
Suốt ngày 21-9, trời cứ rả rích mưa. Một ngày mưa buồn, ảm đạm! Không chỉ những người làm báo Sài Gòn Giải Phóng, mà dường như tất cả bạn bè, đồng nghiệp đều không khỏi đột ngột trước tin nhà báo Võ Hồng Sơn, Phó Tổng biên tập Báo SGGP qua đời. Anh ra đi thật bất ngờ, bởi mới chiều hôm trước, anh còn ngồi ở tòa soạn duyệt bài cho số báo hôm sau. Vậy mà… Cuộc đời “sinh tử khó lường”!

Anh Võ Hồng Sơn (thứ hai từ phải sang) tặng biểu tượng TPHCM cho chủ bút Văn Hối ở Hồng Kông (Trung Quốc).
Chỉ mới 12 ngày cách đây, anh luôn nói cười vui vẻ trước kết quả của đêm truyền hình trực tiếp kỷ niệm sinh nhật 1 năm báo Sài Gòn Giải Phóng 12 Giờ tại Nhà hát Bến Thành, quyên góp được trên 2 tỷ đồng giúp đỡ người nghèo. Là người trực tiếp phụ trách tờ báo buổi chiều duy nhất ở phía Nam, anh hiểu hơn ai hết, để có được sự tồn tại và phát triển như hôm nay, đội ngũ những người làm tờ báo này phải trải qua biết bao gian khổ, thăng trầm trước cuộc cạnh tranh gay gắt của thị trường báo chí rộng lớn, đa dạng với bao yêu cầu khắt khe của bạn đọc.
Tôi có may mắn được gần gũi với anh trong những ngày đầu gian khổ để xây dựng nên tờ báo này. Và tôi cũng học ở anh nhiều điều về sự thẳng thắn, “nóng nảy” nhưng rất bao dung; cần cù trong công việc, đã làm là quyết làm cho bằng được mới thôi.
Giữa năm 2005, Tổng biên tập báo SGGP quyết định thành lập Tổ nghiên cứu xây dựng đề án xuất bản tờ SGGP buổi chiều, trong đó tôi là một thành viên của tổ và anh là tổ trưởng. Ngay hôm sau, anh triệu tập anh em trong tổ lại và giao việc ngay. Anh trăn trở, yêu cầu mọi người tự suy nghĩ phác thảo kế hoạch trước và… cố nghĩ ra cho được cái tên của tờ báo, sao cho đặc thù, sao cho thật ý nghĩa.
Suốt gần ba tháng trời, cái tên “Sài Gòn Giải Phóng buổi chiều” luôn xuất hiện trên các maquette thử và trong dự thảo đề án như là một sự chấp nhận của mọi người. Đùng một cái, hôm sau anh a lô sớm cho mọi người và đưa ra một tờ báo mẫu với manchette là “Sài Gòn Giải Phóng 12 Giờ”. Anh giải thích lý do lấy tên đó và mọi người mới hiểu ra. Anh cười vui, trăn trở, suy nghĩ mãi mấy tháng rồi mới ra được đó.
Khi xin được giấy phép xuất bản tờ báo, anh thiết kế ngay một chuyến công tác nghiên cứu cách làm báo chiều ở Hồng Kông (nơi này có nhiều tờ báo ra buổi chiều). Anh, tôi, anh Lê Tiền Tuyến và một đồng nghiệp ở báo SGGP Hoa văn cùng đi giúp phiên dịch.
Đến Hồng Kông, anh rủ anh em cùng đi bộ dạo phố. Sau đó tôi mới hiểu ý định của anh là đi để xem các sạp báo bán ở ngoài đường như thế nào. Đến sạp nào anh cũng dừng lại thật lâu để xem cách bài trí, ghi chép tên các đầu báo và mua mỗi thứ một tờ. Anh em cười, hỏi anh, “biết đọc không mà mua nhiều vậy?”. Anh không trả lời, chỉ cười. Tối về nhà khách anh đưa hết cho tôi và dặn, “ông giữ kỹ để về còn học người ta cách trình bày, bố trí trang mục, tin bài…”.
Hôm làm việc với Hội Nhà báo Hồng Kông, anh niềm nở, thân thiện với lãnh đạo nhiều tờ báo. Sáng hôm sau nhiều tờ báo đăng tin, ảnh “Đoàn báo SGGP thăm và làm việc tại Hồng Kông”. Cầm tờ báo, anh nói với anh Tuyến và tôi, “mấy ông thấy hông, bạn đối với ta trịnh trọng vậy đó. Chuyến này về phải làm cho ngon nghe mấy ông…”.
Ngày 12-9-2006, Sài Gòn Giải Phóng 12 Giờ ra mắt bạn đọc. Hôm đó, anh chạy lên chạy xuống nhà in, nôn nóng chờ mẻ báo đầu tiên. In xong hơn 20 ngàn bản cũng gần 13 giờ 30. Trời đổ mưa tầm tã. Anh lo lắng, “mưa thế này thì báo bán sao đây?”. Mấy tháng sau, thị trường ở TPHCM tương đối ổn, anh lại lặn lội đi đến Đà Lạt, Cần Thơ, Đà Nẵng tổ chức in và phát hành Báo Sài Gòn Giải Phóng 12 Giờ cùng lúc với TPHCM.
Cách đây vài hôm, anh bảo tôi: “Mấy ông cố gắng phủ báo kín hết quầy sạp ở các quận ven; nhiều chỗ còn mỏng lắm.” Trước ngày ra đi, trưa hôm đó anh còn đứng nhìn đội ngũ cộng tác viên phát hành báo 12 Giờ một cách chăm chú. Anh hỏi một CTV giao báo: “Làm ăn được hông ông?”. Anh CTV trả lời: “Dạ, tạm sống qua ngày chú ạ”. Anh vỗ vai anh CTV và cười: “Ý tui hỏi anh báo bán được hông ấy”.
Từ ngày anh được phân công phụ trách báo Sài Gòn Giải Phóng 12 Giờ, dường như lúc nào anh cũng đau đáu nỗi niềm cho sự phát triển của tờ báo. Những lúc cùng anh em hàn huyên tâm sự, anh luôn tranh thủ nói chuyện về báo 12 Giờ. Có những hôm cùng tiếp khách với anh, gặp một người bạn quen từ khi anh đi học bên Úc, anh liền nhanh nhảu mở cặp lấy tờ báo 12 Giờ ra tặng để tiếp thị ngay. Anh còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần với người bạn ấy, “về đọc, có gì ông góp ý giùm nghen”.
Bao dự định, ước mơ còn dang dở. Vậy mà… anh đã vội ra đi! Anh Năm ơi, nhà báo Hồng Sơn ơi, mọi người thương tiếc anh. Vĩnh biệt anh, vĩnh biệt một con người nhân hậu, luôn tâm huyết với công việc, luôn sống bao dung, nhân ái với mọi người.
Kiều Phan
- Nhớ nhà báo Hồng Sơn: Người có nụ cười thơ trẻ