Vô cảm và thiếu trách nhiệm

Ngày 30-11-2011, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm vụ án bảo vệ quán cơm Minh Đức đánh hội đồng thực khách và đã tuyên phạt Bùi Đình Hoàng (SN 1988), Dương Trọng Nghĩa (SN 1991), Nguyễn Minh Dương (SN 1979) mỗi bị cáo 9 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”. Phiên tòa khép lại nhưng nhiều điều trăn trở lại mở ra quanh thái độ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Ngày 30-11-2011, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm vụ án bảo vệ quán cơm Minh Đức đánh hội đồng thực khách và đã tuyên phạt Bùi Đình Hoàng (SN 1988), Dương Trọng Nghĩa (SN 1991), Nguyễn Minh Dương (SN 1979) mỗi bị cáo 9 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”. Phiên tòa khép lại nhưng nhiều điều trăn trở lại mở ra quanh thái độ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Còn nhớ, tối 30-7-2010, dân cư ngụ xung quanh khu vực quán cơm Minh Đức tại số 35 Tôn Thất Tùng phường Phạm Ngũ Lão quận 1 và người đi đường phải một phen kinh hãi chứng kiến cảnh 3 nhân viên bảo vệ Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ mô tô Thành Công – đang làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ xe cho quán – đánh hội đồng khách hàng của quán là ông Lê Văn Ngai (SN 1950, Việt kiều Hà Lan).

Xuất phát từ mâu thuẫn trong việc lấy xe cho ông Ngai, các bị cáo Hoàng, Nghĩa, Dương đã đánh túi bụi và dùng roi điện chích ông Ngai. Hậu quả là ông Ngai bị thương tật 8% vĩnh viễn.

Vi phạm pháp luật ắt phải bị pháp luật trừng phạt. Thế nhưng, điều khiến dư luận bức xúc chính là thái độ vô trách nhiệm, vô cảm của Công ty Thành Công. Lời khai tại phiên tòa cho thấy các bị cáo Hoàng, Nghĩa, Dương đều chưa được Công ty Thành Công ký hợp đồng lao động, chưa được đào tạo nghiệp vụ bảo vệ theo quy định. Vì thế, khi xảy ra va chạm trong quá trình làm việc, họ không thể xử lý tình huống tốt.

Nguy hiểm hơn, dù chưa hướng dẫn cách sử dụng công cụ hỗ trợ, Công ty Thành Công lại giao roi điện cho các nhân viên bảo vệ sử dụng. Chính điều này đã góp phần tạo sự manh động nơi các bị cáo. Chưa hết, theo lời ông Ngai, khi nhận được điện thoại của Hoàng thông báo vụ việc, một số nhân viên bảo vệ khác của Công ty Thành Công dưới danh nghĩa đến quán cơm Minh Đức giải quyết sự cố tiếp tục xông vào đánh ông Ngai thay vì đưa ông đi bệnh viện.

Vi phạm hàng loạt quy định tại Nghị định 52/2008/NĐ-CP ngày 22-4-2008 của Chính phủ về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ nhưng Công ty Thành Công lại đẩy hết trách nhiệm về phía các bị cáo, không chấp nhận bồi thường theo yêu cầu của người bị hại. Do vậy, việc hội đồng xét xử tuyên buộc công ty phải bồi thường tiền viện phí và tổn thất về tinh thần tổng cộng 51,9 triệu đồng chính là sự khẳng định về trách nhiệm không thể chối bỏ của công ty.

Về phần quán cơm Minh Đức cũng thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với khách hàng. Ông Ngai bị nhân viên bảo vệ quán đánh nhưng nhân viên của quán không can thiệp, thậm chí khi ông chạy ngược lại vào quán xin giúp đỡ nhân viên quán vẫn bỏ mặc. Chỉ đến khi Công an phường Phạm Ngũ Lão quận 1 đến hiện trường, ông Ngai mới được giải cứu, đưa đi bệnh viện.

Vậy nhưng, khi trả lời thẩm vấn hội đồng xét xử, đại diện quán cơm Minh Đức lại biện bạch rằng nhân viên, quản lý của quán không hay biết chuyện này nên không giúp đỡ được ông Ngai (?!); đồng thời đổ lỗi cho Công ty Thành Công cung cấp nhân viên bảo vệ không đạt yêu cầu. Những lời thanh minh thiếu thuyết phục này đã không nhận được sự đồng tình từ nhiều người tham dự phiên tòa.

Có một thực tế là hiện nay không ít nhân viên bảo vệ của các công ty dịch vụ bảo vệ do không được đào tạo nên có lối cư xử thiếu văn hóa, cứ ngỡ rằng chỉ cần mặc đồng phục, được phát công cụ hỗ trợ là có quyền muốn làm gì thì làm. Đã có không ít trường hợp nhân viên bảo vệ thay vì góp phần giữ gìn an ninh trật tự lại gây thương tích cho người dân nhưng ít vụ nào bị xử lý hình sự.

Phiên tòa này là lời cảnh báo những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ: không được phép xem thường pháp luật với lối hành xử côn đồ, thiếu trách nhiệm!  

ÁI CHÂN

- Thông tin liên quan:

>> 3 bảo vệ đánh Việt kiều tại quán cơm Minh Đức lãnh 27 tháng tù giam

Tin cùng chuyên mục