Vòi nước công cộng

Tất nhiên vòi nước công cộng ở Hà Nội phải ra đời sau khi Nhà máy nước Yên Phụ đi vào hoạt động năm 1896. Nhà máy nước Yên Phụ được người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1894 khi họ thăm dò ra một mạch nước ngầm vĩ đại ngay bên bờ sông Hồng. Trước đó thì vẫn “em ơi Hà Nội giếng!”.
Vòi nước công cộng

Tất nhiên vòi nước công cộng ở Hà Nội phải ra đời sau khi Nhà máy nước Yên Phụ đi vào hoạt động năm 1896. Nhà máy nước Yên Phụ được người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1894 khi họ thăm dò ra một mạch nước ngầm vĩ đại ngay bên bờ sông Hồng. Trước đó thì vẫn “em ơi Hà Nội giếng!”.

Sau hòa bình năm 1954 của thế kỷ trước, Hà Nội vẫn còn khá nhiều vòi nước công cộng từ thời Pháp để lại. Đó là những vòi nước đúc bằng gang như tác phẩm điêu khắc hoa lá tinh xảo mang nguyên bản từ Pháp sang. Trên các con phố nội thành kéo dài ra những cửa ô lắp nhiều vòi nước như thế. Càng xa trung tâm, số vòi nước công cộng càng nhiều. Đơn giản vì trong nội đô, nhất là khu hành chính thuộc địa, tất cả đều đã có nước máy dẫn vào từng số nhà. Thế nhưng, nhu cầu ngày một tăng khi bắt đầu có tình trạng đô thị hóa ven nội. Những vòi nước công cộng được lắp hàng loạt sau hòa bình thường đơn giản chỉ là một trụ gạch xây theo hình dáng cột cây số trên đường quốc lộ. Bề rộng lắp một chiếc vòi đồng có núm vặn. Ngoài việc phục vụ đông đảo dân phố nó còn là trò chơi không bao giờ chán của lũ trẻ. Nó là nơi rửa chân tay mặt mũi sau một trận đá bóng vỉa hè. Là nơi rửa những me, sấu, bàng rụng trước khi ngấu nghiến ngon lành. Và là nước giải khát có cái tên không thể hay hơn do lũ trẻ tự đặt ra - “xi-rô chổng mông”.

Vòi nước công cộng lắp thêm nhiều nhưng vài nhà máy nước ở Hà Nội lúc ấy vẫn giữ nguyên công suất. Nước máy bắt đầu thiếu thốn. Lại thêm việc mất điện thường xuyên nên nước cũng mất theo. Vào quãng đầu những năm 1970 khá nhiều vòi nước chỉ còn chảy nhỏ giọt. Cái núm vặn hai tai trở nên thừa thãi. Người Hà Nội ngồi canh máy nước công cộng để theo dõi nước chảy suốt ngày đêm. Không phải để khóa mà là để hứng. Hàng hàng xô chậu nối đuôi nhau xếp dài cả trăm mét vỉa hè. Vị trí hứng nước có những viên gạch đỏ lát nền mòn trũng xuống cả vài đốt ngón tay. Sau năm 1975, hầu như tất cả các vòi nước công cộng đều ngừng chảy. Người ta phá nó đi dần dần cả vòi gang và vòi xây gạch. Không còn bất cứ dấu tích nào nữa kể từ sau năm 1990. Vài người Hà Nội cũ tiếc nuối mua về những vòi gang giữ làm cổ vật trong nhà. Phần lớn còn lại bán cho đồng nát tái chế thành chảo đun cám lợn, chân bàn máy khâu và hộp số quạt trần.

Thời kỳ này vẫn thiếu nước máy trầm trọng. Người Hà Nội dùng ống hầm tăng-xê cũ còn sót lại sau chiến tranh để lắp giếng tự đào trong sân nhà. Mua bơm “tõm” do Liên Xô sản xuất dưới chợ trời về thả xuống giếng hút nước lên dùng. Nước giếng đào nong trong phố là nước mặt khá mất vệ sinh khi mà đa số các gia đình Hà Nội lúc ấy vẫn dùng hố xí hai ngăn ủ phân tại chỗ. Tuy nhiên, nếu không có nó thì chẳng biết phải giặt quần áo bằng cái gì.

Thái độ trân trọng và bảo vệ những tài sản công cộng thời ấy chẳng ai bảo ai đều thực hiện rất nghiêm chỉnh. Nhiều người đi đường xuống xe đạp chỉ để khóa lại cái vòi nước công cộng mà ai đó dùng trước khóa chưa đủ kỹ. Chẳng biết có phải vì từ ngày không còn vòi nước công cộng nữa người ta thờ ơ với tất cả những gì công cộng hay không? Hơn thế, những gì công cộng bây giờ còn bị đối xử với tinh thần ngược lại. Cầu thang nhà tập thể, thang máy chung cư, bến xe, công viên… là nơi tha hồ xả rác. Nếu còn một vòi nước công cộng như thế hẳn là nó sẽ chảy không bao giờ tắt dù rằng cái núm vặn vẫn còn nguyên ở đấy.

May mắn là Hà Nội bây giờ không còn thiếu nước. Vòi nước công cộng vì thế vĩnh viễn chẳng bao giờ quay lại với Hà Nội nữa. Và hầu hết những gì công cộng bây giờ đều phải trả tiền. Đình chùa, bến bãi, công viên và kể cả cái nhà vệ sinh công cộng thì cũng đều mời bạn mua vé. Chỉ còn lại vài chiếc cổng chào hoa hoét lòe loẹt buổi tối trên phố là được ngắm nhìn miễn phí. Nhưng những đứa trẻ thập kỷ 1950 bây giờ hình như đã quá già để ra đường vào buổi tối mất rồi!

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục