Việc dân ở đại hội

Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở ở một số địa phương, đơn vị của Đảng bộ TPHCM vừa mới diễn ra và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 7-2015. Sự thành công của các đại hội cấp trên cơ sở sẽ góp phần vào sự thành công chung của Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở ở một số địa phương, đơn vị của Đảng bộ TPHCM vừa mới diễn ra và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 7-2015. Sự thành công của các đại hội cấp trên cơ sở sẽ góp phần vào sự thành công chung của Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Một trong những nội dung quan trọng của đại hội là đề ra nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng Đảng sát với thực tế, bảo đảm tính khả thi, mang lại hiệu quả thiết thực, lâu dài không chỉ trong 5 năm tới mà còn làm tiền đề phát triển trong những năm tiếp theo. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống thì trước hết phải đưa cuộc sống vào nghị quyết. Đó cũng chính là việc dân ở đại hội và người dân mong chờ ở đại hội.

Hiện nay, hầu hết các Đảng bộ cấp trên cơ sở cơ bản chuẩn bị xong nội dung văn kiện đại hội đúng với quy trình, quy định và bước đầu cho thấy tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương, phát huy cao nhất trí tuệ, trách nhiệm của các cấp ủy. Quá trình chuẩn bị nội dung văn kiện ở nhiều đơn vị được chuẩn bị khá chu đáo, trong đó có việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Song có một thực tế ở đại hội vừa qua, việc góp ý dự thảo văn kiện đại hội các cấp ở không ít nơi vẫn còn sơ sài, nặng hình thức; nhiều bản tham luận dài dòng, nêu chung chung, không đi vào thực chất, thậm chí có tham luận “tự đánh bóng mình” hoặc tham luận để lấp chỗ trống trong thời gian kiểm phiếu…

Nghị quyết đại hội có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ giúp cấp ủy thực hiện chức năng lãnh đạo mà định hướng phát triển trong cả nhiệm kỳ và nhiều năm sau. Đại hội có thành công và nghị quyết đại hội có đi vào cuộc sống hay không phải trả lời được các câu hỏi từ cuộc sống: Nghị quyết được nhân dân đồng thuận không? Có huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân không? Đời sống nhân dân có được nâng cao không? Tháo gỡ những khó khăn vướng mắc thế nào để bảo đảm phát triển ổn định, bền vững? Có cách thức gì để tổ chức Đảng phát huy năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu?… Nhưng việc đầu tiên là đại hội cần đánh giá đúng việc thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2010-2015, giúp cho đại hội nhận diện rõ hơn quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết. Do vậy đại hội cần xác định đúng cả nguyên nhân thành công và thất bại ở từng khâu; làm rõ được phạm vi trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cá nhân và tổ chức. Từ đó phát hiện, lý giải những vấn đề mới phát sinh để hoàn chỉnh nhiệm vụ, giải pháp và đưa vào văn kiện đại hội nhiệm kỳ 2015-2020.

Tuy nhiên, không phải cấp ủy địa phương, đơn vị nào cũng đủ dũng khí, dám công khai và minh bạch kết quả chưa làm được theo yêu cầu nghị quyết đề ra đối với mỗi tổ chức và từng cá nhân, nhất là người đứng đầu. Có đơn vị cố tình né tránh những khuyết điểm, tồn tại; hoặc đánh giá tồn tại thiếu sót một cách chung chung, đổ lỗi cho khách quan mà không nêu địa chỉ cụ thể hoặc nếu có thì lại xem đó là trách nhiệm của “tập thể ban chấp hành, ban thường vụ”. Một khi văn kiện không đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ nhiệm kỳ 2010-2015, đại hội sẽ khó có cơ sở để đóng góp, bổ sung, hoàn chỉnh nhiệm vụ mới trong nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020 sát với thực tế ở từng địa phương, đơn vị.

Vừa qua, khi kiểm điểm lại, có không ít chương trình, mục tiêu đại hội đề ra, triển khai phong trào rầm rộ, nhưng chỉ thời gian ngắn lại đi vào quên lãng. Có nơi cấp ủy thừa nhận khi đề ra nhiệm vụ, mục tiêu từ đầu nhiệm kỳ đại hội đã không đánh giá đúng khả năng, thực lực của địa phương, đơn vị mình, nên có chương trình, mục tiêu mang tính võ đoán, thiếu hơi thở cuộc sống, thiếu thông tin thực tiễn, thiếu sự phản biện và tranh luận ngay từ khi chuẩn bị nội dung văn kiện. Hệ lụy từ việc không đánh giá đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ dẫn tới việc chuẩn bị đại hội không sát thực tế, còn đại hội khó đánh giá được khả năng, trình độ và năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết của từng tổ chức, từng cá nhân mà trước hết là bí thư, người đứng đầu. Điều này tác động không nhỏ tới việc đại hội lựa chọn, bầu những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất, năng lực tham gia vào cấp ủy mới nhằm bảo đảm chất lượng, số lượng và cơ cấu hợp lý, đồng thời có tính kế thừa và phát triển - yếu tố quyết định góp phần đưa nghị quyết Đảng đi vào cuộc sống.

Chất lượng nghị quyết đại hội còn phụ thuộc vào chất lượng đại biểu dự đại hội. Vì vậy, các đại biểu tham gia đại hội phải là những người tiêu biểu cho trí tuệ, nguyện vọng của đảng viên, nhân dân và quan trọng hơn là đủ dũng khí, có trách nhiệm phản ánh được những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tới đại hội, bổ sung vào nghị quyết các biện pháp giải quyết những khó khăn, bức xúc trong nhân dân, khắc phục những tồn tại trong công tác xây dựng Đảng… Việc dân, suy cho cùng cũng chính là việc của Đảng phải bàn, phải làm.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục