VNPT: “Đại phẫu” xong sẽ ra sao?

Cuộc tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã từng trở thành đề tài nóng của báo chí trong một thời gian dài. Mới đây, lãnh đạo VNPT cho biết, lộ trình tái cơ cấu sẽ hoàn thành khi chuyển giao xong tất cả trung tâm kinh doanh trực thuộc VNPT các tỉnh, thành về Tổng Công ty VNPT Vinaphone. Sau một thời gian khá dài, gần như “nằm im” để thực hiện tái cơ cấu, vậy khi xong rồi, VNPT sẽ ra sao?
VNPT: “Đại phẫu” xong sẽ ra sao?

Cuộc tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã từng trở thành đề tài nóng của báo chí trong một thời gian dài. Mới đây, lãnh đạo VNPT cho biết, lộ trình tái cơ cấu sẽ hoàn thành khi chuyển giao xong tất cả trung tâm kinh doanh trực thuộc VNPT các tỉnh, thành về Tổng Công ty VNPT Vinaphone. Sau một thời gian khá dài, gần như “nằm im” để thực hiện tái cơ cấu, vậy khi xong rồi, VNPT sẽ ra sao?

VNPT: “Đại phẫu” xong sẽ ra sao? ảnh 1

Xong mà... chưa xong!

Quá trình tái cơ cấu của VNPT coi như cơ bản được hoàn thành với việc ra mắt và đi vào hoạt động của 3 tổng công ty: VNPT Media, VNPT Net và VNPT Vinaphone hồi tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, hàng loạt công việc đang được VNPT tiếp tục thực hiện trong lộ trình tái cơ cấu này. Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục triển khai thực hiện thoái vốn của mình tại các công ty cổ phần đúng theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt và theo chỉ đạo của Bộ TT-TT.

Ngoài việc thực hiện thủ tục thoái vốn của VNPT tại 62 công ty cổ phần, hiện tại VNPT đang phối hợp với các cơ quan chức năng để làm thủ tục thoái vốn tại hai đơn vị lớn là Ngân hàng TMCP Hàng hải và Công ty Tài chính Bưu điện. Cùng với đó, VNPT đã thực hiện chuyển giao 6 trung tâm kinh doanh trực thuộc VNPT tỉnh về VNPT Vinaphone. Theo kế hoạch từ 1-10 sẽ tiếp tục chuyển giao 57 trung tâm kinh doanh của VNPT các tỉnh, thành còn lại về VNPT Vinaphone. Lãnh đạo VNPT cũng như lãnh đạo Bộ TT-TT đều cho rằng, lộ trình tái cơ cấu VNPT sẽ hoàn tất khi VNPT chuyển giao xong 57 trung tâm kinh doanh của VNPT các tỉnh về VNPT Vinaphone.

Theo ông Phạm Đức Long, điểm khó khăn nhất trong tái cấu trúc VNPT không phải là thoái vốn, thành lập các tổng công ty, sắp xếp lao động… mà chính là thay đổi nhận thức của tất cả cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp này (gần 40.000 người). Đó chính là phải thay đổi chiến lược quản trị, kinh doanh của hệ thống VNPT ở 63 tỉnh, thành. Đây chính là phần khó khăn nhất, chiếm nhiều thời gian nhất. VNPT sẽ ban hành quy chế luân chuyển lao động, bao gồm cả người quản lý. Mỗi năm sẽ luân chuyển 10% - 20% để tạo môi trường, động lực cho người lao động, tăng cường thực tiễn.

Tìm lại số 1

VNPT là một trong những doanh nghiệp lớn của nhà nước, có lịch sử lâu đời và từng chiếm vị trí độc tôn trong lĩnh vực viễn thông và bưu chính. Đây cũng là doanh nghiệp từng đi đầu trong đổi mới của lĩnh vực kinh tế Việt Nam cách đây 30 năm; dẫn dắt sự phát triển thần kỳ của ngành viễn thông - CNTT đất nước. Thế nhưng, những năm gần đây, khi công nghệ và thị trường viễn thông, CNTT và bưu chính thay đổi chóng mặt thì VNPT lộ sự trì trệ, tụt hậu. Quá trình tái cơ cấu của VNPT là bắt buộc và không thể tránh được. Cuộc “đại phẫu” bắt đầu với việc tách Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam ra khỏi VNPT vào năm 2012, nhưng nó thực sự sâu rộng, quyết liệt sau khi có Quyết định 888 (ngày 10-6-2014) của Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT giai đoạn 2014 - 2015. Theo Quyết định 888, bên cạnh việc phải thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành nghề, tinh giản lại bộ máy, thì VNPT phải “giao trả” một số doanh nghiệp mà VNPT đã hết sức tâm huyết trong lịch sử của mình, đó là mạng di động Mobifone, Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông, Bệnh viện Bưu điện... Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV VNPT, biết vậy, nhưng không thể khác được, bởi nếu không thực hiện tái cơ cấu thì tương lai VNPT sẽ không biết về đâu!

Cũng theo ông Hùng, ngay khi có Quyết định 888, VNPT đã đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Sau khoảng 1 năm, 3 tổng công ty (VNPT Vinaphone, VNPT Media, VNPT Net) đã chính thức đi vào hoạt động và đang tiếp tục hoàn thiện để ổn định, phát huy hiệu quả. Ông Hùng cho biết, dù còn phải đối mặt và vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, song những kết quả bước đầu đạt được trong quá trình thực hiện tái cơ cấu đã chứng minh “con thuyền” VNPT đi đúng hướng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng lợi nhuận của VNPT đã tăng trưởng 30,1%, tổng doanh thu tăng 9,7%...

 Theo ông Trần Mạnh Hùng, đến tháng 6-2015, VNPT đã có 15.316 trạm 3G (gấp 2,5 lần năm 2010), dự kiến đến cuối năm 2015 có 20.000 trạm thu phát sóng 3G. Hết tháng 10-2015, Vinaphone sẽ có vùng phủ sóng 3G rộng nhất với mật độ phủ chiếm 90% diện tích Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2020 của VNPT Vinaphone là đạt doanh thu 83.500 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 3.300 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 49%/năm; chiếm 30% thị phần dịch vụ di động và trên 80% dịch vụ băng rộng.
 

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục