt hành vi tiểu tiện bừa bãi. Mỗi quý phạt cả trăm vụ.

Rồi những người đi phát tờ rơi quảng cáo, đặc biệt tại các cổng trường khi họp phụ huynh, chúng tôi đều mời về phường, lập biên bản, xử phạt 150.000 đồng/người và bắt đi quét sạch các tờ rơi. Đứng ở các giao lộ phát tờ rơi cũng bị phạt. Đặc biệt trong phong trào xây dựng khu phố không rác, phường “treo thưởng” ai phát hiện một vụ đổ rác trái phép sẽ thưởng “nóng” 100.000 đồng, phát hiện dán “khoan cắt bê tông” (KCBT), thưởng 200.000 đồng…

Kinh nghiệm cho thấy, phải làm quyết liệt, bền bỉ, có sự đồng thuận của người dân và khen thưởng kịp thời. Ở cấp phường, nếu được giao quyền, giao cơ chế, tôi bảo đảm họ sẽ làm tốt công tác này.

Đường 3-2, đoạn gần Nhà hát Hòa Bình, hàng rong vô tư lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: K.H.

Đường 3-2, đoạn gần Nhà hát Hòa Bình, hàng rong vô tư lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: K.H.

  • Bà VƯƠNG QUÝ MÃNH, Phó Chủ tịch UBND phường 7 quận Bình Thạnh: Cần các biện pháp chế tài người vi phạm

Phường cũng rất quan tâm lĩnh vực này nhưng mỗi khi ra quân cạo quảng cáo trái phép như KCBT, rút hầm cầu… thì ngày hôm sau đâu lại vào đấy. Kể cả đổ nước thải ra đường, phạt tới 8 triệu đồng nhưng họ vẫn vi phạm. Còn xe hàng rong thì bắt hoài, đưa về phường không có chỗ để. Nghị định 34 có mức xử phạt khá nặng nhưng với đối tượng vi phạm là doanh nghiệp thì còn đóng phạt, hàng rong thì… bỏ luôn.

Trong các khu phố, có thể vận động người dân nhưng tại các nơi công cộng như bệnh viện, cơ quan… muốn làm tốt phải có sự hợp tác của lãnh đạo các cơ quan này. Theo tôi, muốn làm tốt công tác mỹ quan đô thị, phải tiến hành khảo sát, vận động người dân và lắng nghe tiếng nói của họ và phải có sự hỗ trợ từ trên xuống dưới.

Mặt khác, phải có biện pháp chế tài như buộc các đối tượng dán quảng cáo trái phép phải đi cạo sạch các quảng cáo trên địa bàn như hình thức phạt bổ sung. Cái khó hiện nay là thiếu kinh phí bồi dưỡng cho anh em tham gia công tác, như muốn xử phạt KCBT, anh em phải trực từ 3 - 4 giờ sáng, lấy đâu kinh phí bồi dưỡng…?

  • Ông LÝ THANH HÒA, Chủ tịch UBND phường 12 quận 8: Tăng cường tuyên truyền

Nguyên nhân của tình trạng vi phạm mỹ quan đô thị, theo tôi, do ý thức của người dân còn hạn chế. Phường 12 là một phường nghèo, đa số là buôn bán nhỏ, nếu áp dụng Nghị định 34 để xử phạt thì rất khó. Hàng rong phạt 25 triệu đồng nhưng gánh chè trị giá chưa tới 500.000 đồng, toàn dân nghèo, làm sao phạt? Phải từ từ, không phải cây đũa thần, gõ một cái thành quận 1 hay Phú Mỹ Hưng. Cách làm của phường là tăng cường tuyên truyền, vận động người dân cam kết không xả rác, buôn bán lấn chiếm…

Như ở đường Tùng Thiện Vương, phường kẻ vạch sơn để người buôn bán không lấn ra. Làm trọng điểm, từ từ chấn chỉnh nên tình hình dần được cải thiện. Hơn 97% hộ gia đình đã cam kết hốt rác tại nhà, các tổ dân phố, khu phố hàng tuần đều đăng ký lịch để làm sạch từng tuyến đường nên việc xả rác bừa bãi đã được khắc phục. Tuyên truyền không chưa đủ, phải kiểm tra, nhắc nhở. 100% hộ sống dọc kênh Tàu Hủ đều ký cam kết đóng tiền đổ rác nên không ai dại gì vứt rác xuống sông. Theo tôi, phải làm liên tục để nâng cao ý thức người dân…

  • Ông ĐỖ MINH LONG, Chủ tịch UBND phường 10 quận 3: Làm được, nhưng...

