Anh có một tấm lòng
Vẫn biết “sinh ký, tử quy”, sống gửi, thác về. Nhưng nghĩ về anh Lê Minh Giám, một người ANH đúng nghĩa, trước giờ phút ly biệt này, không khỏi không quặn thắt lòng đau... Ngồi viết sổ tang tưởng nhớ anh Ba Giám, tiếng gọi thân thương của anh em đối với anh, dù biết trước ngày này của anh sẽ đến, do anh bị bệnh hiểm nghèo, nhưng lòng vẫn bàng hoàng.
Chủ nhật tuần trước (14-3-2021), bốn anh em cán bộ về hưu của Báo SGGP chúng tôi lên Củ Chi thăm anh, không ngờ đây là lần gặp anh cuối cùng. Dù thân thể anh vô cùng suy kiệt, giọng nói thều thào, nhưng trí óc lại cực kỳ minh mẫn. Anh say sưa nói chuyện với tôi và Lâm Thanh Bình, nguyên biên tập viên Báo SGGP, về những ngày làm báo cách đây trên dưới 30 năm. Anh không những là một lãnh đạo yêu nghề báo, nhiệt tình, mà còn là một đàn anh đáng kính, giản dị, trong sáng, hết lòng vì anh em, vì phóng viên. Anh còn nhớ chuyện năm 1989, lúc tôi ứng cử đại biểu HĐND TPHCM khóa 4, do tôi đi công tác xa, anh phải chạy tìm người nhà tôi để bổ túc hồ sơ cho kịp nộp lên trên. Riêng về nghiệp vụ làm báo của tôi, nhiều bài báo nếu không có sự hỗ trợ nhiệt tình của anh, chắc chắn sẽ không thể ra đời, chẳng hạn như loạt bài vụ thất thoát 51,8 tấn bột ngọt ở Nhà máy Bột ngọt Thiên Hương, một thời được dư luận rất quan tâm. Lúc đó, anh là Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng ban Kinh tế Báo SGGP.
Trong vài dòng ngắn ngủi viết về anh trong giờ phút này, tôi không thể nào nhớ hết những điều mà anh đóng góp cho Báo SGGP, dù cho là ở cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập hay Trưởng ban Kinh tế. Tuy nhiên, điều làm tôi không bao giờ quên là việc anh cùng Ban Kinh tế đã tạo nên một sự kiện gây tiếng vang trong làng báo và trong dư luận ra báo ngày thứ hai. Trước đó, tất cả các báo đều nghỉ ngày chủ nhật, nên ngày thứ hai không có báo. Bằng một nhóm anh em tình nguyện ở Tòa soạn và Ban Kinh tế, tờ báo ngày thứ hai chuyên về kinh tế ra đời, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới, vừa tạo nguồn thu nhập không nhỏ cho tờ báo.
Xin giã biệt anh Ba Giám, người anh thân thương. Dù cuộc đời tất cả không phải đều suôn sẻ, nhưng anh đã đạt được một điều: anh có một tấm lòng và anh em đều hiểu được điều đó.
Người về bên kia núi
Đón tôi bước đầu tiên vào nghề báo là chú Ba - Lê Minh Giám. Lúc này chú đang là Phân xã Trưởng Phân xã Sài Gòn của Thông tấn xã Giải Phóng. Tôi, cô sinh viên Sài Gòn, 20 tuổi, tóc ngắn demi garcon, nhút nhát và bé như cái kẹo với cân nặng chưa tới 40kg. Sau lớp bồi dưỡng chính trị hơn một tháng tại nhà nghỉ Nguyễn Tấn Đời, chúng tôi về phân xã nhận việc. Bởi vóc dáng “bé như cái kẹo”, nên tất cả sinh viên được phân công làm phóng viên đi cơ sở, riêng tôi phải ở lại cơ quan làm biên tập viên.
Mỗi ngày, bài vở của các phóng viên nộp, chú Ba đều bảo tôi đọc, sửa và cho chú xem lại. Trên mỗi bài viết, chú đều phân tích cách viết đúng sai chỗ nào và tôi biên tập đúng, sai chỗ nào. Cứ thế mà tôi học nghề dưới sự chỉ bảo của chú. Chưa bao giờ chú Ba “lên giọng cách mạng” với tôi. Chú ân cần hỏi han về cuộc sống gia đình tôi. Về suy nghĩ của dân Sài Gòn trong cuộc sống mới. Tôi cũng tình thiệt nói về những khó khăn, bức bối. Chú nghe rồi im lặng trầm ngâm.
