Vị thế kinh tế của Đài Loan

Vị thế kinh tế của Đài Loan

Sau chuyến ghé thăm lịch sử của Chủ tịch Quốc dân đảng Liên Chiến sang Bắc Kinh, Chủ tịch đảng Nhân dân đệ nhất James Soong của Đài Loan cũng thực hiện chuyến công du Hoa lục trong 9 ngày (từ ngày 5-5-2005). Quan hệ Trung Quốc - Đài Loan rõ ràng bắt đầu chuyển động theo hướng hòa hợp và thống nhất. Tuy nhiên, hãy tạm bỏ qua vấn đề ngoại giao và chính trị, trước mắt, thử nhìn vị thế Đài Loan dưới góc độ kinh tế.

Vị thế kinh tế của Đài Loan ảnh 1

Đài Loan hiện đứng đầu thế giới về sản xuất vi mạch điện tử.

Theo phóng sự của BusinessWeek (16-5-2005), xa lộ Tôn Dật Tiên là một trong những trung tâm kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Chạy dọc duyên hải Tây Đài Loan, xa lộ Tôn Dật Tiên dài 70km bắt đầu từ khu công nghiệp cao thịnh vượng mới dựng (Neihu) ở Đài Bắc đến Hsinchu, nơi có hai trường đại học tốt nhất Đài Loan, một trung tâm nghiên cứu hàng đầu và một công viên khoa học đẳng cấp thế giới.

Dọc xa lộ Tôn Dật Tiên, có đủ mặt công ty kỹ thuật cao: Asustek Computer (nơi sản xuất thiết bị nghe nhạc cầm tay iPod và máy tính Mini Mac cho hãng Apple của Mỹ); Quanta Computer (nhà sản xuất máy tính số một thế giới và là nhà cung cấp chủ lực cho hai hãng Dell và Hewlett – Packard của Mỹ); Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) (nơi sản xuất chip số một thế giới cung cấp cho các công ty Mỹ như Qualcomm hoặc Nvidia…).

Tổng quát, tại hành lang Neihu - Hsinchu, có khoảng 25 đại công ty kỹ thuật cao, đem lại doanh thu 122 tỉ USD/năm. Thành công của kinh tế Đài Loan đem lại ảnh hưởng tích cực cho Trung Quốc. Lượng hàng xuất khẩu (liên quan công nghệ thông tin và viễn thông) của Trung Quốc do các công ty Đài Loan sản xuất chiếm đến 40% - 80% (hiện có khoảng 1 triệu người Đài Loan sống và làm việc tại Hoa lục). Xét riêng về công nghệ kỹ thuật cao, Đài Loan thật sự là một con hổ mạnh.

Nhà sản xuất máy tính Acer hiện có mặt trong top 5 nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Hãng máy tính Apple của Mỹ đã tăng đơn đặt hàng từ Đài Loan đến 28% so với cách đây một năm (lên 5 tỉ USD). Thượng tuần tháng 4-2005, hãng Đài Loan Quanta tuyên bố hợp tác với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) trong dự án nghiên cứu thế hệ máy tính mới. Không như cách đây hơn một thập niên, khi còn là “anh thợ lắp ráp - gia công”, Đài Loan ngày nay đã là “anh kỹ sư tài năng”. Màn hình tinh thể lỏng Đài Loan hiện được đánh giá tốt hơn sản phẩm Nhật và Hàn Quốc. Đài Loan cũng là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về modem cáp và máy tính xách tay.

Một trong những nguyên nhân đưa Đài Loan lên đến đỉnh cao công nghiệp kỹ thuật cao là chính sách. Viện Nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp (ITRI) tại Hsinchu tập hợp nhiều phòng thí nghiệm làm việc chặt chẽ với các công ty địa phương. 4.300 kỹ sư ITRI gần như chẳng thua kém gì kỹ sư phương Tây, Nhật và Hàn Quốc. ITRI cũng quan hệ chặt chẽ với nhiều viện nghiên cứu - đại học hàng đầu thế giới như MIT, Đại học California - Berkeley, Đại học Carnegie Mellon…

Một số đại công ty Đài Loan, chẳng hạn TSMC hoặc United Microelectronics Corp (UMC), đều có nhân viên xuất thân từ lò ITRI. BusinessWeek đánh giá ITRI nói riêng và Đài Loan nói chung hiện là một trong những nguồn cung cấp tài năng kỹ thuật cao số một thế giới, được xây dựng nền tảng nhờ những gương mặt như Morris Chang (Chủ tịch TSMC), người từng học tại Đại học Harvard (Mỹ), biết cách phối hợp giá trị kinh doanh phương Tây với tinh thần cần cù châu Á.

Không như Hàn Quốc, nơi một số đại gia như Samsung Electronics hoặc LG Electronics thống trị, kinh tế Đài Loan gồm nhiều công ty nhỏ. Khi công ty phát triển mạnh, họ có khuynh hướng tách doanh nghiệp và tái tập trung dòng sản phẩm. Cụ thể, năm 2001, Acer đã khai sinh thêm hai công ty điện tử dân dụng BenQ và Công ty Sản xuất màn hình tinh thể lỏng AU Optronics.

Cần mở ngoặc rằng, giới doanh nhân Đài Loan có chiến lược đầu tư rất rõ ràng và có tầm nhìn xa. Họ sẵn sàng mua bản quyền và thuê kỹ sư nước ngoài (Chi Mei Optoelectronics Corp đã mua bản quyền kỹ thuật màn hình tinh thể lỏng từ hãng Nhật Fujitsu cũng như thuê kỹ sư Nhật). Ngoài ra, doanh nhân Đài Loan cũng là bậc thầy trong kỹ thuật tiếp thị. Khi tung ra dòng máy tính Centrino (sử dụng công nghệ truy cập mạng không dây), Hãng máy tính Mỹ Intel đã phải cậy đến tài tiếp thị của Acer.


ANH VŨ

Tin cùng chuyên mục