Việt Nam cam kết giảm khí thải gây suy giảm tầng ôzôn

Nghị định thư Montreal được thiết lập với sự tham gia của 100% quốc gia trên thế giới nhằm tiến tới mục tiêu loại bỏ chất hóa học gây suy giảm tầng ôzôn, bảo vệ sự sống trên trái đất. Đây cũng được coi là điều ước quốc tế về môi trường thành công nhất từ trước đến nay. Việt Nam đã tham gia vào nghị định thư này từ năm 1994 và bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, để có thể loại bỏ hoàn toàn chất gây hại cho tầng ôzôn trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng vẫn còn là chặng đường dài đầy gian nan.
Việt Nam cam kết giảm khí thải gây suy giảm tầng ôzôn

Nghị định thư Montreal được thiết lập với sự tham gia của 100% quốc gia trên thế giới nhằm tiến tới mục tiêu loại bỏ chất hóa học gây suy giảm tầng ôzôn, bảo vệ sự sống trên trái đất. Đây cũng được coi là điều ước quốc tế về môi trường thành công nhất từ trước đến nay. Việt Nam đã tham gia vào nghị định thư này từ năm 1994 và bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, để có thể loại bỏ hoàn toàn chất gây hại cho tầng ôzôn trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng vẫn còn là chặng đường dài đầy gian nan.

Nhu cầu sử dụng chất HCFC tăng nhanh

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ khi trở thành thành viên nghị định thư Montreal đến nay, Việt Nam đã loại bỏ 500 tấn CFC sử dụng hàng năm. Riêng từ năm 2010 trở đi, theo quyết định của các bên tham gia nghị định thư thì Việt Nam phải bắt đầu triển khai loại bỏ các chất hydrochlorofluorocarbons (HCFC) và hydrofluorocarbons (HFC) dùng phổ biến trong điều hòa không khí, các hệ thống cấp đông của kho lạnh thủy hải sản và sản xuất xốp cách nhiệt.

Để làm được việc này không dễ, bởi chỉ tính riêng trong năm 2010, Việt Nam đã nhập khẩu và sử dụng gần 3.700 tấn HCFC và con số này sẽ tiếp tục tăng lên 4.200 tấn vào năm 2012. Đó là chưa kể, nhu cầu sử dụng máy điều hòa không khí, tủ lạnh trong đời sống sinh hoạt hoặc tủ cấp đông trong sản xuất thủy hải sản, hệ thống điều hòa trung tâm trong các trung tâm thương mại, hệ thống văn phòng… rất phổ biến và ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu của xã hội. Để thay đổi toàn bộ thiết bị này không phải dễ, đòi hỏi khoản kinh phí rất lớn, ước tính khoảng 30 triệu USD và phải kéo dài trong vòng 20 năm.

Máy điều hòa không khí cần được loại trừ các chất HCFC và HFC. Ảnh: THANH TÂM
Máy điều hòa không khí cần được loại trừ các chất HCFC và HFC. Ảnh: THANH TÂM

Tại hội nghị thường niên mạng lưới chuyên viên ôzôn khu vực Đông Nam Á, nhiều doanh nghiệp khẳng định, hiện rất khó để thay thế chất trên bằng những chất thân thiện với môi trường. Nguyên nhân là do các chất thân thiện môi trường có giá thành quá cao, thường gấp trên 5 lần hóa chất đang sử dụng, ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm. Mặt khác, nếu thay thế bằng hợp chất như benten hay hydrocacbon thì đòi hỏi phải thay đổi dây chuyền công nghệ sản xuất, thiết kế nhà xưởng, đào tạo lại công nhân kỹ thuật sao cho phù hợp… gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Giảm thiểu khí HCFC: Bắt đầu từ ngành sản xuất xốp

Ông Lương Đức Khoa, Điều phối chính bảo vệ tầng ôzôn tại Việt Nam cho biết, để thực hiện cam kết với nghị định thư trên, Việt Nam sẽ từng bước thực hiện loại trừ chất HCFC trong sản xuất theo hướng dễ làm trước, khó làm sau. Hiện ban chấp hành Quỹ Đa phương của Ngân hàng thế giới đã phê duyệt cho Việt Nam dự án “Kế hoạch quốc gia quản lý và loại trừ HCFC” giai đoạn 1 từ năm 2012-2016 với tổng kinh phí hỗ trợ không hoàn lại gần 10 triệu USD. Theo đó, đơn vị sẽ bắt đầu bằng việc hỗ trợ thực hiện loại trừ sử dụng khí HCFC ở các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt.

Hiện 12/70 doanh nghiệp chuyên sản xuất xốp cách nhiệt đang sử dụng khí HCFC – 141b tinh chất đã được chọn để nhận gói hỗ trợ tài chính trên. 12 doanh nghiệp này sẽ được hỗ trợ thay thế toàn bộ công nghệ và dây chuyền sản xuất sang sử dụng các chất an toàn cho tầng ôzôn theo nguyên tắc chuyển giao công nghệ có công suất tương ứng và tiêu hủy toàn bộ công nghệ, thiết bị cũ sau khi kết thúc quá trình chuyển đổi. Đồng thời, nguồn kinh phí này cũng sẽ hỗ trợ một phần cho các cơ quan liên quan của Việt Nam để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu suất năng lượng trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí, thiết lập kế hoạch sử dụng HCFC - 22 và thiết bị làm lạnh chứa HCFC - 22 trong các kho lạnh của ngành thủy hải sản.

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ khuyến cáo các địa phương không cấp phép thành lập mới các doanh nghiệp sử dụng khí HCFC, tiến tới buộc các doanh nghiệp loại bỏ hoàn toàn loại khí này trong sản xuất; không cho phép các doanh nghiệp sản xuất điều hòa không khí được mở rộng quy mô sản xuất…

Do đó, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trên cần chủ động đổi mới mình để có cơ hội nhận được những hỗ trợ từ các nước phát triển để chuyển đổi sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường hơn. Tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy và lúc đó, doanh nghiệp không những không được nhận hỗ trợ mà còn phải tự bỏ tiền túi để cải tạo dây chuyền sản xuất nếu muốn tiếp tục tồn tại.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục