Việt Nam đã sẵn sàng thực thi REDD+

(SGGPO).- Sáng nay, 4-10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tổng kết Chương trình Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng tại Việt Nam (UN-REDD Việt Nam).

Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có TS Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; Ngài Stale Torstein Risa, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Na Uy tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, là một trong những nước sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam luôn nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc bảo vệ và phát triển quỹ rừng trên 16 triệu ha hiện có. “Nếu tiếp tục để suy thoái, mất rừng thì sẽ làm tăng khí nhà kính, nguyên nhân này chiếm khoảng 15-20% tổng lượng phát thải”, ông Tuấn cho biết.

Được sự hỗ trợ và điều hành tích cực của 3 cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc (UNDP, FAO và UNEP), Chương trình UN-REDD Việt Nam đã chính thức hoạt động từ tháng 8 năm 2009, nhằm tăng cường năng lực thể chế và kỹ thuật cho các cơ quan liên quan, hướng tới mục tiêu đến cuối năm 2012 Việt Nam sẵn sàng thực thi REDD+ và đóng góp tích cực vào các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng quốc tế.

Đáng lưu ý, một trong những hợp phần quan trọng đã được thực hiện trong giai đoạn 1 là nâng cao năng lực quản lý REDD ở cấp cơ sở (tỉnh, huyện và xã) thông qua thí điểm thực hiện REDD+ tại hai huyện Lâm Hà và Di Linh thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Giai đoạn tiếp theo sẽ nâng cao năng lực và thể chế ở 40 tỉnh có nhiều rừng và hỗ trợ thực hiện thí điểm tất cả các hoạt động về REDD+ tại 6 tỉnh.

Tổng kết dự án, một trong những khuyến cáo quan trọng được đưa ra là Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nên cân nhắc giảm diện tích trồng cà phê xuống mức hợp lý và trồng lại rừng vào phần diện tích đã từng bị phá đi để trồng cà phê.

Tại Hội nghị, đại diện Liên Hợp Quốc và Đại sứ Na Uy chúc mừng những thành tựu quan trọng mà UN-REDD VN đã đạt được, giúp chương trình REDD+ “được đẩy nhanh về phía trước”. “Ba năm qua các bạn đã leo dốc thành công, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong chương trình này nói riêng và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung”, bà Pratibha Mehta lưu ý.

Trong khi đó, Đại sứ Na Uy ghi nhận dự án đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong việc tăng cường năng lực thực thi của cấp trung ương và những địa phương thí điểm. Người dân địa phương đã rất quan tâm và hỗ trợ rất tích cực cho dự án. Việc lồng ghép chương trình REDD vào kết hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng đạt kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, ông lưu ý, Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa, tăng cường trao đổi thông tin và kinh nghiệm thực thi REDD+ với các nước trong tiểu vùng hạ lưu sông Mê Kông. 

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục