Việt Nam Không ảnh hưởng bụi phóng xạ

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến, ngay khi xảy ra các sự cố ở Nhật Bản, Bộ KH-CN đã thành lập một tổ công tác gồm đại diện của 3 cơ quan chức năng chính gồm Viện Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn bức xạ hạt nhân (ATBXHN) và Cục Năng lượng nguyên tử. Các chuyên gia đã tập trung thu thập các thông tin trên các nguồn cung cấp chính thống như cơ quan chức năng của Nhật Bản, đại diện của Công ty Phát triển điện hạt nhân quốc tế của Nhật Bản tại Việt Nam cũng như các tổ chức trong IAEA và Hội Năng lượng nguyên tử quốc tế. Các chuyên gia đã tiếp xúc trực tiếp với đại diện Công ty Phát triển điện hạt nhân quốc tế của Nhật Bản tại Việt Nam để nắm tình hình chuẩn xác tại Nhật Bản.

TS Đặng Thanh Lương, Phó cục trưởng Cục ATBXHN, cho biết đến ngày 15-3, mức độ phóng xạ ở Tokyo cao hơn 40 lần bình thường. Tại thời điểm buổi sáng, đo phóng xạ gama là 0,8 và cuối buổi chiều còn 0,4, cao gấp 2 lần bình thường. Các cơ quan chức năng của Nhật Bản khẳng định, mức này không ảnh hưởng sức khỏe con người và môi trường. “Chúng tôi tính toán đến ngày 18-3 các đám mây phóng xạ sẽ bay lên phía Đông Bắc Nhật Bản, không bay về hướng Việt Nam. Chúng tôi có 3 trạm quan trắc phóng xạ trực 24/24 giờ tại Hà Nội và Đà Lạt đo bức xạ gama và chưa có gì bất thường xảy ra. Hiện trên lãnh thổ chúng ta chưa có ảnh hưởng gì từ sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản” – ông Lương khẳng định.

PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, cho biết việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng hết sức quan trọng. Theo đó, có 3 vấn đề cần quan tâm: Một là, hiện tượng tự nhiên có thể làm mất an toàn cho nhà máy điện hạt nhân, ví dụ như động đất, sóng thần, núi lửa... Thứ hai là những hoạt động của con người có thể gây mất an toàn cho nhà máy. Ví dụ như nhà máy có được đặt gần các cơ sở hóa chất, sân bay hay không vì máy bay có thể bị tai nạn rơi vào nhà máy; nhà máy có được đặt gần đường giao thông mà tai nạn giao thông có thể xảy ra... đều được tính đến. Thứ ba là những yếu tố mà nhà máy có thể làm ảnh hưởng đến khu dân cư. Hiện nay việc Việt Nam đang rà soát, tính toán kỹ lưỡng đến những vấn đề đó trong việc triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình ở Ninh Thuận vào năm 2014.

Nhiều chuyên gia y tế trong nước đã khuyến cáo người dân cần bình tĩnh nhìn nhận sự việc, không nhất thiết phải đổ xô đi tìm mua các thuốc hay dụng cụ chống phóng xạ. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS Tạ Mạnh Cường, Viện Tim mạch Việt Nam, đồng thời là chuyên gia của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về an toàn bức xạ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, trong thời điểm hiện nay người dân cần phải theo dõi sát sao những khuyến cáo của cơ quan chức năng về nguy cơ, mức độ ô nhiễm phóng xạ, bức xạ để có những biện pháp ứng phó kịp thời.

TRẦN LƯU - NGUYỄN QUỐC

>> Nỗ lực làm mát các lò phản ứng hạt nhân

Tin cùng chuyên mục