Viện John von Neumann - Trung tâm kết nối học thuật

Ứng dụng học máy (machine learning) để dự báo chuyến bay trễ đến sân bay Changi (Singapore), nghiên cứu phát hiện giao dịch bất thường (fraud detection) cho ứng dụng ZaloPay (Công ty Zion/VNG), đánh giá đường cong lãi suất (yield curve) cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) là 3 trong nhiều dự án được nhóm nghiên cứu của Viện John von Neumann  (Viện JVN) - ĐHQG TPHCM thực hiện, góp phần khẳng định trí tuệ của người Việt trẻ trong lĩnh vực khoa học dữ liệu (data Science).
Giáo sư Dương Nguyên Vũ, Viện trưởng Viện John Von Neumann và Phó Chủ tịch HĐQT, phó TGĐ phụ trách HNX Nguyễn Thị Hoàng Lan tại lễ ký kết MOU
Giáo sư Dương Nguyên Vũ, Viện trưởng Viện John Von Neumann và Phó Chủ tịch HĐQT, phó TGĐ phụ trách HNX Nguyễn Thị Hoàng Lan tại lễ ký kết MOU
Viện JVN hiện có 15 nghiên cứu viên và hơn 15 cộng tác viên nghiên cứu, tuổi đời đều chưa đến 40. Phần lớn trong số này là những học viên xuất sắc của Viện JVN được giữ lại làm việc sau khi tốt nghiệp chương trình thạc sĩ tại đây. TS Nguyễn Minh Trung, Phó Viện trưởng Viện JVN, cho biết: “Ngoài lực lượng cơ hữu này, viện còn có hơn 40 giáo sư và chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học tiên tiến, đang làm việc ở nước ngoài luôn sẵn sàng hỗ trợ viện. Điều này đã giúp Viện JVN trở thành một Knowledge Hub - Trung tâm kết nối học thuật”.

Với 3 mảng nghiên cứu chính: Khoa học máy tính ứng dụng khoa học phân tích dữ liệu, Tài chính tính toán định lượng và Cách tân đổi mới sáng tạo, Viện JVN trở thành đối tác tin cậy của các doanh nghiệp trong việc tư vấn hỗ trợ, triển khai các dự án. Năm 2016, các dự án đã mang về hơn 8 tỷ đồng cho JVN, cao gấp 8 lần so với nguồn ngân sách nhà nước phục vụ đào tạo và gấp 4 lần so với nguồn kinh phí được cấp cho nghiên cứu khoa học.
Viện JVN thành lập từ năm 2010 với tên gọi Trung tâm Xuất sắc JVN. Viện thuộc ĐHQGHCM do các GS Dương Nguyên Vũ, Hồ Tú Bảo, Cao Hoàng Trụ đồng sáng lập, thu hút lượng lớn các giáo sư đầu ngành đến giảng dạy như GS Phạm Hi Đức, GS Phạm Xuân Huyên, GS Vũ Hà Văn, TS Nguyễn Trung Lập, GS Phạm Văn Trường. 

Hiện Viện JVN đào tạo 3 chương trình thạc sĩ: Khoa học máy tính, Tài chính tính toán định lượng và Cách tân, lãnh đạo và sáng nghiệp.
Ứng dụng học máy - phương pháp mô phỏng trí tuệ con người - để nghiên cứu và dự đoán chuyến bay đến trễ là dự án mới nhất Viện JVN bàn giao trong thời gian gần đây. Dự án được Viện Nghiên cứu và quản lý hàng không ATMRI (thuộc ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore) tiếp nhận, nhằm làm rõ nguyên nhân và dự đoán các chuyến bay trễ giờ tại sân bay Changi với độ chính xác theo phút. PGS-TS Quản Thành Thơ - Trưởng dự án, nói: “Trước chúng tôi, đã có một số nhóm nghiên cứu nổi tiếng ở Singapore đưa ra lời giải cho bài toán này nhưng chưa hoàn toàn thuyết phục ATMRI về chuyên môn. Hai thành viên trong nhóm sang Singapore trình bày giải pháp và được yêu cầu đăng ký đấu thầu trên cổng thông tin chính thức của Chính phủ Singapore. Tôi nghĩ dự án thuyết phục nhờ ở chất lượng chuyên môn và giá bỏ thầu hợp lý”.  Sau khi trúng thầu, nhóm nghiên cứu được cung cấp bộ dữ liệu về 12 sân bay chính ở khu vực Đông Nam Á trong 10 tháng để phân tích, xây dựng mô hình. Nhóm đã chuyển giao kết quả nghiên cứu cho ATMRI gồm: xử lý, khảo sát và phân tích dữ liệu ADS-B để xây dựng các phân bố xác suất và độ trễ ở từng sân bay, trên cả đường bay; xác định sự tương quan về độ trễ giữa các sân bay trong mạng lưới; xác định một số nguyên nhân quyết định tới độ trễ; xây dựng đường bay chuẩn khi máy bay đáp ở các sân bay. Các đặc trưng này sẽ được mô hình đánh giá và phân tích mức độ ảnh hưởng trong các chuyến bay trễ. Dự án được ATMRI đánh giá tốt và sẽ đưa thử nghiệm thực tế trong thời gian tới. Với thành công này, phía đối tác Singapore thông báo cho Viện JVN chuẩn bị tiếp tục tham gia đấu thầu các dự án nghiên cứu mở rộng và giải những bài toán khác cho họ trong lĩnh vực này. Ngoài dự án của Singapore, Viện JVN còn thực hiện nhiều dự án cho các công ty của Mỹ, Nga như dự án Tenpoint 7 và dự án Bueseed. “Nhóm cũng nghiên cứu dữ liệu, sử dụng phương pháp máy học để giúp các công ty hiểu khách hàng và quản lý các mảng hoạt động để tăng doanh thu”, ThS Lê Minh Quốc, Chánh văn phòng Viện JVN, cho biết. Viện JVN là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng hiệu quả mô hình “Tam giác tri thức”. Viện đào tạo thế hệ trẻ tiếp thu nguồn tri thức mới, bắt kịp xu hướng của thế giới trong nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt với ngành Khoa học dữ liệu. Ngược lại, những kiến thức thực tế từ dự án giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo sát với yêu cầu thực tế. Mỗi năm có đến 5 - 7 học viên của Viện JVN nhận được học bổng Eiffel của Pháp và hiện là đơn vị có số người nhận được học bổng này cao nhất Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục