Liên quan đến vụï việc Giám đốc Công ty TNHH Melior Việt Nam biến mất, hôm qua, PV Báo SGGP đã trao đổi với GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, để làm rõ những kẽ hở trong việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
- PV: Ông bình luận gì trước thông tin Bộ GD-ĐT xử phạt và cấm hoạt động đào tạo bậc ĐH- CĐ của Trường Kinh doanh Melior (tháng 5-2012) đến ngày 15-8, Sở LĐ-TB-XH TPHCM lại cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề cho đơn vị này để rồi Melior thu học phí và biến mất?
>> GS ĐÀO TRỌNG THI: Theo tôi hiểu, Công ty TNHH Melior Việt Nam được Sở LĐ-TB-XH TPHCM cấp phép tổ chức dạy nghề nhưng họ lại đi tuyển sinh cả hệ CĐ, ĐH. Khi phát hiện sai phạm, Bộ GD-ĐT đã thổi còi, phạt, yêu cầu chấm dứt là đúng. Sở LĐ-TB-XH vẫn tiếp tục cấp phép dạy nghề cũng không có gì trái ngược. Bởi cơ sở này tuyển sinh ĐH-CĐ là sai nhưng dạy nghề lại đúng. Nếu đặt vấn đề “bộ cấm, sở cấp” lại là 2 chuyện khác nhau.
Nhưng lẽ ra khi Bộ GD-ĐT đã yêu cầu dừng hoạt động, cơ quan chức năng phải hiểu đơn vị đó đã vi phạm những quy định của pháp luật, có thể không vi phạm về quy định dạy nghề nhưng đã vi phạm quy định về GD-ĐT của Việt Nam. Các cơ quan quản lý phải chú ý vào đó. Một khi đơn vị đó đã vào “sổ đen” phải bị quan tâm đặc biệt. Nhưng Sở LĐ-TB-XH vẫn cấp phép cho đơn vị đó dù không sai nhưng rõ ràng là thiếu giám sát.
- Theo ông ai phải là người đứng ra giải quyết quyền lợi cho học viên?
Nếu tiền học viên nộp để học ĐH-CĐ thì trách nhiệm thuộc về Sở GD-ĐT, Văn phòng Bộ GD-ĐT ở TPHCM vì Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo. Còn nếu đó là tiền của học viên học nghề thì trách nhiệm là của Sở LĐ-TB-XH.
Còn nếu vì lý do gì đó mà các cơ quan Nhà nước sai trong việc cấp phép, ví dụ Sở LĐ-TB-XH cho phép đào tạo ĐH-CĐ chẳng hạn thì lúc đó trách nhiệm chính mới thuộc về cơ quan quản lý. Còn ở đây, Sở LĐ-TB-XH chỉ cấp phép về dạy nghề; Bộ GD-ĐT cũng đã xử lý sai phạm về đào tạo ĐH-CĐ thì không sai. Rõ ràng đã biết đơn vị đó sai phạm, đã “đánh dấu” mà vẫn để họ chạy thoát. Đây cũng không phải lần đầu, ở TPHCM cũng đã từng xảy ra việc như vậy. Nếu không cẩn thận, có thể tới đây còn có những đơn vị tương tự. Nếu cứ để xảy ra rồi mới rút kinh nghiệm là không thể được. Cần xem xét trách nhiệm các cơ quan liên quan, thậm chí cần xem có điều gì đó ở đằng sau việc này mà lại thả lỏng như vậy?
Thực tế này càng cho thấy, 2 lĩnh vực đào tạo nghề và ĐH-CĐ mà do 2 ngành quản lý khác nhau là chồng chéo, cần nghiên cứu sửa đổi nếu không sẽ dẫn đến khoảng trống.
- Từ sự cố này, ông có cho rằng mảng liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài phải được rà soát lại, chấn chỉnh ngay để không xảy ra các vụ việc tương tự?
Vi phạm trong liên kết đào tạo, có cả dấu hiệu lừa đảo, không tôn trọng yêu cầu về chất lượng, không tôn trọng người học xảy ra không ít. Trên thực tế chúng ta đã gặp vài lần những sự việc tương tự. Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước phải có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, việc tổ chức quản lý cũng phải chặt chẽ hơn, có trách nhiệm hơn. Bên cạnh đó, người dân cũng cần tìm hiểu kỹ hơn thông tin về trường mình dự kiến đăng ký học để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Phan Thảo thực hiện