Vô địch Olympic có dễ phát tài?

Vô địch Olympic có dễ phát tài?

Các “người hùng” thể thao như Michael Phelps hay Usain Bolt đều chắc chắn có một tương lai sáng sau Olympic Bắc Kinh khi được giới quảng cáo săn đón với những “hợp đồng triệu đô”. Thế nhưng có phải cả 293 chủ nhân HCV đều sẽ dễ dàng... phát tài?

Nhiều cơ hội mở ra...

Vô địch Olympic có dễ phát tài? ảnh 1
Eamon Sullivan và Stephanie Rice

Với một số VĐV, chiếc HCV Olympic có thể nhanh chóng biến thành tiền, như VĐV Mỹ gốc Nga Nastia Liukin, 18 tuổi, vô địch toàn năng thể dục dụng cụ. Cha cô, Valery Liukin (từng đoạt 2 HCV thể dục dụng cụ cho Liên Xô cũ tại Olympic Seoul 1988) cho rằng, đã đến thời điểm sự nổi tiếng giúp cô tăng thu nhập để bảo đảm cho cuộc sống tương lai.

Theo Evan Morgenstein, thuộc Premier Management Group, người đại diện của Liukin, cô có đủ tất cả yếu tố để từ một VĐV hàng đầu trở thành “sao”. Đó là ngoại hình, tính cách, biết vượt qua chấn thương để thành công, chưa kể cô còn có người cha nổi tiếng. Morgenstein nói tại sự kiện do một trong 15 nhà tài trợ của Liukin là Visa tổ chức: “Cô có ngoại hình và lấy được tình cảm người Mỹ. Không phải ai cũng có một câu chuyện, cũng có tất cả yếu tố đó. Nên cô có tương lai chắc chắn nhờ những gì đã đạt được và cách cô đạt được. Nhiều công ty đang mời gọi cô làm mẫu”.

Nhiều VĐV trước khi đến Olympic Bắc Kinh cũng đã có tên tuổi với giới quảng cáo. VĐV nhảy sào Nga giữ kỷ lục thế giới, Yelena Isinbayeva, 26 tuổi, đã có hợp đồng 1,2 triệu USD với Toshiba và nay càng có giá sau khi đoạt HCV ở Bắc Kinh. Tay bơi nữ rất ăn ảnh của Australia, Stephanie Rice, 20 tuổi, trước Bắc Kinh đã là ngôi sao quảng cáo đồ tắm cùng bạn trai cũ, tay bơi Eamon Sullivan, cũng đại diện Australia ở Bắc Kinh.

Rice đã đoạt 3 HCV ở Bắc Kinh và nhanh chóng được truyền thông Australia gọi là “cô bé nước triệu đô”. Một số VĐV cũng rời Bắc Kinh đầy triển vọng như 2 VĐV Anh, tay bơi nữ Rebecca Adlington và cua rơ Chris Hoy, có nhiều cơ hội tiếp thị trước Olympic London 2012. Cả một số “lão tướng” như tay bơi nữ Mỹ, Dara Torres, 41 tuổi, VĐV marathon Anh, Paula Radcliffe, 34 tuổi, cũng kiếm được các hợp đồng lớn với sản phẩm cho phụ nữ trên 30 tuổi. Hay tay bơi nữ Mỹ, Amanda Beard, người được đồn là bạn gái kình ngư Michael Phelps, tuy không có HCV ở Bắc Kinh nhưng qua Olympic, có thêm rất nhiều người biết cô là một người mẫu.

...nhưng không cho tất cả

Vô địch Olympic có dễ phát tài? ảnh 2

Michael Phelps cùng 8 HCV lên bìa Sports Illustrated số ngày 25-8

Dù lượng khán giả xem Olympic Bắc Kinh đạt kỷ lục, ước đến 1,2 tỷ trên toàn cầu nhưng theo Morgenstein, không hy vọng có thêm nhiều ngôi sao thể thao nổi lên hậu Olympic nhiều hơn các kỳ trước: “Sẽ có những VĐV hàng đầu bùng nổ. Nhiều cơ hội nhỏ hơn dành cho nhiều VĐV khác nhưng họ không thể nổi lên hàng đầu”. Nhiều đội tuyển quốc gia có thêm những nhà vô địch để tự hào nhưng chờ 4 năm, kỳ Olympic tới để tiếp tục tỏa sáng là quá lâu.

Theo Peter Walshe, giám đốc thương hiệu toàn cầu của hãng nghiên cứu tiếp thị Millward Brown, chỉ một số VĐV vẫn sáng trong thời gian chờ đợi đó, nhờ truyền thông.

Các VĐV Olympic thường do chính phủ của họ trả lương nhưng một số người có thu nhập chính nhờ các nhà tài trợ và thỉnh thoảng từ các giải thưởng... Theo David Clarke, Học viện Kinh doanh thể thao USC, họ cần có sức bật mới để vượt lên cả chiến thắng Olympic của mình.

Các chuyên gia tiếp thị cho biết, VĐV muốn thành “sao” cũng còn tùy thuộc quốc tịch và môn thể thao họ chơi. Có 3 nhóm chính, hàng đầu là VĐV các môn như tennis, bóng rổ, bóng đá... có thu nhập cao quanh năm và có nhiều VĐV triệu phú. Thứ nhì là VĐV các môn Olympic thu hút khán giả truyền hình và tài trợ như bơi, điền kinh, thể dục... Nhóm cuối là các môn ít được quan tâm dù có thành công lớn như cử tạ, vật...

Walshe nói: “Olympic có thể là cánh cửa tốt mở vào tương lai nhưng sự thành công tùy thuộc vào việc VĐV phải tạo được sự khác biệt. Chỉ là nhà vô địch thì chưa có gì đảm bảo”. Có những VĐV phải làm những việc bình thường để có tiền cho đam mê thể thao, như Howard Bach, VĐV cầu lông nam của Mỹ, đã tốt nghiệp kinh doanh, không đủ sống chỉ nhờ đánh cầu lông: “Năm ngoái, tôi không kiếm được nhiều, chỉ khoảng 20.000 USD. Tôi phải làm thêm công việc thu ngân bình thường ở Home Depot” .

HỒNG CHUYÊN (theo Reuters)

Tin cùng chuyên mục