
1. Việt Nam là một đất nước kỳ lạ, với những món ăn độc đáo, thanh tao và tươi ngon hơn món Thái trong khi cũng chỉ sử dụng chừng đó nguyên vật liệu. Món ăn Việt Nam cũng thơm ngon hơn món ăn Trung Quốc, chủ yếu nhờ sử dụng nhiều loại rau tươi và gia vị đặc biệt. Những hàng quán và tiệm ăn di động thường xuất hiện vào sáng sớm và được dọn dẹp sạch sẽ không một dấu vết khi đêm xuống.

Thức ăn Việt Nam tạo ra cách ăn uống mang tính cộng đồng.
Mỗi người bán rong thường có một món ruột, như món nước dừa non ướp lạnh uống bằng ống hút, trà xanh, trà lài hay món bánh có tôm tươi và rau được tráng trên chảo dẹt (ND: bánh tôm).
Một trong những món ăn Việt Nam yêu thích của tôi là bún chả, gồm những lát thịt heo ướp với ớt, gừng và tỏi được nướng bốc khói thơm lừng ngay trước mặt người đi đường, níu chân và thôi thúc người ta tìm đến nếm thử.
2. Với gần 2.000 dặm bờ biển và vùng đồng bằng rộng lớn ở khu vực sông Mê Công, sông Hương và sông Hồng, Việt Nam xem cá, nghêu, sò hay bất cứ loài thủy sinh nào cũng là một phần tất yếu của cuộc sống. Thực đơn hàng ngày của người dân ở đây bao giờ cũng có sự hiện diện của các loại cá, cơm và những món linh tinh khác của riêng họ.
Trong ẩm thực Việt Nam, rau sống, củ quả hay các loại rau thơm đóng vai trò rất quan trọng. Đó là thực phẩm có lợi cho sức khỏe, vừa sử dụng như bài thuốc, vừa để ăn. Đó cũng là một cách ăn kiêng. Người ta hiếm khi dùng những sản phẩm làm từ sữa hay bột, ít đường, ít chất béo và có những phương pháp nấu nướng riêng để giữ được nhiều chất dinh dưỡng trong món ăn.
3. Cuộc sống thật sinh động, gần gũi. Đi chợ là công việc hàng ngày của các bà nội trợ ở đây, thậm chí có khi diễn ra hai hay ba lần trong ngày, khi gia đình cần thêm món gì tươi sống cho bữa ăn. Cá thường được bán khi còn bơi lội để chứng minh chúng tươi như thế nào. Việc sử dụng tủ đông lạnh không phổ biến lắm ở Việt Nam nên người ta thường cưa những cây nước đá lớn để ướp thực phẩm ngoài chợ. Cái nóng oi bức, ẩm độ lên tới 90% và việc thiếu tủ lạnh, do đó không làm ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn.
Chúng tôi đã học được từ người Việt, rằng bán những sản phẩm phụ không phải để cho vui. Những sạp hàng chất đầy gừng thái nhỏ, ớt bằm và các loại rau thơm tươi nguyên mới hái chính là thiên đường của những người đầu bếp.
Rời Hà Nội ở miền Bắc, bạn đến cố đô Huế, thành phố thuộc khu vực miền Trung được bao quanh bởi dòng sông Hương thơ mộng và nổi tiếng với các món ăn cung đình. Ở miền Bắc và miền Nam, người ta thường đựng thức ăn trong những cái tô lớn đặt giữa bàn nhưng tại Huế, thức ăn lại được sắp xếp trong nhiều cái chén nhỏ xinh làm cho bàn ăn trông rất phong phú và hấp dẫn, như để phục vụ cho vua. Cay, ngọt, mặn và chua là nét đặc trưng của món ăn Huế. Cách bài trí các món ăn cũng rất quan trọng.
Thế nhưng, dù Huế nổi tiếng với cách ăn uống truyền thống tinh tế và phức tạp, món khoái khẩu nhất của tôi tại đây lại là món đơn giản nhất. Đó là món bánh khoái. Khoái ở đây có thể hiểu là khoái khẩu, và cũng có thể là khói bốc lên từ những khuôn bánh. Bên trong chiếc bánh thường có thịt heo, tôm và nấm. Món bánh này hấp dẫn người ăn bởi nó vừa mềm dẻo, vừa giòn, vừa dai lại vừa như dễ tan trong miệng.
Tôi cũng đã có dịp đến một làng nghề ở miền Nam mà chúng tôi sau đó tự đặt tên là “làng bánh tráng”. Gần như nhà nào ở đây cũng làm bánh tráng bằng phương pháp thủ công. Bột bánh được làm từ gạo, muối và nước. Sau đó, người ta tráng thành một miếng tròn to và mỏng lên khuôn hấp bằng hơi nước đặt trên bếp lò nhóm bằng trấu.
Sau đó, bánh được đặt trên tấm liếp đan bằng tre. Đó là lý do tại sao bánh có những vết hằn ngang dọc. Tiếp đến, những tấm liếp phủ đầy bánh được mang ra ngoài phơi khô. Ngày tôi đến thăm làng bánh tráng là một ngày thật dễ thương, mặt trời chiếu xuyên qua những liếp bánh, gà vịt và những đứa bé chơi chung với nhau. Cảnh tượng này có lẽ đã được giữ nguyên hàng trăm năm nay rồi.
Đi một vòng từ Bắc chí Nam là một cuộc phiêu lưu thỏa mãn mọi giác quan, nhất là vị giác. Cách nấu nướng của người Việt tạo ra cách ăn uống mang tính cộng đồng, cũng như cơ hội cho các cá nhân tiếp xúc với thực phẩm. Khi ăn, bạn có thể cho thêm các loại gia vị vào phần ăn của mình, trộn lên cho đều để kết hợp chúng. Ở tại đất nước này, không cần phải là một đầu bếp bạn cũng có thể tạo ra được một món ăn rất riêng cho mình bằng những cách hết sức đơn giản như thế.
(*): Tựa gốc là “Vietnamese street life: A feast in the East“, đăng tháng 12 năm 2005 trên tờ The Independent của Anh.
NGÔ THỊ THÙY VY (Lược dịch)