Việc hoàn vốn dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là khả thi

Sáng 10-10, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp báo giải đáp nhiều nội dung được quan tâm xung quanh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó vấn đề huy động nguồn vốn và hiệu quả dự án đã nhận được nhiều câu hỏi từ các nhà báo.

(SGGPO).- Sáng 10-10, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp báo giải đáp nhiều nội dung được quan tâm xung quanh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó vấn đề huy động nguồn vốn và hiệu quả dự án đã nhận được nhiều câu hỏi từ các nhà báo.

Ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) khẳng định, dự án là hết sức cấp thiết. Năm 2013, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt lưu lượng 20 triệu hành khách/năm, dự kiến đến năm 2016-2017 sẽ đạt công suất thiết kế là 25 triệu hành khách/năm và sẽ trở nên quá tải vào những năm sau đó (dự kiến đến năm 2025 lượng hành khách là 40,4 triệu người/năm; đến năm 2030 đạt 53,4 triệu hành khách).

Hiện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tại nhiều thời điểm đã quá tải. Trong khi đó, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) dự báo đến những năm 2015, 2020 và 2030, tổng lượng hành khách thông qua hệ thống cảng hàng không của Việt Nam đạt tương ứng 55 triệu, 90 triệu và 175 triệu hành khách/năm. Trong đó, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam với cửa ngõ là khu vực TPHCM được dự báo sẽ đạt hơn 50 triệu hành khách vào năm 2030. Về phương án mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, ông Hùng cho rằng không khả thi, vì bên cạnh những yếu tố kỹ thuật thì việc phải giải toả đền bù 140.000 hộ dân khoảng trên 9 tỷ USD.

Khẳng định việc lựa chọn xây dựng càng hàng không Quốc tế tại Long Thành là cần thiết và hợp lý, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã nhấn mạnh tiêu chí vị trí này hoàn toàn phù hợp với các quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, phù hợp đối với nhu cầu giao thông tiếp cận và nối giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với TPHCM, cụ thể 3 đường cao tốc: TPHCM-Long Thành-Dầu Giây; Bến Lức-Long Thành; Biên Hoà-Vũng Tàu; đường sắt: TPHCM-Long Thành-Dầu Giây…

Về vấn đề nguồn vốn để đầu tư cho Long Thành trong bối cảnh nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ rất khó đáp ứng, việc đi vay có thể gây áp lực lên nợ công, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong giai đoạn 1 cần khoảng 165 nghìn tỷ đồng trong đó vốn nhà nước là 84 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ đầu tư khoảng 18.500 tỷ để đầu tư giải phóng mặt bằng và 1 số công trình hạ tầng cơ sở, còn toàn bộ số vốn còn lại là tự vay, tự trả. Tác động các khoản vay dự án lên GDP theo giá hiện hành của từng năm là không đáng kể, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2016- 2019, dự kiến chỉ vào khoảng 0,091% vào năm 2022.

Ông Trường cũng cho rằng, thực tế đã chứng minh, các dự án đầu tư trong lĩnh vực hàng không đều có hiệu quả tài chính tốt, doanh nghiệp vay lại vốn ODA được Chính phủ luôn đảm bảo tự trả nợ đúng hạn (cụ thể như dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 - Nội Bài).

Về sử dụng cảng hàng không Tân Sơn Nhất thế nào sau khi có cảng hàng không Long Thành, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ trở thành sân bay quốc nội và 1 số tuyến quốc tế, có thể mở rộng mở thêm ở quy mô nhất định.  

        BÍCH QUYÊN 

Tin cùng chuyên mục