(SGGP).- Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Chế biến cá basa xuất khẩu
Trong số đó, có 8 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi, là Hiệp định thương mại tự do thương mại ASEAN (AFTA, ký kết năm 1996) và 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác (FTA giữa ASEAN và Trung Quốc; FTA giữa ASEAN và Hàn Quốc; FTA giữa ASEAN và Nhật Bản; FTA giữa ASEAN và Ấn Độ; FTA giữa ASEAN và Australia - New Zealand); 2 FTA song phương (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản và Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Chile). Các hiệp định đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực là FTA Việt Nam - Hàn Quốc (ký kết ngày 5-5-2015) và FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (ký ngày 29-5-2015). Các FTA thế hệ mới đã kết thúc đàm phán gồm FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA, công bố ngày 4-8-2015) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, công bố ngày 5-10-2015).
Để tận dụng tốt lợi thế từ FTA mang lại, đồng thời hạn chế thiệt hại từ việc mở cửa thị trường theo các cam kết, TPHCM đã xây dựng nhiều giải pháp ứng phó, trong đó giải pháp trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chú trọng cấp cơ sở và đi vào thực chất, với đo lường kết quả từ các doanh nghiệp (DN); tiếp tục rà soát thủ tục hành chính trong hoạt động xuyên suốt của DN; xây dựng và thực hiện các chương trình nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp địa phương…; xây dựng các chương trình, chiến lược hỗ trợ DN thực sự hiệu quả trong giai đoạn hội nhập, như xây dựng thương hiệu DN, cung cấp thông tin, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tái cấu trúc DN; xem xét lại đề án tái cấu trúc nền kinh tế TP trong điều kiện mới, cần có nghiên cứu, đánh giá tác động của TPP, các FTA đến các ngành, lĩnh vực; đánh giá lại ngành nông nghiệp và chăn nuôi trong mối tương quan với các địa phương; thoái vốn dần trong các DN nhà nước, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển.
Đối với từng sở, ngành, UBND TPHCM yêu cầu xây dựng các chiến lược ứng phó thật cụ thể, chi tiết. Hiện Sở Công thương đang phối hợp Trung tâm WTO làm việc với các hội, hiệp hội DN, các DN để xác định nhu cầu thông tin về các FTA đã ký kết hoặc đang đàm phán và các vấn đề hội nhập quốc tế khác. Sở Công thương TPHCM cũng phối hợp với Bộ Công thương tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hỗ trợ sản phẩm xuất khẩu cho DN, phổ biến các cơ chế, chính sách, các hiệp định thương mại để giúp các DN nắm bắt và tận dụng được những ưu đãi từ các FTA. Tổ chức đoàn DN tham gia các hội chợ trong khu vực và thế giới, tạo điều kiện cho DN tiếp cận với các đối tác, mở rộng đầu tư và tăng lượng hàng xuất khẩu ra thế giới.
THÚY HẢI