Vụ chìm phà kinh hoàng ở Quảng Nam - Dũng cảm vượt qua lời nguyền

Vụ chìm phà chở 40 hành khách vừa qua trên sông Trường (xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) để lại trong lòng người dân tâm trạng hoảng sợ lẫn sự khâm phục. Bởi chính trong thảm họa lại xuất hiện những con người khiến họ phải khâm phục.
Vụ chìm phà kinh hoàng ở Quảng Nam - Dũng cảm vượt qua lời nguyền

Vụ chìm phà chở 40 hành khách vừa qua trên sông Trường (xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) để lại trong lòng người dân tâm trạng hoảng sợ lẫn sự khâm phục. Bởi chính trong thảm họa lại xuất hiện những con người khiến họ phải khâm phục.

  • Nhường phao cứu người

Trên chuyến phà kinh hoàng sáng 21-11, trong nháy mắt, 40 người cùng 16 xe máy, 4 xe đạp, 1 ô tô tải chở đầy củi đổ ầm xuống sông sau vài cái rung lắc. 40 con người chới với giữa dòng sông rộng mênh mông nước lạnh. Nếu như hôm ấy, trên chuyến phà không có những con người dũng cảm; nếu như hôm ấy, trên sông không có những chuyến tàu đánh cá… thì có lẽ sông Trường hôm ấy chứng kiến thảm họa.

Sáng hôm ấy, anh Đinh Tấn Tàu (trú thôn 2, xã Tam Hải) đang ngồi trong nhà bên bến phà Tam Hải. Bỗng dưng anh nghe tiếng la làng, linh tính mách bảo có điều xấu xảy ra, anh ào ngay ra sông. Lúc đó, anh Tàu thấy chiếc phà nghiêng và sắp chìm. Không đợi suy nghĩ, anh chạy như bay lên chiếc ghe máy Qna-00621 đang đậu bên bến, quay máy nổ và hướng thẳng ra sông. Vừa chạy anh vừa la làng để người dân cùng đưa ghe máy ra cứu nạn. Chưa đầy 3 phút, anh có mặt tại chiếc phà chìm và vớt được 6 phụ nữ, trong đó có 3 người già và 3 em học sinh.

Em Phạm Trần Đắc Mùi, hành khách trên chuyến phà kinh hoàng may mắn thoát chết và đã cứu sống lái xe tải Phạm Trọng Tài gặp nạn.

Em Phạm Trần Đắc Mùi, hành khách trên chuyến phà kinh hoàng may mắn thoát chết và đã cứu sống lái xe tải Phạm Trọng Tài gặp nạn.

Là khách trên chuyến phà kinh hoàng, em Phạm Trần Đắc Mùi (SN 1991, trú thôn 2, xã Tam Hải), người đã nhường chiếc can nhựa duy nhất mình có được để cứu lấy tài xế lái ô tô 92C-012.14. Khi chiếc phà chìm nghỉm dưới đáy sông, hàng chục người hoảng loạn chới với. Rất nhiều người bám lấy trên một chiếc phao cứu sinh chìm dần.

Đang ôm chiếc can nhựa 20 lít làm phao, em Mùi phát hiện một thanh niên (sau này mới biết người thanh niên đó là Phạm Trọng Tài, lái ô tô 92C-012.14 – PV) không biết bơi và chìm dần. Nhanh như chớp, Mùi quăng chiếc can nhựa cứu sống thanh niên, còn mình tự bơi đến ghe của ngư dân đến ứng cứu. “Lúc đó nước lạnh lắm nhưng nghĩ mình cũng biết bơi, lại thấy người ta đứng trước cái chết làm sao nỡ bỏ. Nếu là ai thì cũng làm vậy thôi” – Mùi Tâm sự.

Em Hoàng Thanh Hiếu đã dũng cảm bơi cứu nhiều người trong vụ chìm phà.

Em Hoàng Thanh Hiếu đã dũng cảm bơi cứu nhiều người trong vụ chìm phà.

Em Hoàng Thanh Hiếu (SN 1989, trú thôn 4, xã Tam Hải), công nhân của Công ty Sản xuất ô tô Trường Hải (đóng tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) cũng là hành khách trên chuyến phà gặp nạn, đã dũng cảm cứu sống 3 người và tham gia hỗ trợ người dân cứu vớt hàng chục người gặp nạn. Khi chiếc phà nghiêng ngã chực chìm, Hiếu là người nhanh trí bức phao cứu sinh buộc trên thân phà phát cho phụ nữ và người già. Khi phà chìm hẳn, Hiếu đã bơi bộ cứu 2 bà già (một bà tên Niên, trú thôn 4, xã Tam Hải và một người tên Cũng trú thị trấn Núi Thành), một em học sinh đưa lên ghe máy đến ứng cứu.

“Dù đã đuối sức nhưng lúc đó em thấy rất nhiều người bu bám trên vai của anh Thu (tức Bùi Văn Thu, thuyền trưởng - PV), nếu ảnh chìm thì mấy người đó cũng chết theo nên em bơi trở lại cùng anh Thu dìu những người đó lên ghe của dân” – Hiếu kể.

Đau lòng nhất là trường hợp nạn nhân tử vong duy nhất trên chuyến phà hôm ấy là Bùi Thị Thiện Thẩm. Lúc đó, Thẩm có được 2 chiếc áo phao, Thẩm đưa cho bà Quyết (mợ của Thẩm) 1 cái, cái còn lại Thẩm đưa cho một người già khác…

Có công lớn nhất trong việc cứu người hôm ấy đó là 2 tàu giã cào của ngư dân Tam Tiến. Nhờ họ đến kịp thời, cùng ngư dân ra tay ứng cứu, 39 người trên chiếc phà được cứu sống. Thế nhưng, khi vừa đưa người dân lên bờ, họ đã rời đi trong lặng lẽ, chẳng để người dân nào kịp biết tên và cảm ơn công lao cứu mạng.

  • “Kình ngư” xứ Quảng

Ngoài những trường hợp tự cứu và ghe máy ngư dân cứu, 5 thợ lặn gồm: Nguyễn Thái Phi (SN 1970), Phạm Văn Hùng (SN 1968), Lê Văn Lân (SN 1981), Dương Văn Đà (SN 1974, cùng trú xã Tam Quang), Bùi Văn Hòa (SN 1968, trú xã Tam Hải) đang làm việc trên sông đã dũng cảm tham gia cứu nạn nhân rồi sau đó cùng người dân Tam Hải lặn trục vớt tài sản, ô tô và chiếc phà chìm. Đang trên đường đi thi công công trình cảng Vùng Cảnh sát biển tại cảng Kỳ Hà, lúc phà gặp nạn, cả 5 thợ lặn này đến cứu vớt từng người một để đưa lên ghe máy của ngư dân.

Thợ lặn Nguyễn Thái Phi kể: “Lúc đó người dính chùm vào nhau cố níu lấy cái phao cứu sinh cỏn con ngụp lặn trong nước. Anh em chúng tôi “định vị” người già và phụ nữ, lặn sâu xuống nước, cầm chân đẩy nạn nhân đến ghe máy đợi sẵn. Nếu không khéo, họ níu mình thì mình cũng chết theo”.

“Kình ngư” Đinh Tấn Tàu lặn cứu nạn nhân và trục vớt tài sản trong vụ chìm phà.

“Kình ngư” Đinh Tấn Tàu lặn cứu nạn nhân và trục vớt tài sản trong vụ chìm phà.

Sau khi cùng ghe máy của ngư dân cứu xong người gặp nạn đưa vào bờ, 5 thợ lặn trên cùng với anh Đinh Tấn Tàu, Phạm Tân (thôn 2, Tam Hải) và nhiều người dân Tam Hải tự nguyện đưa ghe máy, máy nổ chạy ôxy và dụng cụ lặn tìm, trục vớt xe máy, ô tô và chiếc phà chìm đưa lên bờ. Đội thợ lặn và người dân Tam Hải đã ngụp lặn sâu hơn 10 sải nước trong hơn 10 tiếng đồng hồ để cứu người, cứu tài sản của dân. Họ là những “kình ngư” xứ Quảng.

Nếu như ngày xưa, người sống nghề sông nước không bao giờ dám cứu người chết đuối vì sợ lời nguyền thế mạng của thần sông. Nhưng nay, sau vụ chìm phà trên sông Trường, ngư dân xứ Quảng đã dám bước qua lời nguyền ấy. 

NGUYÊN KHÔI

Làm rõ trách nhiệm cá nhân trong vụ chìm phà

* Phà mới chưa được đăng kiểm đã đưa vào hoạt động

(SGGP). - Chiều 24-11, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phan Như Tường, Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, đến 15 giờ ngày 24-11, chiếc phà mới đã được nhóm thợ điều từ Đà Nẵng vào khắc phục xong và đưa vào hoạt động. Theo đó, cứ cách nhau 15 phút, phà xuất bến một lần để đảm bảo việc đi lại của nhân dân. Dự kiến vào ngày 25-11, Chi cục Đăng kiểm 4 (thuộc Đăng kiểm Việt Nam, đóng tại Đà Nẵng) vào kiểm định chiếc phà này. Tuy nhiên, theo ông Tường, đến nay mặc dù đã hoạt động trở lại nhưng máy của phà vẫn chưa được tốt lắm, vì vậy nhóm thợ vẫn theo dõi và khắc phục máy trong những ngày tới.

Ông Tường cho biết thêm, chiếc phà mới này do Công ty Thiết kế, tư vấn Sông Hồng (thuộc Tổng Công ty Đường thủy Việt Nam) thiết kế và Liên doanh Danh Hải (đóng tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đóng với tổng giá trị lên đến hơn 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đưa vào hoạt động, chiếc phà này không những thường xuyên bị trục trặc mà còn vừa yếu vừa hao tốn nhiều nhiên liệu. Điều đáng nói, mặc dù đã đưa vào hoạt động chở khách trước đây mấy tháng (hiện đã nằm bờ do trục trặc kỹ thuật) nhưng đến nay chiếc phà này vẫn chưa được đăng kiểm, cấp phép hoạt động.

Đại tá Nguyễn Đức Tiệp, Trưởng Công an huyện Núi Thành cho biết, công tác điều tra vụ chìm phà vẫn đang được tiếp tục. Do vụ việc liên quan đến nhiều người, tổ chức nên công tác điều tra được thực hiện kỹ lưỡng để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trước khi đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
 

NG.KHÔI

  • Dân Tam Hải mơ ước có cây cầu

Nếu đến Tam Hải, hỏi người dân hay cán bộ, già hay trẻ, phụ nữ hay đàn ông, mơ ước nhất điều gì thì câu trả lời còn nhanh hơn cả tìm kiếm bằng Google: cây cầu bắc qua sông. Câu hỏi này tôi đã hỏi ở Tam Hải hàng trăm lần trong những chuyến chen chân qua phà đi tác nghiệp trong nhiều năm trước.

Và lần gần đây nhất vào đúng cái ngày xảy ra vụ chìm phà kinh hoàng hôm 21-11. Tam Hải bốn bề là nước, nằm lọt giữa vòng ôm của con sông Trường và biển. Muốn đến Tam Hải, con đường duy nhất đó là qua phà. Mấy trăm năm qua, cách đi của người dân Tam Hải ra bên ngoài vẫn vậy.

Ngày 21-11, khi tìm hiểu sự kiện chìm phà kinh hoàng, chúng tôi đã gặp anh Phạm Tân (thôn 2, Tam Hải) - người tự nguyện dùng chiếc ghe máy vừa tham gia cứu hộ, trục vớt tài sản chìm dưới sông vừa chở miễn phí người dân và nhà báo qua sông. Đôi mắt xa xăm, ngân ngấn nước mắt, anh Tân nói như thở than: “Ở cái xã ni, cây cầu là mơ ước lớn nhất. Chứ như chừ, đi lại trên chuyến phà chật chội mà như đánh cược mạng sống của mình”.

Ông Phan Như Tường, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, nói như cố phân trần: Tam Hải hơn 8.000 dân, mỗi ngày có hơn 1.000 người đi lại nhưng phà chỉ có 1 chiếc. Người ta mơ ước giàu sang phú quý, dân Tam Hải thì chỉ mơ cây cầu. Hàng chục năm qua, trong các cuộc họp, làm việc với tỉnh, với huyện, xã đều tranh thủ trình bày ước mơ của dân nhưng đến nay ước mơ ấy vẫn chưa thành hiện thực. Cây cầu nhỏ, một ước mơ lớn của người dân Tam Hải!

QUỲNH NHƯ

- Thông tin liên quan:

>> Quảng Nam: Chìm phà kinh hoàng trên sông Trường Giang

Tin cùng chuyên mục