Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 đã trút một lượng mưa lớn ròng rã suốt ngày và đêm 8-8 kéo sang sáng 9-8 xuống Hà Nội và khắp các tỉnh Bắc bộ. Từ trưa 9-8, trời đã tạnh nhưng do nước lũ dồn về, đê sông Nhuệ nằm ngay ngoại ô TP Hà Nội đã vỡ, tràn.
Cùng với sông Tô Lịch, sông Nhuệ từ lâu đã là kênh tiêu thoát chính cho toàn bộ lưu vực phía Tây Hà Nội (gồm cả vùng nội thành và Hà Tây cũ). Đợt mưa vào rạng sáng 9-8, nhiều đoạn tuyến trên hệ thống sông Nhuệ đã bị tràn, vỡ tại nhiều điểm. Như điểm trên kênh liên tỉnh cống Đồng Tép (Tây Mỗ), vỡ khu vực cầu Ngà 60m, tràn toàn bộ tuyến đê từ cầu Sắt tới cầu Ngà (Tây Mỗ) 500m, tràn và vỡ lở nhỏ trên sông Pheo (Tây Tựu). Để khắc phục sự cố, Ban chỉ huy Phòng chống lục bão (BCH PCLB) huyện Từ Liêm đã phải huy động lực lượng bộ đội, công an, dân quân địa phương cùng bà con tham gia đắp đê, ứng phó sự cố.
Thượng tá Nguyễn Hữu Linh, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, Ban chỉ huy Quân sự huyện Từ Liêm, Bộ Tư lệnh thủ đô, cho hay, từ 3 giờ sáng 9-8, khi nhận được thông tin sự cố, BCH Quân sự huyện đã huy động 150 chiến sĩ của Tiểu đoàn Thiết giáp 47, 20 cán bộ thuộc BCH Quân sự huyện, 30 chiến sĩ thuộc K83, chiến sĩ thuộc C1 vận tải cùng lực lượng các ban ngành, dân quân tự vệ trên địa bàn xã Xuân Phương và Tây Mỗ tham gia khắc phục sự cố.
Đến 10 giờ sáng qua, cơ bản các điểm tràn, vỡ đã được gia cố xong bằng cọc và bao tải cát. Thượng tá Nguyễn Hữu Linh cho hay, với những điểm vỡ, ban đầu các chiến sĩ phải dàn thành hàng ngang, lấy thân mình chặn dòng nước để đóng cọc, gia cố bờ bao.
Đến chiều 9-8 tiếp tục xuất hiện một điểm sạt lở khu vực cầu Sắt kéo dài 200m. BCH PCLB huyện Từ Liêm đã phải huy động hơn 100 người gồm các chiến sĩ thuộc BCH Quân sự huyện và bà con gia cố. Đến tối cùng ngày, các điểm tràn, vỡ đã cơ bản được khắp phục xong. Song theo nhận định của Thượng tá Nguyễn Hữu Linh, đê sông Nhuệ hiện còn nhiều điểm rất yếu, ngay tại các điểm đã được gia cố, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. “Nước rút rất chậm, đến tối 9-8, nước mới chỉ xuống được 2-3cm. Chỉ lo nhất mưa lại đổ xuống”.
Không chỉ dọc lưu vực sông Nhuệ, đến chiều 9-8, khắp các huyện trên địa bàn ngoại thành Hà Nội vẫn ngập nước. Thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho thấy, hiện có 9.798ha bị ngập sâu trong nước.
Để cứu cây trồng, các đơn vị thủy lợi đã vận hành 193 trạm bơm với 1.004 máy bơm, tổng lưu lượng 2.500 m3/giờ. Đặc biệt, để giảm áp lực cho sông Nhuệ, chiều qua, BCH PCLB TP Hà Nội đã quyết định mở đập Thanh Liệt, đưa nước vào sông Tô Lịch rồi bơm qua trạm bơm Yên Sở ra sông Hồng. Trước lo ngại về việc để nước chảy ngược vào nội thành, nguy cơ ngập úng, ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh văn phòng BCH PCLB Hà Nội cho hay, chỉ mở 20% đập Thanh Liệt, hơn nữa, lượng nước đưa từ sông Nhuệ vào sông Tô Lịch đều được tính toán và điều tiết, vì vậy, không có khả năng gây ngập cho vùng nội thành.
VĂN PHÚC