Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo - Bài 4: “Tốt đời, đẹp đạo” và đoàn kết gắn bó với cộng đồng

Việc Ngoại trưởng Mỹ Antony J.Blinken tuyên bố đưa Việt Nam vào “Danh sách theo dõi đặc biệt” của Mỹ về tự do tôn giáo là không phản ánh chính xác và đánh giá thiếu khách quan về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Đảm bảo sự đa dạng về tộc người - tôn giáo

Ở nước ta, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quan điểm nhất quán, xuyên suốt được thể hiện rất rõ qua các văn kiện của Đảng, được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật và được đảm bảo trên thực tế. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được hiến định trong tất cả bản Hiến pháp, gần nhất là Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, sau đó Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời đã là một bước tiến trong xây dựng pháp luật tôn giáo. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo tốt hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Đó cũng là những dấu mốc quan trọng cho thấy trách nhiệm, nỗ lực trong việc “nội luật hóa” các pháp luật quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Thực tiễn đời sống tôn giáo ở nước ta cho thấy, các tôn giáo được sống trong môi trường hòa bình cũng như chung sống hòa bình với nhau. Chưa bao giờ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng và bảo đảm như hiện nay ở nước ta.

Hơn 5 năm qua, chương trình Hành trình xanh do các chư tăng, phật tử chùa Liên Hoa, quận 11, TPHCM, thực hiện đã gieo ý thức đến đông đảo người dân chung tay giữ vệ sinh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Hơn 5 năm qua, chương trình Hành trình xanh do các chư tăng, phật tử chùa Liên Hoa, quận 11, TPHCM, thực hiện đã gieo ý thức đến đông đảo người dân chung tay giữ vệ sinh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, trong vòng 20 năm, số lượng tôn giáo, tổ chức tôn giáo, tín đồ, chức sắc, chức việc cũng như cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng đáng kể. Năm 2004, cả nước có 6 tôn giáo với 16 tổ chức, gần 21 triệu tín đồ (chiếm 21,8% dân số), hơn 34.000 chức sắc, hơn 78.000 chức việc, hơn 20.000 cơ sở thờ tự. Đến năm 2022 đã tăng lên 16 tôn giáo với 43 tổ chức, gần 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), trên 54.000 chức sắc, hơn 147.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự. Bên cạnh đó, hàng ngàn tổ chức tôn giáo trực thuộc, hơn 3.800 điểm, nhóm đã được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Nhà nước đã cấp hàng trăm hécta đất để các tôn giáo xây dựng các công trình tôn giáo.

Các tôn giáo được tạo điều kiện để củng cố, kiện toàn tổ chức giáo hội, đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xây dựng cơ sở vật chất, xuất bản kinh sách nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ. Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm nước đứng đầu về mức độ đa dạng hóa tôn giáo, theo xếp hạng của một trung tâm nghiên cứu tôn giáo quốc tế.

Nhà nước luôn đảm bảo sự đa dạng về tộc người - tôn giáo. Đồng bào các dân tộc thiểu số được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. Các tôn giáo đã tổ chức nhiều cuộc lễ kết nạp tín đồ tập thể với số lượng lớn. Đó là lễ quy y tập thể cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum, Bình Phước; lễ Báp-tem tập thể của Tin lành; lễ rửa tội, lễ thêm sức tập thể của Công giáo. Hàng trăm điểm nhóm của nhiều hệ phái Tin lành ở Tây Bắc, Tây Nguyên đã được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Kinh sách bằng tiếng dân tộc cũng được xuất bản.

Đồng hành, gắn bó cùng dân tộc

Các tôn giáo ở Việt Nam luôn đồng hành, gắn bó cùng dân tộc, là nguồn lực quan trọng đóng góp vào các trụ cột phát triển bền vững của đất nước. Chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo đã góp phần quan trọng đưa các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với các tín đồ. Cùng với đó là việc tham gia tích cực, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đồng thời góp phần xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nhân cách lối sống hướng thiện cho cộng đồng tín đồ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, các hoạt động an sinh xã hội của các tổ chức tôn giáo đã cùng chia sẻ trách nhiệm cộng đồng với Nhà nước, để không ai bị bỏ lại phía sau. Hàng năm, Việt Nam đều có các hội nghị Thủ tướng biểu dương tổ chức tôn giáo đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó càng khẳng định mối quan hệ của các tổ chức tôn giáo với hệ thống chính trị được xây dựng tốt đẹp, gắn bó khăng khít.

Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là không thể phủ nhận. Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ của pháp luật; cũng đồng nghĩa với việc không chấp nhận các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp lực lượng, kích động bạo lực, gây rối, biểu tình, khủng bố... Đồng thời, không một quốc gia nào có quyền áp đặt tiêu chuẩn tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nước mình lên các quốc gia khác bởi vì quyền con người vừa có tính phổ biến, vừa có tính đặc thù.

* Bà TRẦN KIM YẾN, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM: Phát huy các giá trị tốt đẹp

Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM đã ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022-2027, nhằm tiếp tục khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hai đơn vị.

Với tình cảm và trách nhiệm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM sẽ cùng với các ngành chức năng tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tôn giáo và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quan tâm, tạo điều kiện phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Thượng tọa THÍCH THIỆN QUÝ, Phó Trưởng Ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM: Tự do trong kỷ cương, lề lối

Việc tự do tín ngưỡng đã được hình thành và bảo vệ từ ngàn xưa. Trong đó, tự do tín ngưỡng nằm trong quy định của pháp luật. Chúng ta được tự do sinh hoạt tín ngưỡng trong phạm vi của pháp luật và giáo luật, có như vậy mới tạo ra kỷ cương lề lối trật tự trong tổ chức. Thực tế, từ trước đến nay, các cấp lãnh đạo từ TP Thủ Đức đến các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đều quan tâm hỗ trợ các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật.

* Ông NGUYỄN HOÀNG GIANG, Phó trưởng Ban Tôn giáo TPHCM: Tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo trong, ngoài nước sinh hoạt

TPHCM là địa phương tập trung hầu hết các cơ quan lãnh đạo các tổ chức tôn giáo hiện có ở Việt Nam, với số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia khá nhiều trong các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo. TPHCM luôn tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức tôn giáo trong nước và ngoài nước sinh hoạt trên địa bàn.

Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2018 cũng đã đưa tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, các lễ hội và hoạt động tôn giáo trong cơ sở thờ tự thì chỉ cần đăng ký một lần; tổ chức tôn giáo trong nước được quyền gia nhập và trở thành thành viên của tổ chức tôn giáo nước ngoài; các nhóm tôn giáo người nước ngoài có thể thuê, mượn bất cứ địa điểm nào và đăng ký với chính quyền địa phương để sinh hoạt mà không nhất thiết phải sinh hoạt trong các cơ sở tôn giáo.

HỒNG HẢI - NGÔ BÌNH

Tin cùng chuyên mục