Mỹ quan đô thị tại sao làm hoài mà chưa như ý muốn? Đây là vấn đề xã hội. Ở góc độ vĩ mô, phải có chính sách trong vấn đề dân nhập cư, việc làm, an sinh xã hội… Nhiều nơi cũng xử phạt nhưng rồi đâu lại vào đấy vì cuộc sống, người nghèo phải bươn chải. Như vấn đề lấn chiếm lòng lề đường, phải sắp xếp bố trí để cho người nghèo có chỗ buôn bán, vừa đảm bảo an toàn cho người đi bộ đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ở góc độ cấp quản lý cơ sở, chúng tôi làm được nhưng mức xử phạt cao quá nên rất khó thực thi. Mức xử phạt phải hợp lý. Đối với phường nhỏ như phường 10, đa số là nhắc nhở. Cái khó là nguồn kinh phí bồi dưỡng quá hạn hẹp vì mỗi lần đi kiểm tra phải huy động công an, thanh tra xây dựng, bảo vệ khu phố…  

CÁT TƯỜNG thực hiện


Bài 3: Chấn chỉnh cảnh “6 phường quản 1 con đường không xong”

Hậu Giang là trục đường giao thông chính của quận 6, được địa phương chọn làm điểm để xây dựng “Tuyến đường kiểu mẫu”. Thế nhưng, cứ sau giờ lấy rác (từ 18 giờ – 20 giờ), trên đường phố “rác vô chủ” lại xuất hiện đầy đường. Mới đây, lãnh đạo quận 6 và Phòng Tài nguyên - Môi trường đã “lặng lẽ” khảo sát đột xuất để xác định rõ nguyên nhân, “thủ phạm” nhằm có biện pháp khắc phục triệt để…

Rác vô chủ tại ngã tư Hậu Giang - Cao Văn Lầu (Ảnh chụp lúc 20 giờ 30 ngày 2-8-2011).

Rác vô chủ tại ngã tư Hậu Giang - Cao Văn Lầu (Ảnh chụp lúc 20 giờ 30 ngày 2-8-2011).

  • Sạch nhà nhưng... dơ phố

Trên con đường Hậu Giang dài gần 2,6km có đến hơn 10 “bô rác mi ni”. Những gốc cây, những trụ điện thoại gọi thẻ, những tủ cáp thông tin có bệ đứng trên lề đường… đều trở thành nơi tập kết rác bất đắc dĩ. Những bọc rác sinh hoạt to, nhỏ đủ cỡ vứt la liệt, gây cảnh nhếch nhác trên một con đường có lộ giới thuộc loại lý tưởng của thành phố (lộ giới 30m, trong đó lề đường mỗi bên rộng 9m). Không khó khăn gì để xác định “chủ nhân” của những bọc rác vô thừa nhận ấy: các hộ gia đình không chịu đóng phí thu gom rác.

Theo Quyết định 88 của UBND TPHCM, các hộ gia đình (trừ những hộ nghèo, có mã số) bắt buộc phải đóng phí thu gom rác với mức nhà mặt tiền 20.000 đồng/tháng, nhà trong hẻm 15.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, do không có quy định chế tài đối với những trường hợp vi phạm (không chịu đóng tiền thu gom rác) nên có những hộ dân cố tình “phớt lờ” dù không nằm trong diện được miễn đóng phí. Không đóng tiền thì đương nhiên họ không được hưởng dịch vụ thu gom rác tại nhà, nhưng rác sinh hoạt mỗi ngày thì phải bỏ chứ không thể giữ mãi ở trong nhà. Cho nên họ cứ canh đến trời tối thì “vô tư” quăng rác ra đường, gây ra tình trạng sạch nhà nhưng… dơ phố. 

