Vissan và cuộc thanh trừ thịt heo không rõ nguồn gốc

Hôm qua, 12-4, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) công bố sẽ cung cấp 100% thịt heo đạt chứng nhận VietGAP trên toàn bộ 309 điểm bán của Vissan tại các siêu thị trên toàn quốc và 146 điểm tại các chợ truyền thống, kể từ ngày 15-4-2016.
Vissan và cuộc thanh trừ thịt heo không rõ nguồn gốc

Hôm qua, 12-4, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) công bố sẽ cung cấp 100% thịt heo đạt chứng nhận VietGAP trên toàn bộ 309 điểm bán của Vissan tại các siêu thị trên toàn quốc và 146 điểm tại các chợ truyền thống, kể từ ngày 15-4-2016.

Tại các điểm bán này đều có bảng chỉ dẫn thịt heo VietGAP để người tiêu dùng nhận biết. Trong trường hợp Vissan mở rộng thêm điểm bán thịt heo VietGAP sẽ liên tục cập nhật danh sách các điểm bán này trên website chính thức của công ty và trên các phương tiện truyền thông khác.

Điểm bán thịt heo của Vissan

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, hiện nguồn heo VietGAP được Vissan thu mua từ các trang trại đã được chứng nhận, kiểm tra, kiểm soát bởi các cơ quan chuyên môn. Vissan còn tổ chức kiểm tra nhanh chất cấm trên 100% lượng heo thu mua. Tổng số lượng thịt heo VietGAP do Vissan cung ứng ra thị trường dự kiến trung bình 70 tấn/ngày. Với cách làm này, Vissan đã trở thành một trong những doanh nghiệp kiểu mẫu, đi đầu trong vấn đề triển khai kinh doanh thịt heo VietGAP, phần nào giúp người tiêu dùng an tâm khi lựa chọn thịt tươi sống.

Thực tế, để triển khai được điều này, Vissan đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước. Bản thân công ty cũng đã phát triển các trại chăn nuôi của chính mình và đã được công nhận chuỗi thực phẩm an toàn để có thể chủ động được nguồn cung ứng hàng hóa. Ngoài ra, Vissan cũng tăng cường đầu tư, hợp tác với nhiều đối tác như Công ty De Heus (Hà Lan), cũng như đã tạo động lực cho hàng trăm hộ chăn nuôi đang tham gia vào quá trình thực hành nông nghiệp tốt để đạt chứng nhận VietGAP.

Vấn đề còn lại là làm thế nào để quản lý tốt nguồn hàng, tránh tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, ông Văn Đức Mười cho biết, công ty đã tiến hành thanh trừ tất cả các hộ chăn nuôi không theo quy trình VietGAP ra khỏi danh sách, đồng thời với các điểm bán đều phải tiến hành đăng ký kinh doanh heo VietGAP với các cơ quan chức năng, cũng như Vissan. Với các hộ chăn nuôi theo chuẩn VietGAP, nếu phát hiện gian lận hoặc sai phạm, Vissan sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý kiên quyết. Ở đơn vị trực thuộc Vissan, nếu không chấp hành nghiêm các tiêu chí cam kết trong cung ứng, kinh doanh thịt VietGAP thì giám đốc các đơn vị này sẽ bị cách chức!

Tuy vậy, theo ông Mười, một mình Vissan không thể làm nổi, cần có sự vào cuộc từ nhiều phía. Công ty cũng yêu cầu ngành thú y bố trí lực lượng, tiến hành kiểm soát chặt quy trình sản xuất từ các vệ tinh chăn nuôi cho đến công đoạn giết mổ, còn Sở Công thương, nếu các điểm bán không đăng ký trước với sở sẽ không được cung ứng thịt VietGAP. Mặt khác, để có thể kiểm soát được chất cấm trong chăn nuôi heo, cần tiến hành thực hiện việc giết mổ theo quy trình tập trung mới có thể làm được.

Chủ trương thúc đẩy cung cấp nguồn hàng đạt chứng nhận VietGAP của UBND TPHCM nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các sở, ngành, doanh nghiệp, đặc biệt là người tiêu dùng thành phố. Đây là động lực để ngành chăn nuôi đi vào nề nếp, đảm bảo chất lượng, thúc đẩy ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển. Thiết nghĩ, điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi ngành chăn nuôi nước ta đang đứng trước những thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế. Đây cũng là tín hiệu tốt, một hướng đi tất yếu của nhu cầu thị trường.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục