Sau khi Báo SGGP số ra ngày 6-3 đăng bài “Một vụ án có dấu hiệu oan sai ở Bạc Liêu”, rất nhiều độc giả đã gọi điện, gửi thư bày tỏ quan tâm. Để rõ hơn về bản chất vụ án, chúng tôi có cuộc trao đổi với luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TPHCM).
* PHÓNG VIÊN: Thưa luật sư, trong quá trình tham gia bào chữa cho Phan Hoàng Hải bị Viện KSND TP Bạc Liêu truy tố tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy” theo khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự, ông thấy có điều gì bất thường?
- Luật sư TRỊNH VĨNH PHÚC: Trước hết, vụ án được xem là hành vi phạm tội bị phát hiện và bị bắt quả tang, thu được tang vật, có người làm chứng... Nhưng biên bản phạm tội quả tang đã lập không đúng quy định, tang vật không được bị can thừa nhận, các ghi chép về thời gian, địa điểm không hợp lý. Tòa án từng trả hồ sơ với yêu cầu cần lập lại biên bản cho đúng quy định, yêu cầu thực nghiệm điều tra, vẽ sơ đồ hiện trường, yêu cầu cho đối chất, yêu cầu giám định lại chất bị xem là ma túy để xác định trọng lượng, hàm lượng...
Đáng chú ý, chiếc xe gắn máy bị xác định là phương tiện Hải dùng để đi giao chất ma túy là xe do một người ẩn danh mà qua tìm hiểu chúng tôi biết đó là một sĩ quan công tác trong Đội điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Bạc Liêu! Dù Hải có luật sư bào chữa trong giai đoạn điều tra nhưng trong quá trình điều tra bổ sung nhiều lần điều tra viên và kiểm sát viên vào làm việc với Hải, thuyết phục Hải nhận tội nhưng không có mặt luật sư, bị Hải khiếu nại bằng văn bản...
Những vấn đề nêu trên cho thấy quá trình tố tụng vụ án có những điểm bất bình thường, thể hiện tính thiếu tính khách quan và thiếu minh bạch trong việc giải quyết vụ án.
Phan Hoàng Hải. Ảnh: Minh Luân
* Những chứng cứ được xem là bất thường có được làm rõ?
- Mặc dù hồ sơ được trả để điều tra bổ sung nhiều lần nhưng việc điều tra bổ sung đã không đáp ứng yêu cầu, không làm rõ được các nghi vấn, thậm chí có dấu hiệu làm sai lệch.
* Các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án có thực sự khách quan?
- Như đã nói ở phần trên, do có nhiều sai sót trong quá trình điều tra, việc điều tra bổ sung không làm rõ được các yêu cầu tòa án đặt ra, nên các chứng cứ buộc tội đối với Phan Hoàng Hải không khách quan và không thuyết phục, nói cách khác là cơ quan điều tra không chứng minh được Phan Hoàng Hải thực hiện hành vi giao bán chất ma túy.
* Luật sư nhận định như thế nào về việc kết tội Phan Hoàng Hải dựa trên lời khai của Huỳnh Bích Thảo - là một đối tượng nghiện ma túy, tang vật thu được lại không đủ cơ sở chứng minh là của Hải?
Trong vụ án có 5 người được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đồng thời là người làm chứng, họ là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (người nghiện ma túy), trong đó Huỳnh Bích Thảo là người làm chứng trực tiếp, xác định đã nhận mua các gói ma túy từ Hải. Điều đáng nói, khi vụ án Phan Hoàng Hải được đưa ra xét xử thì Huỳnh Bích Thảo đã trở thành bị án trong vụ “Mua bán trái phép chất ma túy” đã xét xử trước đó không lâu, đang chấp hành án phạt tù trại Trại giam Cái Tàu và từ chối tham gia phiên tòa xét xử Phan Hoàng Hải (?!).
Tại phiên tòa, các luật sư chúng tôi đã đặt vấn đề về tính thiếu khách quan có liên quan đến thân trạng của bị án Thảo và chỉ ra những mâu thuẫn trong lời khai của Thảo... Phiên xét xử phải dừng lại nửa chừng sau một buổi tranh luận gay gắt giữa vị kiểm sát viên thực hành quyền công tố và 2 luật sư bào chữa cho bị cáo Hải...
* Về quyết định đình chỉ vụ án và quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Phan Hoàng Hải của Viện KSND TP Bạc Liêu, luật sư nhận định thế nào?
- Viện KSND TP Bạc Liêu, tiếp đến Viện KSND tỉnh Bạc Liêu khi trả lời đơn khiếu nại của Phan Hoàng Hải vẫn khẳng định Hải phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” dựa theo cáo trạng số 126 ngày 16/10/2015 của Viện KSND TP Bạc Liêu là chưa thuyết phục. Lý do, khi TAND TP Bạc Liêu đưa vụ án ra xét xử, cáo trạng số 126 truy tố và hồ sơ vụ án chưa đủ căn cứ để tòa án buộc tội Hải. Do đó, TAND TP Bạc Liêu đã nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nhưng các kết luận điều tra bổ sung cũng chưa làm rõ chứng cứ buộc tội Hải.
Thêm nữa, cáo trạng truy tố Hải theo khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 7 - 15 năm tù là thuộc trường hợp rất nghiêm trọng. Viện KSND TP Bạc Liêu cho rằng, do thay đổi chính sách pháp luật để miễn trách nhiệm hình sự là không đúng, vì khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch 08/2015 chỉ quy định giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Do đó, quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can của Viện KSND TP Bạc Liêu đối với Phan Hoàng Hải căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự là trái luật. Trong trường hợp này cần thiết phải ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với lý do: không xác định được hành vi phạm tội!
* Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện KSND tỉnh Bạc Liêu là quyết định giải quyết cuối cùng, vậy thì Hải còn đường kêu oan được nữa không?
- Đây là quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước nên không khởi kiện hành chính được. Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự thì quyết định giải quyết khiếu nại của Viện KSND tỉnh Bạc Liêu là quyết định giải quyết cuối cùng, có hiệu lực pháp luật.
Về nguyên tắc, đương sự nhận thấy mình bị oan thì có thể khiếu nại hoặc kêu oan tiếp lên cấp cao hơn. Nếu xét thấy khiếu nại của Hải có cơ sở thì Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao có thể giải quyết. Ngoài ra, Hải cũng có thể cầu cứu đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu hoặc các cơ quan chức năng Trung ương thực hiện chức năng giám sát, có ý kiến để Viện KSND TP Bạc Liêu hay Viện KSND tỉnh Bạc Liêu xem xét lại các quyết định của mình.
* Xin cảm ơn luật sư !
NGỌC CHÁNH (thực hiện)