
Lâu nay Nano được xem là ngành nghiên cứu những vật thể siêu nhỏ mà Việt Nam chưa vươn tới được. Song cuộc hội thảo quốc tế lần thứ nhất về công nghệ Nano và ứng dụng (IWNA 2007) do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Phòng thí nghiệm công nghệ Nano và Viện Minatec (Pháp) phối hợp tổ chức gần đây tại Vũng Tàu đã khẳng định Việt Nam hiện đã có những cơ sở để thực hiện ngành công nghệ cao này.

Một góc trong “phòng sạch” thuộc Phòng thí nghiệm công nghệ Nano. Ảnh: LÊ BÌNH
IWNA 2007 thu hút hơn 200 nhà khoa học đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm và các công ty của 18 nước trên thế giới, trong đó có các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như Mỹ, Pháp, Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Công nghệ Nano hiện đang trở thành nguồn động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho sự đổi mới công nghệ, tác động đến hầu hết các ngành khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế và sức khỏe, môi trường, an ninh, công nghệ thông tin, khoa học vật liệu xây dựng…
Theo giáo sư - tiến sĩ Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, mục tiêu của IWNA 2007 là nhằm mở ra diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các công ty trong và ngoài nước quan tâm đến công nghệ Nano và những ứng dụng của nó để trao đổi, cập nhật những thông tin khoa học, kinh nghiệm nghiên cứu và tiến tới hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo trong lĩnh vực này.
Đây cũng là dịp rất tốt để các nhà khoa học, nhà công nghiệp Việt Nam và quốc tế gặp gỡ, thảo luận những vấn đề liên quan đến cơ hội kinh doanh ngành công nghiệp Micro – Nano ở Việt Nam. Nói khác đi IWNA lần thứ nhất này như một tiếng chuông quảng bá cho thế giới biết Việt Nam thực sự đã có cơ sở để thực hiện công nghệ Nano và có thể lôi kéo những chuyên gia nước ngoài, Việt kiều về làm việc với Việt Nam.
Micro được xem là ngành vi linh kiện, vi điện tử với kích thước 10-6mm, còn Nano lại càng nhỏ hơn nữa với kích thước 10-9mm. Các nghiên cứu hiện nay trên thế giới cũng đang đi từ Micro tiến về Nano.
Nano là ngành công nghệ cao nhắm vào phục vụ đời sống và giải quyết các ô nhiễm môi trường, như nghiên cứu đưa vật liệu oxýt titan (TiO2) vào trong sản phẩm gạch men, gốm sứ với công dụng khử khuẩn tốt, tự làm sạch trong các vật liệu vệ sinh mà tính năng vật liệu thường không có. Ở các nước tiên tiến đã có những dòng máy lạnh, tủ lạnh, bồn cầu… mang tính năng Nano.
Để đi vào công nghệ cao này, vấn đề then chốt là phải có Phòng thí nghiệm công nghệ (TNCN) Nano. Đại học Quốc gia TPHCM đã xây dựng phòng này với đầu tư trang thiết bị hiện đại khoảng 3 triệu USD. Những thiết bị chủ yếu tập trung đánh giá vật liệu Nano.
Ở đây có một phòng sạch được xem là “quả tim” của Phòng TNCN, nơi có quy trình ra vào được xử lý rất khắt khe, không để hạt bụi nào lọt vào, nơi chế tạo những linh kiện điện tử rất nhỏ, linh kiện Micro, Nano. Theo phó giáo sư - tiến sĩ Đặng Mậu Chiến, Giám đốc Phòng TNCN Nano, đến nay đã có 12 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo tiếp cận công nghệ nguồn này ở nước ngoài để điều hành và sử dụng thiết bị chuyên ngành công nghệ cao này.
Ngoài việc đang đào tạo 4 tiến sĩ ở Pháp sẽ về nước vào năm 2008, Phòng TNCN Nano còn tổ chức gởi đi đào tạo dài hạn tại nhiều nước khác dưới dạng học bổng cho khoảng 20 cán bộ. Đại học Quốc gia TPHCM đã có chủ trương nâng cấp Phòng TNCN Nano thành Viện Minatec, một viện liên ngành có kết cấu mở rộng, tạo ra “sân chơi” cho mọi người trong và ngoài nước vào đây nghiên cứu, sử dụng thiết bị.
Có thể nói nguồn lực rất quý ban đầu ở đây và cách tổ chức sân chơi như vậy là cơ sở để chúng ta tiến tới chủ động đào tạo ngay trong nước và ngày càng mở rộng hợp tác quốc tế để đẩy mạnh sự phát triển ngành công nghệ Nano tại Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Đặng Mậu Chiến cho biết: Sau hội thảo nói trên, Phòng TNCN Nano có chiến lược phát triển sản phẩm Micro - Nano dựa trên những dự án, đề tài nghiên cứu trong mấy năm gần đây theo hướng chế tạo các vi linh kiện để đưa ra thị trường vào năm 2009 – 2010.
Ngoài ra còn thu hút các nhà khoa học công nghệ sinh học tham gia nghiên cứu những sản phẩm công nghệ Nano sinh học phục vụ đời sống. Đích hướng tới hàng đầu của Phòng TNCN Nano là liên kết các nhà nghiên cứu và nhà công nghiệp để tạo được sản phẩm có giá trị trên thị trường.
Ở đây có thể nêu vài nét cụ thể như cộng tác với một công ty của Việt kiều để nghiên cứu chế tạo đèn tiết kiệm năng lượng theo công nghệ Nano khác với công nghệ truyền thống; hợp tác với một công ty của Hà Lan để làm những bộ kít đánh giá hàm lượng đường trong máu bằng cảm biến Nano sinh học nhằm giúp chẩn đoán và chữa trị bệnh tiểu đường… Có thể nói hội thảo lần thứ nhất này đã khẳng định với thế giới về vị trí Việt Nam cũng có hoạt động và phát triển Nano.
THU BÌNH