(SGGP).- Ngày 10-11, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tổng lượng nước cả năm (kể cả nước ngoài vào) xấp xỉ 10.000m³/người/năm. Tuy nhiên, lượng nước sản sinh trong nước chỉ khoảng đạt 3.800m³/người/năm. Cụ thể, có tới 520 tỷ m³ nước được sản sinh từ ngoài nước đang cung ứng cho các hệ thống lưu vực sông chính của Việt Nam, chiếm 62% tổng lượng nước. Trong đó, hệ thống sông Cửu Long là 420 tỷ m³ chiếm 81%, sông Hồng là 52 tỷ m³ chiếm 10%. Còn lại 9% trên hệ thống sông khác.
Việc thiếu nước ngọt khiến cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Ảnh. TL
Thực tế trên cho thấy, tình trạng thiếu nước ngọt mùa khô tại nước ta đã diễn biến rất đáng lo ngại trong những năm gần đây. Nếu tính cả tổng dung tích hữu ích của các hồ chứa thuộc quy trình vận hành liên hồ chỉ đạt 46.000 triệu m³, chiếm khoảng 5,6% trung bình năm. Hiện đã có 4 trong 16 lưu vực sông được xếp loại thiếu nước ở mức “căng thẳng cao” đó là lưu vực sông Mã, hệ thống lưu vực sông khu vực Đông Nam bộ, sông Hương, sông Đồng Nai. Nhiều lưu vực khác cũng đang tiến tới mức “căng thẳng cao”.
Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Việt Nam không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu nước mà những tác động do biến đổi khí hậu gây ra cũng đang tác hại khá nặng nề đến hoạt động phát triển kinh tế Việt Nam. Tình trạng bão lũ, ngập lụt không ngừng gia tăng. Đặc biệt, trong năm 2016, khu vực miền Trung đã liên tục hứng chịu rất nhiều cơn bão và tình trạng ngập lụt cũng gia tăng. Nếu tình hình thời tiết cực đoan như hiện nay không được cải thiện, mực nước biển tiếp tục dâng lên và đạt mức 1m trong thời gian tới thì sẽ có 10-20% dân số nước ta sẽ bị ảnh hưởng. TP HCM sẽ bị ngập 20% diện tích và GDP Việt Nam sẽ giảm 10%. Vấn đề an ninh nguồn nước đã rất cấp thiết.
Ái Vân