Về Việt Nam cũng là về quê

Về Việt Nam cũng là về quê

Chúng tôi gặp chị Toh Lai Mun (hiện là giáo viên Trường Quốc tế Brussels) tại Bỉ và quen nhau đã vài năm. Vẫn biết chị từng làm giáo viên tình nguyện tại Bắc Giang nhưng phải qua cuộc trò chuyện mới hiểu hết ý nghĩa câu nói của Toh Lai Mun “Về Việt Nam cũng là về quê”.

Chị Toh lai Mun (thứ ba, từ phải sang) cùng học trò cũ về thăm lại mái trường xưa

Chị Toh Lai Mun đăng ký làm tình nguyện viên với Tổ chức Quốc tế Singapore vào cuối năm 1997. Sau một loạt cuộc phỏng vấn và kiểm tra, chị được chọn làm việc cho một trường học ở Medan thuộc Indonesia. Nhưng thời điểm đó, nội sự vùng này bất ổn nghiêm trọng. Như số phận sắp đặt, thay vì đi Indonesia chị được mời đến Việt Nam giảng dạy. Chị là tình nguyện viên thứ ba được gửi tới Trường THPT Năng khiếu Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang).

Chị tâm sự: “Tôi cứ nghĩ mình mạnh mẽ và độc lập, nhưng chỉ vài tuần sau đã thấy mình khá yếu đuối về mặt tinh thần: nhớ nhà, nhớ bạn. Nhưng những người bạn Việt Nam đã cho tôi thấy sự kính trọng và lòng biết ơn thể hiện qua nhiều cách. Vóc người Việt nhỏ bé nhưng trái tim lại rộng lớn. Tôi đã thăm những người nông dân ở Bắc Giang, thu nhập vô cùng eo hẹp vẫn mời tôi bữa ăn giản dị với rau muống luộc, trứng chiên và cơm trắng. Bữa ăn luôn ngon miệng. 

Ngoài giờ lên lớp, chị cùng các giáo viên, học sinh nội trú trò chuyện bằng tiếng Anh và tiếng Việt; hát hò, vui chơi. Một trong những sở thích của chị là làm món bánh mì kẹp sa lát trứng trộn sốt mayonnaise. Nhiều học sinh lần đầu biết đến gia vị sốt mayonnaise. Chị cho biết, có nhiều kỷ niệm đẹp ở Bắc Giang. Hàng xóm cũng là đồng nghiệp trong trường và gia đình họ chăm sóc chị như người nhà. Học trò thể hiện sự kính trọng cô hết mực. “Thái độ trò dành cho thầy khi ấy tôi chưa từng thấy ở những nơi khác mình từng giảng dạy trong đời”, chị cho biết.

Chỉ qua 10 tháng dạy học tình nguyện tại đây cũng đủ khó khăn cho chị khi nói lời tạm biệt trường vào tháng 5-1999. Chị xúc động kể lại: “Đúng là rất khó nói lời tạm biệt. Chúng tôi gắn bó thân thiết mất rồi. Bắc Giang như quê hương thứ hai của tôi rồi. Tôi hứa trở lại sớm nhất có thể và thực hiện lời hứa vào tháng 4-2001. Nhưng tôi không trở lại một mình mà đi cùng chồng (Toh Lai Mun kết hôn với một người Bỉ)”. Rồi 14 năm sau, tháng 7-2015 vừa rồi chị lại về Bắc Giang, lần này mang theo hai con. Bắc Giang bây giờ thay đổi chóng mặt khiến chị hầu như không thể nhận ra thị xã xưa cũ nữa, nhưng cảm xúc về học trò và đồng nghiệp cũ vẫn rất mạnh mẽ. Chị như lại được về nhà. Giống như người Việt nói là được về quê vậy.

Trong niềm vui gặp lại học trò cũ, chị cho biết: “Khó nói chính xác những hiệu quả mình mang lại cho học trò, nhưng bản thân tôi biết nhân sinh quan của mình đã thay đổi. Tôi tự hào chứng kiến những gì học trò cũ đạt được trong hiện tại. Giờ đây, họ đã ổn định cuộc sống, có nghề nghiệp sáng giá, mở công ty riêng, điều hành doanh nghiệp thành công. Nhiều người trong số học trò cũ của tôi trở thành giáo viên và tiếp tục đào tạo thế hệ sau”.

KIỀU BÍCH HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục