Hàng ngàn sinh viên các trường đại học, cao đẳng vừa nhận bằng tốt nghiệp theo mẫu bằng mới của Bộ GD-ĐT quy định bỗng điêu đứng trước những sai sót trên văn bằng. Sinh viên khiếu nại thì khoa đổ lỗi cho phòng đào tạo, phòng đào tạo lại cho rằng do quy định của bộ.
Trước hết, có thể khẳng định Thông tư 21 và 22 về mẫu bằng tốt nghiệp CĐ-ĐH mới của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ ngày 1-10-2009 thể hiện mong muốn của bộ về việc thống nhất hệ thống văn bằng, chứng chỉ ngành nghề theo chuẩn quốc gia. Rõ ràng chủ trương của bộ là đúng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu và bắt các trường phải áp dụng ngay quả là hơi vội vàng và dẫn đến phản ứng từ các nhà tuyển dụng và người học.
Một chuyên gia phân tích: Trước khi áp dụng thông tư này, Bộ GD-ĐT nên yêu cầu các trường rà soát lại tất cả danh mục ngành nghề đã đăng ký tuyển sinh. Nếu trường nào làm không đúng, buộc họ phải điều chỉnh lại theo đúng với danh mục ngành nghề đào tạo đã được quy định. Kế đến, bộ cũng cần công bố danh mục ngành nghề cho rõ ràng rồi ra thời hạn để các trường điều chỉnh theo đúng quy định. Làm được những bước trên, chuyện về ngành nghề đào tạo trên mẫu bằng mới sẽ không rối rắm như hiện nay. Đơn cử như một số trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM (một trong 2 ĐH của cả nước được in ấn và phát bằng cho sinh viên) cũng thừa nhận, hiện nay một số ngành đào tạo cũng chưa có mã ngành và đang hoàn thiện dần.
Mới đây, hàng ngàn sinh viên các trường ĐHDL Văn Hiến, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng… sau khi nhận bằng tốt nghiệp, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời mới tá hỏa vì nhà tuyển dụng cho rằng ngành nghề ghi trên bằng tốt nghiệp không phù hợp với yêu cầu công việc. Còn đối với sinh viên đăng ký học liên thông lại bị trường bạn cho rằng trong danh mục ngành nghề đào tạo không có tên ngành như vậy nên trường từ chối nhận hồ sơ thi tuyển… Trước phản ứng của sinh viên, nhà trường tiếp tục thêm lúng túng, lúc thì cam kết cấp giấy chứng nhận mới cho sinh viên, lúc thì thông báo thu hồi bằng cũ và phát bằng mới (?).
Cơ quan chủ quản vội, cơ sở đào tạo lúng túng nên người học... mắc kẹt. Hệ lụy của việc làm trên sẽ kéo theo nhiều rắc rối sau này. Không dừng lại ở việc khó khăn trong tìm kiếm một chỗ làm mà cơ hội học tiếp của nhiều tân cử nhân, kỹ sư sẽ bị “nghẽn” bởi những ngành ghi trên tấm bằng không có liên quan gì đến các bậc học tiếp theo nên việc xét liên thông chắc chắn không thực hiện được. Rõ ràng, trong cái sai và lúng túng của các cơ sở đào tạo hiện nay, lỗi một phần cũng thuộc về cơ quan chủ quản vì đã buông lỏng quản lý.
Một chủ trương mới, đúng đắn chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận của dư luận. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là thời điểm và cách làm. Nếu vội vàng áp dụng ngay chủ trương mới trong khi những vướng mắc, tồn tại của cách quản lý cũ chưa được giải quyết dứt điểm, sự việc sẽ rối lại càng rối.
Thanh Minh