Vụ “Kinh doanh ăn theo dịch bệnh”: Có ăn hoa hồng?

Mặc dù Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM khẳng định, việc làm đầu mối phân phối hóa chất diệt khuẩn Surfanios phòng ngừa dịch bệnh tay - chân - miệng cho người dân là “không công”, nhưng thực tế cho thấy hợp đồng mà ngành y tế TPHCM ký với Công ty TNHH XNK Đông Dương Âu Châu mua 12.000 gói Surfanios loại 20ml với đơn giá 7.200 đồng (chưa bao gồm VAT) để phát cho dân đã được nhiều trạm y tế… đem bán.

Mặc dù Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM khẳng định, việc làm đầu mối phân phối hóa chất diệt khuẩn Surfanios phòng ngừa dịch bệnh tay - chân - miệng cho người dân là “không công”, nhưng thực tế cho thấy hợp đồng mà ngành y tế TPHCM ký với Công ty TNHH XNK Đông Dương Âu Châu mua 12.000 gói Surfanios loại 20ml với đơn giá 7.200 đồng (chưa bao gồm VAT) để phát cho dân đã được nhiều trạm y tế… đem bán.

  • Lãi chênh lệch 5%!

Theo Sở Y tế TPHCM, sau khi có chủ trương đưa các loại hóa chất diệt khuẩn phòng dịch bệnh thay thế Cloramin B cho người dân lựa chọn, có 23 quận huyện tham gia nhận phân phối. Riêng Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh trực tiếp mua của Công ty TNHH XNK Đông Dương Âu Châu.

Theo ông Nguyễn Văn Mừng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh, tính đến ngày 6-8, toàn quận có 225 ca mắc tay - chân - miệng, 224 ca sốt xuất huyết. Đã phát trên 45.000 tờ rơi tuyên truyền về bệnh tay - chân - miệng chủ yếu cho hơn 22.000 hộ có trẻ dưới 5 tuổi. Ngoài ra còn phát hóa chất Cloramin B miễn phí. Nhưng việc có sử dụng và sử dụng đúng hóa chất Cloramin B không, theo ông Mừng còn tùy ý thức, người nào ý thức tốt thì sử dụng. “Cái đó đánh giá cũng khó. Giám sát mấy đợt cho thấy sử dụng khoảng 60%-70%”, ông Mừng nói.

Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh cũng đã phát hóa chất thay thế là Javel Mỹ Hảo và hóa chất Surfanios. Nước Javel Mỹ Hảo thì cấp 600 chai loại 350ml cho người dân sử dụng. Surfanios được Sở Y tế thành phố cấp đợt đầu 600 gói 20ml. Sau đó trung tâm mua tiếp 2.000 gói phát cho dân.

“Hiện nay có mua thêm 400 gói cùng với đợt của thành phố mua phân phối về cho các quận huyện để bán cho dân”, ông Mừng cho biết thêm. Khi được hỏi có thỏa thuận với công ty phân phối ra sao, ông Mừng cho biết làm theo đúng quy định của thành phố, chi tiết không nhớ nhưng cho giá mua và giá bán chênh lệch 5%.

  • Công ty ký gửi bán

Xung quanh nghi vấn việc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM ký hợp đồng mua hóa chất Surfanios rồi phân phối lại để hưởng chênh lệch và hoa hồng, trao đổi với báo chí sáng 17-8, bà Nguyễn Trần Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH XNK Đông Dương Âu Châu (phân phối hóa chất Surfanios) cho biết, vào tháng 5-2011 có ký hợp đồng bán 12.000 gói Surfanios với giá 7.200 đồng/gói (chưa gồm VAT). “Chúng tôi chỉ ký 1 hợp đồng và nội dung nói rõ mục đích là phát miễn phí cho người dân. Hợp đồng thanh lý ngày 10-6-2011”, bà Anh nói. Khi được hỏi có trích hoa hồng cho phía đối tác, bà Anh nói là công ty Việt Nam nên không trích.

Như vậy, ngay từ tháng 5-2011, ngành y tế TPHCM đã mua hóa chất Surfanios chứ không phải như một lãnh đạo Sở Y tế nói mới triển khai từ tháng 7. Vậy 12.000 gói hóa chất trên có phát miễn phí đến tay người dân hay các trạm y tế giới thiệu cho dân mua? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, ngay sau khi về nhận nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, ông Trần Phủ Mạnh Siêu đã ký ngay hợp đồng với Công ty TNHH C.P.V (phường 13, quận 4, TPHCM) mua 10.000 gói hóa chất Surfanios với giá 7.560 đồng/gói và 240 chai Surfanios loại 1 lít giá 201.705 đồng/chai.

Chiều 17-8, trả lời PV Báo SGGP, ông Siêu nói: “Chỉ đạo của Sở Y tế bắt buộc Trung tâm Y tế dự phòng đưa hóa chất thay thế xuống trung tâm y tế dự phòng quận, huyện”. Ông Siêu cho biết, ông Lê Trường Giang (nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế) ra “tối hậu thư” là chậm nhất 17-7 các trung tâm y tế dự phòng quận huyện phải nhận được hóa chất, do đó cần xúc tiến làm nhanh với 2 công ty có hóa chất Surfanios và Zonrox. Tuy nhiên, một công ty đồng ý đưa xuống ký gửi, bán xong đưa tiền sau.

“Cuối cùng Trung tâm Y tế dự phòng thành phố quyết định đứng ra nhận giùm rồi phân phối xuống các quận huyện, chứ Trung tâm Y tế dự phòng không đưa thì dân không tiếp cận được”, ông Siêu trần tình.

Cũng theo ông Siêu, quận huyện yêu cầu số lượng nhiều, nhưng do không đủ hàng nên công ty chỉ đưa một phần. Khi nào có hàng đưa tiếp. Tổng số hàng có khi đó là hơn 9.000 gói, nhưng số lượng yêu cầu hơn 20.000 gói.

Khi được hỏi thỏa thuận có trích phần trăm hoa hồng hay có sự mua bán chênh lệch giá hay không, ông Siêu khẳng định đây hoàn toàn là hàng ký gửi, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố giúp công ty đưa hàng xuống cơ sở, sau khi nhận hàng trung tâm trả đúng số tiền cho công ty theo giá bán trong hợp đồng.

Tuy nhiên, liệu những trần tình trên có hợp lý khi Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đứng ra làm “không công” cho một công ty kinh doanh? Hơn nữa, việc lợi dụng dịch bệnh để kinh doanh là một điều bất thường mà pháp luật cần ngăn chặn.

Nói như ông Siêu: “Công ty muốn bán hóa chất thì đi quảng cáo mà bán, nhưng chỉ đạo của Sở Y tế rất sát, yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng làm ngay nếu để dịch bùng lên trung tâm chịu trách nhiệm”. Vậy, có hay không sự “lót tay” của công ty phân phối với những cán bộ phòng chống dịch bệnh? 

TƯỜNG LÂM

- Thông tin liên quan:

>> Phải hồi bài “Kinh doanh ăn theo dịch bệnh?” - Làm đầu mối... không công!

>> Kinh doanh ăn theo dịch bệnh?

Tin cùng chuyên mục