Vị tướng cầm bút

Vị tướng cầm bút

Tin Thượng tướng Hoàng Minh Thảo ra đi khiến giới sử học xúc động vì mất đi một đồng nghiệp đàn anh không chỉ về tuổi tác mà vì những tư cách và tư chất không có ai thay thế nổi.

Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng đã làm nên rất nhiều chiến công vẻ vang, góp phần vào những thay đổi to lớn của lịch sử dân tộc. Nhưng để biến những chiến công ấy thành di sản trao, truyền cho các thế hệ sau nối tiếp truyền thống của những thế hệ tiền bối thì rất cần đến những nhà viết sử, mà đây là những nhà viết sử quân sự vừa đòi hỏi những trải nghiệm khói lửa của thực tiễn chiến tranh lại vừa có năng lực tổng kết và viết nên những pho sử định vị những tri thức, nâng lên thành những bài học lịch sử sâu sắc, những pho binh pháp của cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại. Những người như thế không nhiều và Thượng tướng Hoàng Minh Thảo là một trong những đại thụ hiếm hoi.

Vị tướng cầm bút ảnh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) và Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.

Sinh năm 1921 tại làng Cao, xã Bảo Khê, huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên trong một gia cảnh mà Thượng tướng Hoàng Minh Thảo vốn có cái tên thật là Tạ Thái An tự khai: “con của một tiểu chủ yêu nước, sau khi bọn Pháp lùng bắt đã buộc phải bỏ miền Đông Bắc bộ để lên vùng núi rừng Tràng Định - Thất Khê (Lạng Sơn) kiếm kế sinh nhai bằng nghề thợ may”.

Cơ may đối với ông là có cơ hội về Hà Nội và theo học tại một trường nổi danh là cái nôi quy tụ những người yêu nước. Đó là ngôi trường Thăng Long tại Hà Nội. Vì thế với Hoàng Minh Thảo, thì Võ Nguyên Giáp thực sự là nghĩa đen của mối quan hệ thầy trò trên học đường và nghĩa rộng là trên trường cách mạng. Được giác ngộ trong thời kỳ Mặt trận Bình dân, vào thời điểm lãnh tụ Hồ Chí Minh về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, Hoàng Minh Thảo được Bác Hồ chọn đưa sang Trung Quốc huấn luyện quân sự để tăng cường cho lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam khi cuộc cách mạng, cũng là cuộc kháng Nhật bùng nổ.

Ông đã được thử lửa ngay từ những ngày đầu thực dân gây hấn ở thành phố cảng Hải Phòng (1949) cho đến khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Nhu cầu xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng chính quy bảo đảm cho công cuộc kháng chiến trước mắt và nhiệm vụ quốc phòng lâu dài đã đòi hỏi ông phải bước vào môi trường giáo dục và huấn luyện của quân đội.

Từ Trường Quân chính trung cấp trên Chiến khu Bắc Sơn đến các học viện cao cấp quốc phòng ở Trung ương, Hoàng Minh Thảo lần lượt được phong các học hàm Giáo sư, danh vị Nhà giáo nhân dân và nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Các công trình nghiên cứu trong đó có cả nhiều công trình tập thể do ông chủ biên nay đã trở thành những di sản vô giá của kho tàng truyền thống đánh giặc cứu nước của dân tộc ta.

Nhưng điều đáng nói hơn hết là cuộc đời của Hoàng Minh Thảo không chỉ trên bục giảng mà uy tín học thuật của ông còn được thể hiện từ thực tiễn ác liệt của chiến trường mà Tây Nguyên là một địa danh nổi bật nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông.

Là vị tướng cầm quân với những cương vị Tư lệnh Chiến khu III (1945 - 1946), Tư lệnh Chiến khu IV (1948 - 1950), rồi Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304 trước khi về Trường Quân chính (1954). Sang thời kháng chiến chống Mỹ, Hoàng Minh Thảo lại tiếp tục cầm quân và nổi tiếng thao lược với những cách đánh sáng tạo và biến hóa khai thác triệt để chiến lược chiến tranh nhân dân, điển hình là chiến dịch Đắc Tô I (1967), Đắc Xiêng (1970), Đắc Tô - Tân Cảnh (1972) và đặc biệt là chiến dịch Tây Nguyên lịch sử (1975).

Chính trong hồi ký của mình, vị Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người thầy dạy sử cũ của Trường Thăng Long năm xưa đã lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của “trò Thảo” nay đã thành một vị tướng dạn dày chinh chiến gợi ý về hướng tiến công chiến lược nên chọn Buôn Ma Thuột làm điểm khởi động. Vị Tổng tư lệnh đánh giá đó là sự lựa chọn bởi “nhãn quan của một nhà nghiên cứu khoa học quân sự” và đã chỉ đạo thành một cuộc đột phá chiến lược, thúc đẩy cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975 đến toàn thắng.

Sau ngày chiến thắng, Hoàng Minh Thảo trở lại bục giảng và trở thành Giám đốc Học viện Quốc phòng, năm 1984 được phong hàm Thượng tướng. Khi tuổi đã cao, Thượng tướng toàn tâm toàn ý với công việc tổng kết lịch sử. Đó cũng là thời kỳ ông gắn bó với giới sử học nhiều nhất. Hầu như các sinh hoạt sử học nhất là tưởng niệm những chiến công của Quân đội Nhân dân và các tướng lĩnh đồng đội, ông đều có mặt với những tham luận sâu sắc về sử học và tình nghĩa.

Ông có nhiều tâm sự, nhiều bức xúc, nhưng cái tâm sự và bức xúc lớn nhất là những bài học rút ra từ xương máu của biết bao thế hệ trong sự nghiệp giữ nước có còn trở thành sắc bén đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tương lai hay không. Việc tổng kết lịch sử trong đó có cả pho lịch sử quân sự oai hùng của dân tộc không tốt chính là sự lãng phí đau đớn nhất.

Nay vị lão tướng đã ra đi nhưng nhiều thế hệ sẽ được đọc những trang sách ông để lại và ở đấy người ta sẽ thấy toát lên phẩm chất của một con người đã góp phần làm nên lịch sử, hiểu theo cả nghĩa bóng của một vị chiến tướng cách mạng và theo cả nghĩa đen là một nhà sử học thực thụ.

9-2008. 

DƯƠNG TRUNG QUỐC 

Lời chia buồn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Được tin đồng chí Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo đột ngột từ trần, tôi vô cùng xúc động và thương tiếc.

Đồng chí Hoàng Minh Thảo sớm tham gia cách mạng, là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng có đức độ và tài thao lược. Đồng chí đã có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến lâu dài giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp đào tạo cán bộ, xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại, phát triển nền khoa học quân sự Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Suốt cuộc đời, Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ quân đội, yêu thương đồng chí, đồng đội, hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó; nêu một tấm gương sáng mẫu mực cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ta.

Đối với tôi, đồng chí Hoàng Minh Thảo là một người đồng chí, người bạn chiến đấu rất thân thiết, thủy chung. Tôi luôn đặt niềm tin vào đồng chí trong mọi nhiệm vụ.

Đồng chí Thượng tướng Hoàng Minh Thảo mất đi là một tổn thất cho quân đội, cho đất nước, cho nền khoa học quân sự nước nhà.

Chúng ta mãi mãi nhớ anh Hoàng Minh Thảo, chúc anh an nghỉ ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng.

Trong giờ phút đau thương, tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đến chị và toàn thể gia quyến anh.

Tin cùng chuyên mục