Diễn biến bất thường của thiên tai

Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề

Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề
Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề ảnh 1

Rét đậm lịch sử trong gần nửa thế kỷ qua diễn ra vào đầu năm nay; bão đến sớm bất thường vào tháng 4; mưa lũ phức tạp; đến tháng 5 vẫn còn gió mùa Đông Bắc, tháng 6 vẫn còn xuất hiện những đợt không khí lạnh... Tất cả những điều đó đã cho thấy những ảnh hưởng của thiên tai bất thường đối với Việt Nam là rõ ràng và nặng nề. Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, ông Bùi Minh Tăng (ảnh) đã khẳng định trong cuộc trao đổi cùng phóng viên Báo SGGP.

° PV: Ngoài những diễn biến bất thường trên, theo ông, Việt Nam còn phải chịu những hiện tượng tiêu cực nào khác của thời tiết?

° Ông Bùi Minh Tăng: Việt Nam là một trong những nước được Liên hiệp quốc cảnh báo về nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ tác động mạnh đến những cư dân ven biển. Hiện tượng này có thể là nước biển dâng cao, băng tan, xâm thực ở những vùng trũng...

Điều này chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng không thể hiện ngay trong một thời gian ngắn. Tác nhân chủ yếu gây ra biến đổi khí hậu là do chính con người. Sự phát triển của công nghiệp hóa, sử dụng năng lượng hóa thạch quá nhiều sinh ra khí thải công nghiệp gây ô nhiễm, tình trạng chặt phá rừng bừa bãi...

° Những biến động về thời tiết xảy ra hàng năm, còn biến đổi khí hậu là theo một chu kỳ rất dài. Theo ông, Việt Nam hiện nay đang chịu tác động của biến động của thời tiết hay biến đổi khí hậu?

° Những phân tích khí hậu mới nhất cho thấy có trên 80% các mô hình dự báo ở khu vực châu Á - Thái Bình dương đều có chung nhận định, Việt Nam đang chịu tác động rõ nét của biến đổi khí hậu với những hình thái thời tiết bất thường xuất hiện.

Sau thời gian hoạt động mạnh, hiện tượng La-Nina đã bắt đầu suy yếu và chuyển dần sang pha trung tính giữa El-Nino và La-Nina trong mùa hè năm 2008. Do vậy, sự giao thoa giữa 2 hiện tượng trên sẽ tạo điều kiện tốt cho mưa bão phát triển bất thường.

Theo dự báo của chúng tôi, năm 2008, sẽ có khoảng 33 cơn bão, trong đó khoảng 19 cơn bão mạnh xuất hiện ở Tây Thái Bình Dương và biển Đông. Một mùa mưa bão và lũ mạnh mẽ hơn mức bình thường rất có khả năng xảy ra ở nước ta trong năm 2008.

° Hiện nay ở nhiều khu vực trên cả nước đã xuất hiện mưa, theo ông trong thời gian tới lượng mưa có giảm không, đặc biệt là trong tháng 6 này?

° Thời gian qua, mưa lớn hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Theo quy luật thông thường, trong nửa cuối tháng 6, mưa sẽ giảm. Tuy nhiên, phía Tây Bắc bộ vẫn sẽ có mưa cao hơn TBNN, như vậy hồ thủy điện Hòa Bình sẽ không quá lo lắng về tích nước phát điện.

Theo các số liệu tính toán mới nhất của chúng tôi, giai đoạn mưa cao điểm của 3 miền được dự báo như sau: miền Bắc có mưa nhiều từ tháng 5 và kéo dài đến nửa đầu tháng tháng 8; miền Trung sẽ mưa cao điểm vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9; và miền Nam mưa sẽ cao điểm vào tháng 7, 8.

° Theo ông, với việc mưa nhiều như vậy, lũ trên hệ thống các sông sẽ cao hơn mức báo động III?

° Nhiều hệ thống sông sẽ có đỉnh lũ phổ biến ở trên mức báo động III. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ cao nhất trong năm 2008 trên các sông chính ở Bắc bộ vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8; trên các sông ở Trung bộ và Tây Nguyên vào cuối tháng 8 và tháng 10; trên các sông ở Trung Trung bộ vào tháng 10, 11; trên các sông ở Nam Trung bộ vào tháng 11; trên sông Tiền, sông Hậu vào cuối tháng 9 đầu tháng 10.

° Xin cảm ơn ông


LÊ VĂN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục