Đề nghị Campuchia hợp tác chặt chẽ trong đánh giá tác động dự án kênh đào Phù Nam

Ngày 9-5, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ tháng 5.

Tại họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của báo chí liên quan những tác động của dự án kênh đào Phù Nam đối với Việt Nam mà Campuchia dự kiến tiến hành trong năm nay.

bongoaigiao-6244.jpg
Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao tháng 5-2024

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Như đã phát biểu vào ngày 5-5 vừa qua, chúng tôi mong muốn phía Campuchia tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong, chia sẻ đầy đủ thông tin về dự án và tiến hành đánh giá chi tiết các tác động của dự án này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của tiểu vùng sông Mekong. Đồng thời, đó cũng là những biện pháp quản lý chung và dài hạn, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, đảm bảo tài nguyên nước bền vững cho vùng sông Mekong”.

Về câu hỏi liên quan đến báo cáo công bố gần đây của một số tổ chức quốc tế về tự do tôn giáo ở Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, ở Việt Nam không có ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, cũng như các hoạt động tôn giáo đảm bảo luôn đúng theo quy định của pháp luật. Các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng đã được nhiều nước công nhận và đánh giá cao.

“Đây cũng là những đánh giá, nhận xét của các quốc gia khi đối thoại về báo cáo nhân quyền quốc gia về Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát nhân quyền (UPR) của Liên hợp quốc như đã nói ở trên”, Người phát ngôn cho biết. Đồng thời, nhấn mạnh rằng, Việt Nam kiên quyết phản đối các thông tin sai trái của các tổ chức quốc tế nói rằng Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo.

Liên quan phiên điều trần của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về việc công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam diễn ra vào ngày 8-5, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu, khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các quy chế về kinh tế thị trường. Đồng thời, nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận là kinh tế thị trường.

Dẫn chứng, bà Phạm Thu Hằng cho biết, đến nay đã có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam cũng đã tham gia hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục.

“Việc Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước”, bà Phạm Thu Hằng nói.

Tại họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng thông tin thêm về vụ các tàu cá của ngư dân gặp nạn.

Theo đó, trong hai ngày 3 và 5-5, 4 tàu cá tại tỉnh Quảng Bình cùng 24 ngư dân bị gặp nạn trên biển. Các lực lượng chức năng cũng như tàu cá của Việt Nam đã phối hợp lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Trung Quốc tích cực tìm kiếm cứu nạn. Đến nay, các lực lượng chức năng đã cứu được 13 ngư dân, tìm thấy 1 ngư dân thiệt mạng và đang tích cực tìm kiếm những người còn lại.

Ngay khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã liên hệ làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, đồng thời chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh thông tin cho cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Trung Quốc, đề nghị Trung Quốc tăng cường lực lượng, hỗ trợ trang thiết bị cần thiết để tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân Việt Nam đang mất tích.

Trung Quốc đã cử các phương tiện phối hợp với Việt Nam, hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đang phối hợp chặt chẽ với phía Trung Quốc để tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân và chuẩn bị các biện pháp sẵn sàng bảo hộ công dân của mình.

Tin cùng chuyên mục