Sau rất nhiều nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) tại các thành phố lớn Hà Nội, TPHCM không những không giảm mà đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiều bất cập trong tổ chức, quản lý an toàn giao thông và giải pháp khả thi đã được đưa ra tại hội nghị An toàn giao thông toàn quốc 2016, tổ chức ngày 22-12 tại Hà Nội, do Phó Thủ tướng Thường trực kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình chủ trì.
Các phương tiện giao thông ùn tắc kéo dài trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM. Ảnh: Thành Trí
Không thể cải thiện hạ tầng
Trước đây, nói đến giao thông TPHCM là nói đến những vụ UTGT kéo dài tập trung ở những điểm ra vào sân bay, bến xe hoặc ở những vòng xoay, ngã tư, ngã năm, những cửa ngõ ra vào thành phố, với những cái tên “nổi tiếng” như cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13, ngã tư Bình Triệu, quốc lộ 1A... Nhưng hiện nay, tình trạng ùn tắc đã lan rộng trên toàn địa bàn, có thể xảy ra mọi nơi, mọi lúc khiến người tham gia giao thông “chạy trời không khỏi nắng”. Mọi nỗ lực của địa phương và các cơ quan chức năng như tích cực phân luồng, điều khiển giao thông, cải tạo và mở rộng các nút giao thông, đầu tư xây dựng hệ thống bến bãi và phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng… dường như đã quá “hụt hơi” so với tốc độ gia tăng phương tiện.
Theo TS Đào Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Thông tin - Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, đây là hệ quả tất yếu của việc phá vỡ quy hoạch đô thị, khi hàng loạt các công trình xây dựng dân dụng vẫn đang tiếp tục mọc lên dày đặc trong nội đô, gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông, cùng với việc người tham gia giao thông từ chối phương tiện công cộng do chưa đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, việc cải thiện hạ tầng giao thông gần như là bất khả thi bởi các nhà quản lý không thể xén thêm vỉa hè để mở rộng phần xe chạy, không thể kéo dài khoảng cách giữa các nút cho thuận tiện trong tổ chức giao thông, không thể phá nhà, công trình để làm đường vì đền bù quá lớn và thủ tục phức tạp…
Việc xây cầu vượt là một trong những giải pháp khá hữu ích nhưng tốn kém và chỉ mang tính chất tình thế. Trong bối cảnh đó, một số giải pháp hữu hiệu mang tính bền vững để giải quyết tình trạng quá tải hạ tầng giao thông là di dời các trường, cơ quan có quy mô lớn ra khỏi phạm vi vành đai; kiểm soát cấp phép đầu tư xây dựng các tòa nhà cao tầng; thực hiện các chính sách hạn chế phương tiện cá nhân; điều chỉnh giờ làm việc… lại được thực hiện nửa vời và gây nhiều tranh cãi.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương cùng các nhà khoa học phải khẩn trương tìm ra các giải pháp kiểm soát, kiềm chế kéo giảm UTGT tại hai đô thị lớn Hà Nội và TPHCM; nghiên cứu tác động, thay đổi hành vi của người tham gia giao thông. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của năm 2017 bởi tình trạng UTGT trầm trọng kéo dài đang làm xấu đi hình ảnh, đồng thời cũng làm mất đi nhiều cơ hội của các đô thị lớn trong cả nước.
Dù đã tối, các phương tiện giao thông vẫn bị ùn tắc trên đường Phạm Hùng, quận 8, TPHCM (ảnh chụp tối 22-12). Ảnh: CAO THĂNG
Giao thông công cộng phải thuận tiện
Một trong những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm kéo giảm UTGT là phát triển giao thông công cộng. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là sau nhiều năm liên tục gia tăng số người sử dụng xe buýt, đến năm 2016, lần đầu tiên lượng hành khách xe buýt ở cả Hà Nội và TPHCM lại bị sụt giảm.
Theo ông Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp của dự án JICA, nguyên nhân chính là do số đông người dân đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ giao thông công cộng, đặc biệt là những cư dân sống trong các ngõ, ngách sâu và trong các khu đô thị. Trong mạng lưới ngõ ngách dày đặc và dài dằng dặc tại các đô thị lớn, hàng vạn người dân gần như chỉ có cách duy nhất là đi xe máy, xe đạp, dù muốn cũng không thể dùng xe buýt. Tương tự, tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu công nghệ, các cư dân rất khó khăn để tiếp cận xe buýt vì chỉ có 1 - 2 điểm đón xe ở cạnh vành ngoài khu đô thị. Điển hình là Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), rộng tới 1.586ha nhưng chỉ có 2 điểm dừng đón ở bên rìa.
Như vậy, để người dân sử dụng phương tiện công cộng cần phải thuận tiện, nếu không cải thiện vấn đề này thì Nhà nước có bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư giao thông công cộng như đường sắt đô thị, metro, buýt nhanh… cũng vô tác dụng. Giải pháp “gửi và đi” đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, với các quy mô khác nhau. Nghĩa là người dân có thể gửi xe đạp, xe máy gần bến để đi phương tiện công cộng, khi nào xong việc lại quay về nhận lại xe của mình. Nếu làm được như vậy, vùng phục vụ của phương tiện công cộng có thể có bán kính tới 2km, tức là bán kính tăng gấp 4 lần và diện tích bao phủ tăng gấp 16 lần so với việc đi bộ đến bến như hiện nay.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Đức, trong bối cảnh diện tích dành cho giao thông tĩnh đang vô cùng hạn hẹp, việc tổ chức các điểm trông giữ phương tiện cá nhân, trước mắt là xe máy, xe đạp không đơn giản nhưng không phải là không thể thực hiện được.
Để người dân tiếp cận giao thông công cộng, các chuyên gia cũng cho rằng, điều quan trọng cần phải làm là thay đổi quan niệm “giao thông công cộng chỉ dành cho tầng lớp thu nhập thấp”. Tại những nước tiên tiến như Nhật Bản, Anh hay Singapore… các nguyên thủ quốc gia vẫn sử dụng giao thông công cộng. Hiện chất lượng dịch vụ của xe buýt đã được nâng lên rất nhiều nhưng vẫn cần tiếp tục nỗ lực cải thiện để có thể đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp “trung lưu”.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để hạn chế phương tiện cá nhân, nên ưu tiên các biện pháp đánh vào kinh tế hoặc các biện pháp có sự hợp tác của các công ty, tổ chức hơn là biện pháp hành chính. Ví dụ biện pháp thu phí đỗ xe ở khu vực nội đô cao, các cơ quan chính phủ hoặc các công ty đưa ra nội quy yêu cầu không được dùng ô tô riêng đi làm và có hỗ trợ tài chính đối với những người sử dụng phương tiện công cộng. Để lập lại trật tự ATGT, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến bản lĩnh của nhà chức trách. Khi đưa ra các biện pháp phát triển giao thông công cộng, nhiều khi các nhà chức trách vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Điều quan trọng là sau khi có xem xét nghiên cứu đầy đủ, nếu thấy khả năng thành công cao hơn thất bại, nhà chức trách kiên trì để đưa các biện pháp thích hợp vào áp dụng. Ví dụ tại Tokyo, nhiều ý kiến phản đối kịch liệt khi các nhà chức trách đưa ra quy định phí đỗ xe cao, nhưng chính sự tự tin và kiên trì của Tokyo mà biện pháp này đã đem lại hiệu quả.
BÍCH QUYÊN