Cuộc đua giữa 3 nhà mạng viễn thông di động Viettel, VinaPhone và MobiFone gần như không có sự đột biến hay “xung đột” nào thực sự. Năm 2015, câu chuyện bắt đầu có xu hướng mới khi thế chân vạc đã chính thức hình thành, hứa hẹn nhiều thay đổi.
Những thay đổi lớn
Thị trường viễn thông di động Việt Nam hiện nay có 5 nhà mạng đang hoạt động: Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và GMobile. Tuy nhiên hầu như tất cả diễn biến của thị trường đều ít khi nhắc đến nhà mạng Vietnamobile và GMobile. Bởi lẽ, 3 nhà mạng kia hiện chiếm hơn 90% thị phần. Chính vì vậy, mọi sự thay đổi về nhân sự cấp cao của 3 mạng di động đó, cũng như 2 tập đoàn Viettel và VNPT ít nhiều đều có tác động đến chính sách, sự hoạt động của ngành viễn thông di động Việt Nam hiện nay. Trong năm 2014, lãnh đạo cao nhất cả 3 doanh nghiệp này đều có sự thay đổi.
Quan điểm của Bộ TT-TT là duy trì ít nhất 3 nhà cung cấp dịch vụ tương đương nhau để có sự cạnh tranh lành mạnh và quản lý chặt chẽ hơn đối với các chính sách cước, khuyến mãi.
Năm 2014, cả 3 đơn vị viễn thông Viettel, VNPT, MobiFone đều đạt doanh thu lớn. Cụ thể, Tập đoàn VNPT đạt tổng doanh thu 101.055 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 5.850 tỷ đồng; lợi nhuận 6.310 tỷ đồng. Hiện tại, tổng số thuê bao điện thoại trên mạng là 30,5 triệu (trong đó cố định là 4,5 triệu thuê bao, di động VinaPhone là 26 triệu thuê bao). Tổng Công ty MobiFone ước đạt doanh thu 36.605 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ước đạt 7.300 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.926 tỷ đồng. MobiFone hiện có 40,2 triệu thuê bao. Tập đoàn Viettel đạt doanh thu 197.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 42.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 15.000 tỷ đồng. Viettel hiện có 57,4 triệu thuê bao.
Những năm trước đây, doanh thu và lợi nhuận của MobiFone được tính gộp vào VNPT, nhưng với việc MobiFone chính thức tách khỏi VNPT về trực thuộc Bộ TT-TT, cơ cấu doanh thu của VNPT năm 2014 đã khác. Thị phần về di động của các doanh nghiệp cũng thay đổi. Không còn là cuộc đua giữa VNPT và Viettel nữa, mà đó là “thế trận chân vạc” giữa Viettel - VNPT/VinaPhone - MobiFone. Nếu như Viettel và MobiFone vẫn đang tiếp tục duy trì thị phần của mình, thì câu chuyện của VinaPhone có phần khác, bởi hiện nay, VinaPhone không còn thuộc nhóm doanh nghiệp chiếm thị phần thống lĩnh thị trường. Cùng với việc VNPT thực hiện tái cấu trúc, việc phát triển VinaPhone như thế nào đang còn có nhiều câu hỏi mới. Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết, với doanh thu và thị phần hiện nay của VinaPhone, bộ sẽ xem xét lại liệu doanh nghiệp này có nằm trong nhóm thống lĩnh thị trường nữa hay không. Nếu không nằm trong nhóm thống lĩnh thị trường, VinaPhone sẽ có điều kiện thuận lợi hơn Viettel, MobiFone về giá cước, khuyến mãi để có cơ hội phát triển. Quan điểm của Bộ TT-TT là duy trì ít nhất 3 nhà cung cấp dịch vụ tương đương nhau trên thị trường để có sự cạnh tranh lành mạnh và sẽ được quản lý chặt chẽ hơn đối với các chính sách cước, khuyến mãi.
“Cuộc chiến” mới của VNPT và MobiFone
Năm 2014, Viettel tiếp tục ổn định, duy trì mức tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, vẫn là đơn vị đứng đầu thị trường viễn thông di động Việt Nam. Trong khi đó, VNPT mà cụ thể là MobiFone và VinaPhone đều có những biến động lớn. Vốn là người một nhà, nhưng giờ đây, sau khi tách MobiFone ra khỏi hoàn toàn, chắc chắn giữa MobiFone và VNPT/VinaPhone sẽ có sự “kình địch” lớn trên thị trường viễn thông di động.
Khách hàng giao dịch tại một điểm của Tập đoàn VNPT. Ảnh: TẤN BA
Với MobiFone, câu hỏi lớn nhất bây giờ là vấn đề cổ phần hóa như thế nào? Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, cùng với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp viễn thông, một trong những chủ trương của Chính phủ cũng như Bộ TT-TT là thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp. Việc tách MobiFone ra khỏi VNPT và nâng cấp lên tổng công ty chính là để thực hiện chủ trương này. MobiFone là một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn tiến hành cổ phần hóa và hiện Bộ TT-TT đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone. Lãnh đạo Bộ TT-TT khẳng định sẽ tiến hành cổ phần hóa MobiFone công khai, minh bạch theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Mới đây, trong quá trình tham vấn việc cổ phần hóa MobiFone, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, việc cổ phần hóa MobiFone sẽ đem lại nguồn gió mới cho doanh nghiệp. Khi đó, các nhà đầu tư chiến lược có thể chia sẻ kinh nghiệm, những chiến lược mới cho MobiFone phát triển. MobiFone chỉ cần có một nhà đầu tư chiến lược thì quá trình cổ phần hóa sẽ khả thi nhất. Khi Chính phủ Việt Nam muốn định giá MobiFone ở mức nào, nên phải tham chiếu đưa về giá tương đồng với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia...
Với VNPT, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của VNPT hiện nay là phải thực hiện thành công việc tái cơ cấu, hoàn thành điều lệ của 3 tổng công ty để ban hành vào quý 1-2015. Mặt khác, VNPT đã từng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới để phát triển sản xuất kinh doanh thì trong thời kỳ hội nhập hiện nay cần phải khẳng định vị thế trong làng công nghệ thông tin - viễn thông của Việt Nam và mở rộng hoạt động ra nước ngoài. VNPT cần có bước đi phù hợp với khả năng và thế mạnh để đầu tư ra thị trường nước ngoài, phải giành vị thế không những ở thị trường trong nước mà cả thế giới. Ông Trần Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc VNPT khẳng định, doanh nghiệp này đang theo đuổi chiến lược đầu tư ra nước ngoài với các thị trường như Lào, Campuchia, Myanmar, Cuba... VNPT cùng với đối tác đang tìm hiểu, xúc tiến việc đầu tư ra nước ngoài và có thể trong quý 1 hoặc quý 2-2005 sẽ có tin vui về đầu tư quốc tế. Với mạng di động VinaPhone, mặc dù có nhiều thay đổi lớn trong năm 2014, nhưng năm qua vẫn đạt mức tăng trưởng 14% doanh thu so với năm 2013 với số thuê bao phát triển mới đạt khoảng 8,8 triệu thuê bao, nâng tổng số thuê bao trên toàn mạng lên 26 triệu thuê bao.
TRẦN LƯU