Vụ lập biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp tại ĐBSCL - Không đúng sự thật?

Vì sao có biên bản thống nhất trên?
Vụ lập biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp tại ĐBSCL - Không đúng sự thật?

Sự việc một giáo viên tại Tiền Giang phản ánh biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2011 của sở GD-ĐT 11 tỉnh, thành ĐBSCL để lấy kết quả thi “đẹp” đang gây xôn xao dư luận. Ngày 19-6, PV Báo SGGP đã trao đổi với một số người trong cuộc để bạn đọc có cái nhìn nhiều chiều hơn về biên bản trên.

Các thí sinh Cần Thơ vui mừng sau khi kết thúc buổi thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011.

Các thí sinh Cần Thơ vui mừng sau khi kết thúc buổi thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011.

Vì sao có biên bản thống nhất trên?

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, Trưởng cụm thi đua vùng VI khu vực ĐBSCL cho biết: “Chúng tôi tổ chức cuộc họp thống nhất quan điểm chấm thi với sự cho phép của Bộ GD-ĐT bằng công văn 360 ngày 20-5-2011. Việc các sở ngồi lại với nhau là để bàn bạc thống nhất quan điểm chấm thi, tránh trường hợp học sinh làm không tròn ý, người cho điểm, người không, người chấm dễ, người khó. Ví dụ như chúng tôi cùng thảo luận về tình huống học sinh chỉ làm được 3/5 ý, 4/5 ý hay có những cách tư duy diễn đạt sáng tạo nhưng vẫn đúng thì chấm sao cho hợp lý, không để các em bị thiệt. Sau khi góp ý kiến chúng tôi mới thống nhất thành biên bản”.

Cũng theo ông Nhi, cuộc họp trên xuất phát từ thực tế trước đây việc chấm thi ở các tỉnh thành ĐBSCL, nhất là đối với những môn tự luận thường không có tiếng nói chung nên luôn xảy ra tình trạng tỉnh chấm chặt, tỉnh chấm lỏng dẫn đến kết quả thi nơi thấp nơi cao. Đỉnh điểm nhất là vụ “điểm văn thấp bất thường” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009. Trong đó, Kiên Giang chỉ có khoảng 20% học sinh đạt điểm trên trung bình, Đồng Tháp là gần 22 %, An Giang trên 40%...

Theo nhiều giáo viên chấm thi, kết quả thi đó rất khó chấp nhận bởi cùng một tỉnh nhưng kết quả năm nay thấp hơn năm trước đến 50%; hay cùng một vùng, một đáp án nhưng lại chênh lệch giữa các địa phương đến 40%... Sau khi mổ xẻ, phân tích, ngành giáo dục ĐBSCL đều thừa nhận quan điểm chấm chưa thống nhất, nơi chấm chặt chẽ quá, nơi lại du di cho học sinh là nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc trên.

Chính vì vậy, việc thống nhất cách chấm dựa trên đáp án của bộ đã được các sở GD-ĐT ĐBSCL nêu ra trong các cuộc họp giao ban gần đây. Tại cuộc họp thống nhất quan điểm chấm thi ngày 5-6 vừa qua, hầu hết các địa phương ĐBSCL (trừ Tiền Giang, Bến Tre không tham gia vì nơi chấm thi hai tỉnh này là Đồng Nai và Vũng Tàu) đều nhất trí.

Bà Phan Ngọc Trinh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, người trực tiếp dự họp cho biết: “Chúng tôi luôn thống nhất, điều kiện bất di bất dịch khi chấm thi là luôn phải bám sát đáp án của bộ, không có chuyện “thoát ly”. Tuy nhiên, để công bằng, học sinh không bị thiệt thòi, mất điểm không đáng, chúng tôi thấy cần phải có sự thống nhất quan điểm chấm thi trong phạm vi cho phép và đảm bảo tuân thủ đáp án của bộ. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với cuộc họp ngày 5-6".

Cần tiếng nói của Bộ GD-ĐT

Theo ông Nguyễn Hoàng Nhi, trong cuộc họp ngày 5-6, lãnh đạo các sở GD-ĐT 11 tỉnh thành tham dự đã thống nhất biên bản trên chỉ là tài liệu để các hội đồng chấm thi vận dụng trên cơ sở bàn bạc, thống nhất giữa chủ tịch hội đồng chấm thi với thanh tra Bộ GD-ĐT (được cử vào), thanh tra các sở GD-ĐT.

Đánh giá về biên bản trên, ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 ở 11 tỉnh ĐBSCL bám sát với đáp án của Bộ GD-ĐT. Trong quy định về chấm thi có độ “nới lỏng” nhất định theo quy chế cho phép, không vượt quá khung đó thì thôi. Về việc một cô giáo ở Tiền Giang nói giữa các tỉnh thỏa thuận để cho điểm vô tư là ý kiến chủ quan không đúng sự thật”.

Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang bày tỏ ủng hộ cuộc họp trên, khi việc thống nhất cách chấm thi mang lại công bằng cho học sinh và không trái với quy định của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, để có tính thống nhất cao cũng như tạo được tiếng nói chung giữa các địa phương, ông Bình kiến nghị Bộ GD-ĐT nên trực tiếp đứng ra chủ trì các cuộc họp thống nhất quan điểm chấm thi giữa các địa phương, không nên để các vùng tự làm. Việc thống nhất quan điểm trong chấm thi là cần thiết và nên triển khai trên phạm vi cả nước. Ở mỗi môn, địa phương sẽ cử một cán bộ chuyên trách luôn sẵn sàng tham dự khi bộ triệu tập.

  • Bộ GD-ĐT vào cuộc

Sau khi báo chí phản ánh việc 11 tỉnh, thành ĐBSCL họp thực hiện biên bản hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp THPT 2011, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các sở GD-ĐT tại ĐBSCL báo cáo sự việc. Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra, xác minh và nếu phát hiện sai phạm sẽ nghiêm túc xử lý theo quy chế. Đến chiều 19-6, một số sở GD-ĐT tại ĐBSCL đã làm báo cáo về Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng theo yêu cầu của bộ. Những địa phương còn lại, do tối ngày 18-6 (thứ bảy) mới nhận được yêu cầu này nên đến thứ 2 (20-6) sẽ gửi báo cáo trình bày vụ việc trên về bộ.

Đình Tuyển

- Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT quá cao: Khó thuyết phục

Tin cùng chuyên mục