Nhóm “thủ phạm” thứ hai là các hộ kinh doanh ở mặt tiền đường. Tuy các hộ này có đóng tiền đổ rác nhưng do thiếu ý thức nên cứ hễ có rác là lập tức quăng ra lề đường, thậm chí quét xuống lòng đường, thay vì phải lưu giữ cho đến đúng giờ thu gom rác thì mới được đưa ra. Trong buổi tối đi khảo sát bí mật nói trên, đoàn đã quay được cảnh một quán bán đồ ăn tối xả khăn giấy đầy đường, cứ mỗi khi khách dùng xong là nhân viên thản nhiên lau bàn và hất toàn bộ rác xuống lề đường!

Góp thêm phần vào tình trạng xả rác bừa bãi trên tuyến đường Hậu Giang là những xe bán sầu riêng. Hàng đống vỏ chất đầy trong các thùng rác công cộng bé xíu (vốn chỉ có chức năng chứa rác loại nhỏ như là bọc ni lông, túi xốp… của khách đi đường vãng lai) và chất la liệt trên lề đường quanh thùng rác.

  • Cần có quyết tâm

“Địa chỉ trách nhiệm” đối với tình trạng rác đầy đường phố được lãnh đạo quận 6 xác định rất rõ ràng: Chính quyền 6 phường nằm trên tuyến đường Hậu Giang (gồm các phường 2, 5, 6, 9, 11 và 12).

Điều 122 Luật Bảo vệ môi trường đã quy định: UBND cấp phường có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn, khu dân cư thuộc phạm vi mình quản lý; kiểm tra việc chấp hành hành pháp luật về bảo vệ môi trường của hộ gia đình và cá nhân; phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Hiện nay, dù thành phố chưa có quy định chế tài đối với những hộ gia đình không chịu đóng phí thu gom rác nhưng vẫn có thể xử lý họ theo Luật Bảo vệ môi trường về hành vi bỏ chất thải sinh hoạt không đúng quy định.

Vấn đề là phải bắt quả tang khi họ bỏ rác ra đường. Điều này tuy có khó nhưng không phải là không thể làm được, nếu như chính quyền phường quyết tâm thực hiện. Phường nắm rất rõ danh sách những hộ không chịu đóng tiền, do vậy đối tượng cần phải quản lý là rất cụ thể, chứ không phải chuyện mò kim đáy biển. Còn những hộ kinh doanh là thuộc loại “có tóc”, chỉ cần lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm là tự khắc họ sẽ không vi phạm. Cũng có ý kiến cho rằng phường không đủ người để canh, kiểm tra và xử lý suốt được.

Thật ra, với biên chế hiện nay được giao nhiệm vụ này (bình quân mỗi phường có thanh tra xây dựng, công an phường, dân phòng, ban điều hành khu phố, tổ dân phố) thì không thể nói là thiếu người, chẳng qua chỉ thiếu quyết tâm mà thôi. Sau khi khảo sát thực tế, quận 6 đang chuẩn bị tổ chức hội thảo chuyên đề về quản lý thu gom rác và trật tự lòng lề đường, kiên quyết chấm dứt tình trạng “6 phường quản một con đường không xong”.

Vừa qua, UBND phường 5 (một trong 6 phường nằm trên đường Hậu Giang) đã đề ra một số giải pháp để chấn chỉnh trật tự đô thị trên địa bàn phường như: Lập danh sách và xử lý ngay đối với các hộ dân, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đúng nghĩa vụ đóng phí thu gom rác; hình thành tổ tiếp nhận thông tin và xử lý nhanh các vi phạm nói trên; nghiên cứu việc khen thưởng cho các cá nhân phát hiện và thông tin để phường kịp thời xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường…

Hoàng Trọng Khôi

Tin cùng chuyên mục