- Bộ NN-PTNT lo ngại kiểm lâm tiếp tay lâm tặc
(SGGP).– Sáng 13-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã bắt khẩn cấp Trịnh Thanh Long, Phó Giám đốc kiêm Hạt trưởng Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, để làm rõ những tình tiết liên quan đến vụ xe chở gỗ gây tai nạn làm 10 người chết ngày 7-12.
Trước đó 1 ngày, sau khi bị bắt, Đào Công Thắng (Trạm trưởng Trạm kiểm lâm trung tâm thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống) đã viết bản tường trình là áp tải xe chở gỗ theo lệnh của ông Trịnh Thanh Long. Tuy nhiên, ông Long phủ nhận việc mình có liên quan.
Trong một tình tiết khác, ông Long cho biết, ngay sau vụ tai nạn, vào trưa 7-12, tại trạm kiểm soát lâm sản đóng ở xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông - khu vực xảy ra tai nạn), ông vừa từ TP Vinh đi học về và được cán bộ cấp dưới báo cáo sự việc. Bằng trực quan của mình, ông biết đây là gỗ không hợp pháp. Ông không biết nguồn gốc gỗ ở đâu, không thấy giấy tờ liên quan và đang yêu cầu cấp dưới báo cáo sự việc.
Chiều 13-12, phóng viên các báo đến trụ sở Sở NN-PTNT tỉnh xin gặp Giám đốc Nguyễn Thọ Cảnh, nhưng ông đi vắng. Liên lạc bằng điện thoại, máy đổ chuông nhưng không ai trả lời. Các phóng viên tiếp tục đến phòng làm việc của Phó Giám đốc Hồ Ngọc Sỹ. Trong phòng làm việc của ông Sỹ, điện vẫn sáng, liên lạc qua điện thoại thì ông trả lời đang đi công tác ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An).
Qua điện thoại, ông Sỹ cho biết quan điểm ai làm sai người đó phải chịu. Sở cũng đã yêu cầu toàn bộ cán bộ công nhân viên Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống giải trình. Về ý kiến cho rằng số gỗ có liên quan đến lãnh đạo Sở NN-PTNT, ông Sỹ nói việc này phải chờ cơ quan điều tra kết luận.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Hồ Đức Phớc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nói: “Tôi đang bận họp, các anh hỏi người phát ngôn của ủy ban ấy”. Như vậy, liên quan đến vụ tai nạn ngày 7-12, đến nay đã có 4 cán bộ kiểm lâm bị bắt là Trịnh Thanh Long, Đào Công Thắng, Nguyễn Kim Hùng và Phan Sỹ Tuấn (đều công tác tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống).
* Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, tổ chức tại Hà Nội ngày 13-12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo, để đấu tranh với “lâm tặc” thì phải đấu tranh hết sức kiên quyết, không bỏ qua, không khoan nhượng. Sắp tới cần bố trí ngay các lực lượng vừa công khai, vừa bí mật để theo dõi, đấu tranh loại bỏ các đối tượng cầm đầu. Với dân di cư, cần kiên quyết khi lực lượng này có hành vi phá rừng, dứt khoát di dời, không cho họ vào khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, nhận định: “Chúng tôi biết, ở một số địa phương có tồn tại những đường dây như vậy, nhưng cấp Trung ương cũng không thể làm hết được mọi việc, mà chủ yếu là chỉ đạo và làm những gì có tính chất điểm. Còn chính quyền ở cơ sở và lực lượng của địa phương phải vào cuộc”.
Duy Cường - Văn Phúc
| |
| |