Chỉ 1 tháng sau, Thông tấn xã Giải Phóng giải tán, để Thông tấn xã Việt Nam tiếp quản. Toàn phân xã của chú cháu chúng tôi dắt díu nhau về nhập vô Báo SGGP. Hết được ưu tiên ở lại cơ quan, tôi cũng làm phóng viên, chạy nhong nhong. Tôi chọn lĩnh vực giáo dục, trong khi chú lãnh đạo khối Kinh tế - Chính trị, và sau này là Phó Tổng Biên tập báo. Vậy là chú cháu không cùng trực tiếp làm việc cùng nhau. Tuy nhiên, mỗi khi gặp lại trong cuộc họp hay hành lang cơ quan, chú lại khuyến khích tôi: “Viết được đấy, ráng lên nghen”.
Chú Ba Giám! Hôm nay tụi cháu tiễn chú về bên kia núi. Nhìn lại cả quãng đời làm báo của chú, nhiều anh em biết cháu được “đồng hành nghiệp báo” cùng chú suốt một đời người, hỏi cháu nghĩ gì? Vâng, đó là một nhà báo yêu nghề, khẳng khái và có tinh thần đổi mới “đi trước thời đại”.
Hôm nay, chú Ba Giám cũng sẽ lặng lẽ hóa thân vào cát bụi. Không ai cưỡng lại được thời gian nhưng khi chọn một phong cách sống tốt, họ có thể để lại niềm thương tiếc cho những người còn ở lại cõi tạm.
Vĩnh biệt chú Ba Giám!
Anh luôn rộng lượng, bao dung
Mới đây, các anh chị trong CLB Truyền thống Báo SGGP còn hẹn nhau tuần tới sẽ đi thăm anh Ba, vậy mà…Với tôi, anh Ba Giám vừa là người anh gần gũi thân thương, vừa là một cán bộ lãnh đạo có tâm có tầm, xứng đáng là tấm gương cho thế hệ làm báo trẻ noi theo. Thương tiếc anh Ba, ký ức xưa bỗng ùa về… Năm 1989, Báo SGGP là tờ nhật báo đầu tiên tuyển phóng viên. Lúc đó tôi là sinh viên mới ra trường, được Tổ chức chính quyền TP phân công về làm ở Đài Truyền thanh huyện Bình Chánh. Một sáng, sau giờ đọc Báo SGGP xong, các anh trong cơ quan gọi tôi, bảo: “Báo SGGP đăng tin tuyển phóng viên đấy, em có đủ tiêu chuẩn thi tuyển thì nên thử sức xem sao…”. Tôi hơi choáng vì thấy mình quá đỗi bé bỏng so nhật báo SGGP. Lúc đó tiếng nói của Báo SGGP rất có uy tín, mỗi anh chị phóng viên là một thương hiệu.
Dẫu lo lắng, nhưng tôi vẫn mạnh dạn tham gia cuộc thi và rất may đã trúng tuyển. Tôi được phân công về Ban Kinh tế do anh Ba Giám làm trưởng ban. Mỗi sáng thứ hai đầu tuần họp giao ban, sau khi các phóng viên tề tựu đông đủ, anh Ba Giám bước vào với nụ cười hiền hậu. Sau cuộc họp giao ban, nhận được sự chỉ đạo của anh, các anh chị phóng viên tỏa đi các nơi săn tin, viết bài… Ngày ấy khí thế làm báo rất sôi động, dưới sự lãnh đạo của anh Ba, tất cả làm việc răm rắp như trong quân đội. Anh rất ít nói, chỉ nói về công việc, về bài vở và nhận xét cái hay, cái dở trong từng bài báo… Dẫu vậy, chỉ cần nhìn ánh mắt cảm thông, chia sẻ của anh là đủ hiểu anh biết rõ từng người, từng việc. Điều quý nhất ở anh Ba là anh luôn rộng lượng, bao dung và tôn trọng mọi người, nhất là lớp phóng viên trẻ...
Anh Ba ơi, dẫu vẫn biết cuộc đời không ai thoát khỏi quy luật sinh tử, nhưng sự ra đi của anh thật đau buồn. Từ nay những người yêu quý anh đã mất đi một tấm lòng nhân hậu, luôn hết lòng vì mọi người…
MINH NGỌC (nguyên PV Ban Chính trị - Xã hội)