Việt Nam rất khó bị ảnh hưởng bụi phóng xạ từ Nhật Bản

Mức 0
Việt Nam rất khó bị ảnh hưởng bụi phóng xạ từ Nhật Bản

(SGGPO).- Liên quan đến sự cố phóng xạ hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Fukushima số 1 (Nhật Bản) do hậu quả của trận động đất và sóng thần ngày 11-3 vừa qua, các nhà khoa học Việt Nam đã khẳng định, Việt Nam rất khó bị ảnh hưởng từ vụ việc này.

Mô hình lò phản ứng của Nhà máy ĐHN Fukushima số 1 bị sự cố.

Mô hình lò phản ứng của Nhà máy ĐHN Fukushima số 1 bị sự cố.

PGS.TS Vương Hữu Tấn – Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử khẳng định, mặc dù sự cố ĐHN ở Nhật Bản đang diễn ra phức tạp, nhưng xác suất Việt Nam bị ảnh hưởng từ sự cố này là rất nhỏ, khó xảy ra.

Theo ông Tấn, nguy cơ về các vụ nổ phóng xạ lớn như sự kiện Chernobyl ở Liên Xô năm 1986 khó có thể xảy ra. Các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đã khẳng định điều đó. Tuy nhiên chúng ta cũng cần chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu có thể xảy ra. “Các trạm quan trắc của ta hiện nay vẫn hoạt động bình thường. Chúng tôi cũng đã đề nghị tăng tần suất lấy mẫu để đo đạc xem có phát hiện gì không nhưng cho đến thời điểm này các trạm báo cáo về không có gì đột biết. Các trạm luôn trong trạng thái hoạt động để sẵn sàng có cảnh báo sớm cho cán bộ, người dân” – ông Tấn cho biết.

Bộ KH-CN sẽ cập nhật thường xuyên những số liệu về tình hình sự cố ĐHN tại Nhật Bản và các chỉ số quan trắc môi trường ở Việt Nam trên một số trang thông tin điện tử chính thức của Bộ như: http://most.gov.vn/; http://www.vaec.gov.vn/; http://www.varans.vn/.

TS Đặng Thanh Lương, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ cho biết, theo tính toán của các cơ quan khí tượng thì các đám mây phóng xạ bay lên phía Đông Bắc Nhật Bản và có xu hướng bay ra biển, do đó trong đất liền không bị ảnh hưởng nhiều.

“Phía Nhật Bản đã tính trong vòng 3-4 ngày tới và chúng tôi tính toán đến 18-3 các đám mây phóng xạ sẽ bay theo hướng ra biển, không bay về hướng Việt Nam. Chúng tôi có 3 trạm quan trắc phóng xạ trực 24/24 giờ Hà Nội và Đà Lạt đo bức xạ gama và chưa phát hiện có gì bất thường xảy ra. Hiện trên lãnh thổ chúng ta chưa có ảnh hưởng gì từ sự cố nhà máy ĐHN tại Nhật Bản” – ông Lương khẳng định. 

Theo TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, sự cố ĐHN Fukushima ở Nhật Bản là “thiên tai kép” rất là hiếm xảy ra. Việc trì hoãn nổ là đóng góp rất cao của đội ngũ cán bộ, công nhân Nhật Bản để di tản người dân. Sự chiến đấu của đội ngũ công nhân, kỹ sư là một nỗ lực cao và đây là kế hoạch ứng phó sự cố đúng theo luật là bài học lớn về văn hóa, luật pháp, tính kỷ luật, trách nhiệm cao của Nhật Bản trong sự cố này.

Nhân viên y tế kiểm tra mức độ phơi nhiễm phóng xạ cho người dân ở Nihonmatsu , tỉnh Fukushima ngày 16-3. Ảnh: TTXVN

Nhân viên y tế kiểm tra mức độ phơi nhiễm phóng xạ cho người dân ở Nihonmatsu , tỉnh Fukushima ngày 16-3. Ảnh: TTXVN

“Sự kiện Chernobyl ở Liên Xô năm 1986 và sự kiện này hoàn toàn khác nhau về công nghệ và diễn biến. Chernobyl là lò đang hoạt động thì nổ, lúc mà phóng xạ rất cao và lò đó không có vỏ bảo vệ bằng bê tông cốt thép dày như hiện nay. Các tổ máy ở Nhật đang giữ vững và đó là ngăn chặn phóng xạ. Sự kiện xảy ra từ ngày 11-3, sau 1 tiếng thì nhiệt phóng xạ thoát ra môi trường chỉ có 1%, còn phóng xạ dài ngày vẫn nằm trong lò. Về cơ bản những phóng xạ dài ngày đang nằm trong lò và nếu không có vụ nổ thì sẽ không phát tán đi đâu cả. Đến thời điểm này, phần lớn đại đa số phóng xạ vẫn đang nằm ở lò cho đến thời điểm này nên nếu có vụ nổ phát tán ra không khí thì mức độ rất thấp. Nóng chảy nhiên liệu có thể xảy ra nhưng rất thấp và ảnh hưởng đến môi trường rất là thấp” – ông Tuấn khẳng định.

Các sự kiện hạt nhân được phân loại theo mức độ ảnh hưởng từ thấp đến cao (từ mức 0 đến mức 7) theo thang sự kiện hạt nhân quốc tế (INES). Đây là thang bậc được áp dụng cho mọi cơ sở hạt nhân, như các cơ sở xử lý nhiên liệu, các cơ sở quân sự, các nhà máy điện hạt nhân. Theo đánh giá của Cơ quan An toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật Bản (NISA), cho đến ngày 16-3, sự cố hạt nhân tại Nhà máy Fukushima I là ở mức 4. Sự kiện cao nhất là mức 7 (thảm họa Chernoby l ở Liên Xô cũ, năm 1986). Tai nạn ở Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island (ở Mỹ, năm 1979), được đánh giá ở mức 5.

Mức 0 - Sự khác biệt chút ít: Không đáng kể về an toàn

Mức 1 - Bất thường: Vượt quá chế độ vận hành được phép

Mức 2 - Sự cố: Nhiễm xạ lan truyền đáng kể. Công nhân bị nhiễm xạ quá liều

Mức 3 - Sự cố nghiêm trọng: Nhiễm xạ lan truyền nặng. Ảnh hưởng nặng đến sức khoẻ công nhân

Mức 4 - Tai nạn không gây hậu quả đáng kể ra ngoài: Vùng hoạt lò phản ứng, các lớp bảo vệ bị hư hại đáng kể. Công nhân bị nhiễm xạ nguy kịch, hoặc dân chúng bị nhiễm xạ ở mức giới hạn quy định

Mức 5 - Tai nạn gây hậu quả ra ngoài cơ sở: Vùng hoạt lò phản ứng, các lớp bảo vệ bị hư hại nghiêm trọng, hoặc thoát phóng xạ ra ngoài cơ sở ở mức hạn chế. Cần thực hiện một phần các biện pháp khắc phục đã dự kiến

Mức 6 - Tai nạn nghiêm trọng: Thoát phóng xạ ra ngoài cơ sở ở mức đáng kể. Cần thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục đã dự kiến

Mức 7 - Tai nạn rất nghiêm trọng: Thoát phóng xạ nhiều, ảnh hưởng sức khoẻ và môi trường ở phạm vi rộng.

Tin và ảnh: TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục