Từ năm 2005 đến nay, thực hiện chủ trương xã hội hóa một số dịch vụ công ích của UBND TPHCM, Công ty Môi trường đô thị đã được giao làm tổng thầu thực hiện khoán một số dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn TPHCM. Đó là: quản lý nghĩa trang; vớt rác trên kênh; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xà bần. Gần 2 năm thực hiện khoán, hoạt động dịch vụ vệ sinh môi trường đã có nhiều bước chuyển biến tích cực: sử dụng hợp lý nguồn ngân sách nhà nước, đường phố sạch sẽ hơn…
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tốt còn có những mặt tồn tại chưa giải quyết được. Cụ thể: 1- Công tác khoán mới chỉ dừng ở giao khoán tức là số lượng công việc thì cụ thể nhưng chất lượng vệ sinh vẫn còn chung chung. 2- Khối lượng chất thải rắn đô thị khoán được căn cứ trên khối lượng của năm trước đó nên xảy ra hiện tượng khối lượng chất thải rắn đô thị thu gom, vận chuyển và xử lý luôn tăng nhiều hơn so với khối lượng khoán (tăng gần 2% trong năm 2005); đặc biệt 6 tháng đầu năm 2006 đã tăng gần 3%, trong đó riêng quận 12 đã tăng trên 15% (?).
Đồng thời việc điều tiết khối lượng khoán thu gom, vận chuyển của Công ty Môi trường đô thị cho các quận-huyện cũng chưa thật sự hợp lý gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện. Theo báo cáo của quận 12, trong năm 2005, các đơn vị nhận khoán ở đây đã thua lỗ hơn 300 triệu đồng và dự kiến trong năm nay sẽ lỗ hơn 600 triệu đồng. 3- Việc khoán không thông qua hợp đồng dịch vụ nên không có cơ sở pháp lý cụ thể để xử lý vi phạm và tranh chấp (trên thực tế đã có nhiều tranh chấp và vi phạm xảy ra trong năm 2005 và 6 tháng đầu năm 2006 nhưng chưa được giải quyết).
Việc này là khó có thể chấp nhận được khi Việt Nam đã gia nhập WTO. 4- Công tác dọn quang, thu gom xà bần, rác cặn chỉ có một đơn vị tác nghiệp trên toàn địa bàn thành phố, là Công ty Môi trường đô thị; do đó không tránh khỏi tình trạng không bao quát hết địa bàn, thời gian thu gom không kịp nên còn tồn đọng rác lưu cữu tại nhiều địa bàn (các công ty dịch vụ công ích không được thu gom xà bần), đặc biệt là tại các quận, huyện vùng ven, nơi có tốc độ đô thị hóa và xây dựng tăng nhanh. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng vệ sinh chung của thành phố.
TRẦN PHI HÙNG (Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM)