Aikido

Võ đạo của tình thương

Võ đạo của tình thương

Các đòn phản công của Aikido chủ yếu là vô hiệu hóa (neutralize) đòn đánh của địch thủ bằng các thế khóa (lock) hoặc ném đối phương ra xa (project), chú trọng việc khống chế đối phương để bảo vệ mình nhưng không làm hại đối phương.

Võ đạo của tình thương ảnh 1

Đại tổ sư Morihei Ueshiba.

Aikido của Nico hớp hồn khán giả với những đòn thế nhanh như chớp, vô hiệu hóa đòn tấn công của đối thủ một cách hiệu quả; đặc biệt trong những đòn tay không chống vũ khí và một chọi số đông. Thực ra, không cần các kỹ xảo của điện ảnh, một võ sinh Aikido nhỏ nhắn vẫn có thể tay không quật ngã địch thủ to cao hơn có dao, kiếm trong tay. Aikido là môn võ tuyệt vời dành cho người yếu chống lại kẻ mạnh, rất phù hợp với thể trạng của người châu Á. Đó là đặc điểm ưu việt của Aikido.

Người sáng lập Aikido là ông Morihei Ueshiba, người mà các môn đệ trân trọng gọi là O-sansei (Đại Tổ sư), sinh năm 1883 ở Tanabe, một thị trấn ven biển phía Nam Nhật Bản. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã học nhiều môn võ khác nhau, bao gồm sumo, kiếm thuật, thương thuật, côn thuật và một số trường phái nhu thuật, chủ yếu là phái Yagyu và phái Daito.

Cuộc đời của ông phải chứng kiến nước Nhật dính líu vào các cuộc chiến tranh tàn khốc nhất của thế kỷ 20. Chính khoảng thời gian này ông sáng lập ra môn phái Aikido và tuyên bố Aikido là phương thức liên kết mọi người trên thế giới lại trong hòa bình. Khi việc luyện tập võ nghệ được sử dụng không phải là phương tiện đánh nhau với kẻ khác mà là phương tiện để hoàn thiện bản thân thì có thể gọi đó là Budo (Võ đạo). Câu nói nổi tiếng của ông, chứa đựng bản chất tinh thần của Aikido là: “Chính Thắng Ngã Thắng” (Masakatsu Agatsu - Chiến thắng thật sự là chiến thắng chính bản thân mình).

Võ đạo của tình thương ảnh 2

Sau khi mất vào ngày 26-4-1969, ông vinh dự nhận được huân chương Hoàng gia Nhật Bản vì những cống hiến độc nhất vô nhị của mình. Tuy nhiên, bên cạnh sự nổi tiếng và sự kính trọng, cái dẫn đến sự phát triển kỳ diệu của Aikido chính là sự hòa hợp giữa tâm hồn và vũ trụ, chính là những hiểu biết về Võ đạo mà ông đã để lại cho nhân loại. Không chỉ ở Nhật Bản, những triết lý thanh cao và ý chí của samurai (võ sĩ đạo) đã trở thành một phần của nền văn minh thế giới.

Aikido thực sự phát triển mạnh tại Sài Gòn từ năm 1958, do võ sư Đặng Thông Trị, du học sinh từ Pháp về với cấp đai nhị đẳng (nidan). Ông sinh năm 1928 tại Huế, thuở nhỏ đã tập luyện tại Hàn Bái Đường với võ sư Nguyễn Anh Tài.

Aikido là môn võ tự vệ có nguồn gốc từ Nhật Bản. Trước 1975, môn võ này được biết dưới tên Hiệp Khí Đạo. Aikido nổi tiếng thế giới và Việt Nam nói riêng một phần nhờ công sức của tài tử đẹp trai Hollywood Steven Seagal, với vai diễn chàng thám tử tài ba trừ gian diệt bạo Nico.

Trong thời gian du học tại Pháp, ông luyện Aikido và Judo với hai võ sư người Nhật là Tadashi Abe và Mutsuno Nakazono. Trở về Việt Nam, ông phát triển nhiều đạo đường từ năm 1960 mà nổi tiếng nhất là Tenshinkai (Thiên Tâm) ở đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ - Đa Kao). Thầy ông, võ sư Mutsuno Nakazonom - huyền đai bát đẳng Aikido (hachidan), cũng đã đến thăm Việt Nam và góp phần khuếch trương môn võ đạo này. Võ sư Đặng Thông Trị được Tổng Đàn Aikikai Nhật Bản phong huyền đai lục đẳng (rodukan). Cho đến 1975, em trai ông là võ sư Đặng Thông Phong huyền đai tam đẳng (sandan) nối nghiệp truyền bá môn võ Aikido tại Sài Gòn.

Theo Tổng đàn Aikikai Nhật Bản, hiện nay có các cấp đai: trắng, vàng, cam, đỏ, xanh, nâu, đen. Trên huyền đai cũng sử dụng như trong Judo: nhất đẳng (shodan), nhị đẳng (nidan), tam đẳng (sandan), tứ đẳng (yodan), ngũ đẳng (godan), lục đẳng (rokudan), thất đẳng (shichidan), bát đẳng (hachidan), cửu đẳng (kudan) và thập đẳng (judan).

PHAN VŨ SÔNG MÂY
 (đạo đường Shindokan – 25 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q1, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục