(SGGP).- Ngày 8-8, Tổ công tác thuộc Phòng 2, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về môi trường (C49B phía Nam) Bộ Công an phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học Quốc gia TPHCM lấy mẫu, đánh giá lại hệ thống xử lý nước thải nhằm xác định hành vi của Công ty CP Dịch vụ Sonadezi tại KCN Long Thành (tỉnh Đồng Nai) - bị bắt quả tang xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra rạch Bà Chèo, sông Đồng Nai vào khuya 3-8.
Qua kiểm tra toàn bộ quy trình xử lý nước thải tại các bể lắng xử lý từ đầu vào đến đầu ra của Nhà máy xử lý nước thải tập trung, các kỹ thuật viên và điều tra viên phát hiện nhiều hệ thống thiết bị không hoạt động hoặc đã bị hỏng hóc. Cụ thể, nồng độ hóa chất xử lý tại các bể lắng thấp, hệ thống van, đường ống dẫn hóa chất vào bể khử trùng và thiết bị khử màu không hoạt động, hệ thống vi sinh đã bị hư hỏng… Đặc biệt, một số mẫu nước lấy tại các bể lắng tại hệ thống xử lý so sánh với mẫu nước tại cửa xả rạch Bà Chèo và sông Đồng Nai bằng mắt thường cũng có thể thấy sự chênh lệch về màu sắc, mùi và độ đậm đặc là không đáng kể.
Điều này cho thấy hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung của Công ty CP Dịch vụ Sonadezi nhiều năm qua “có vấn đề”.
Theo Tổ công tác C49B, qua công tác điều tra ban đầu đã xác định việc xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của Công ty CP Dịch vụ Sonadezi là hành vi của dấu hiệu vi phạm về bảo vệ môi trường có tính chất nghiêm trọng. Hiện cơ quan điều tra đang củng cố tài liệu, thu thập chứng cứ và xác định hành vi cụ thể của từng cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải. Nếu xác định hành vi sai phạm là có chủ đích, được thực hiện trong thời gian dài với mức độ ảnh hưởng và tác động xấu đến môi trường, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án theo quy định pháp luật.
“Vụ việc này không thể để “chìm xuồng” được. Hành vi sai phạm đã rõ ràng và không thể biện minh được. Chúng tôi đang điều tra một cách thận trọng, chắc chắn, bảo đảm việc xử lý đúng người, đúng pháp luật…” – một thành viên Tổ công tác C49B khẳng định.
Trước đó, báo cáo vụ việc của C49B nêu rõ: Sau một thời gian dài theo dõi, kết hợp với nguồn tin của người dân sinh sống tại xã Tam An, huyện Long Thành cung cấp, trinh sát môi trường đã phát hiện cứ vào lúc mưa to, thủy triều rút hoặc vào ban đêm là nhân viên của Nhà máy xử lý nước thải tập trung vận hành hệ thống mở van cống xả của hồ sinh thái cho nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra rạch Bà Chèo dẫn ra sông Đồng Nai. Hồ sinh thái của nhà máy có dung tích chứa khoảng 35.000m3, cách các bể lắng nhận nước xử lý từ các xí nghiệp trong KCN Long Thành gần 1km.
Từ thông tin trên, khuya 3-8 lực lượng C49B phối hợp với Công an xã Tam An và Đồn Công an KCN Long Thành bất ngờ kiểm tra và bắt quả tang các công nhân của Nhà máy xử lý nước thải tập trung đang xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Kiểm tra hệ thống xử lý tại các bể lắng, nhiều thiết bị không hoạt động, trong khi nước thải từ các xí nghiệp trong KCN Long Thành vẫn được bơm vào các bể lắng.
Lực lượng chức năng còn phát hiện một đường ống ngầm từ các bể lắng trong nhà máy đổ ra hồ sinh thái rồi theo các van xả thẳng ra rạch Bà Chèo. Điều này cho thấy, hành vi xả thải ra môi trường của Nhà máy xử lý nước thải tập trung đã có từ lâu và có tính chất chủ ý.
Với việc làm trên, phần nào xác định tình trạng ô nhiễm nặng nề tại rạch Bà Chèo, làm cây trồng, vật nuôi của người dân tại xã Tam An bị chết hàng loạt, có nguyên nhân của hành vi xả thải ra môi trường của Công ty CP Dịch vụ Sonadezi trong một thời gian dài.
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 8-8, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với bà Đỗ Thị Thu Hằng, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển KCN tỉnh Đồng Nai (Sonadezi) – đơn vị chủ quản của Công ty CP Dịch vụ Sonadezi và đều nhận được câu trả lời: “Chúng tôi không thể trả lời gì được trong lúc này”.
Trong khi đó, một nhóm PV các báo tập trung tại khuôn viên Nhà máy xử lý nước thải tập trung để tìm cách tiếp cận với Tổ công tác của C49B và Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học Quốc gia TPHCM, nhưng đều bị các cán bộ và nhân viên bảo vệ tại đây ngăn cản, nhiều lần mời ra khỏi hiện trường.
Hoài Nam - Lê Long