Vụ mất điện toàn miền Nam: Xác định 3 đối tượng chính xâm hại đường dây 500kV

Liên quan đến sự cố mất điện toàn miền Nam, chiều 23-5, Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã xác định được 3 đối tượng có hành vi trực tiếp gây ra sự cố mất điện, đồng thời đang phối hợp với các cơ quan liên quan thống kê thiệt hại để xem xét khởi tố vụ án.

Liên quan đến sự cố mất điện toàn miền Nam, chiều 23-5, Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã xác định được 3 đối tượng có hành vi trực tiếp gây ra sự cố mất điện, đồng thời đang phối hợp với các cơ quan liên quan thống kê thiệt hại để xem xét khởi tố vụ án.

3 đối tượng có hành vi trực tiếp gây ra sự cố mất điện nói trên gồm: Lái xe cẩu Ngô Tấn Thảo (27 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh), phụ xe Nguyễn Trung Thành (26 tuổi, ngụ TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) và người trông giữ cây dầu Huỳnh Văn Hiền (quê Đồng Tháp). 3 đối tượng này là những người lao động làm thuê cho Công ty Cây xanh Becamex Bình Dương - đơn vị chủ quản khu vườn ươm cây dầu nằm sát bên đường điện 500kV.

Cơ quan công an cũng cho biết, vụ việc xảy ra tuy ngoài ý muốn nhưng đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến công trình an ninh quốc gia. Vì vậy, sẽ căn cứ vào thiệt hại tại thời điểm xảy ra sự cố mất điện để làm cơ sở khởi tố vụ án. 

Sáng 23-5, tại hiện trường xảy ra sự cố, các hoạt động cẩu và vận chuyển cây xanh vẫn diễn ra bình thường. Ông Trịnh Đình Chính, Phó Giám đốc truyền tải điện miền Đông 1 - đơn vị quản lý đường dây 500kV Di Linh - Tân Định cho biết, theo quy định thì khu vực vườn ươm cây dầu cách đường là 7m và thực tế khoảng cách này là 14m, nên vẫn đảm bảo hành lang bảo vệ đường điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến thời điểm 16 giờ ngày 23-5, còn 1.100 MW tổng công suất nguồn điện khu vực phía Nam chưa khôi phục được. EVN và các đơn vị liên quan đã nỗ lực xử lý để khôi phục các tổ máy nêu trên trong chiều và tối ngày 23-5.

Từ khi xảy ra sự cố mất điện, EVN đã huy động các tổ máy nhiệt điện và tua bin khí chạy dầu Thủ Đức và Cần Thơ để hỗ trợ khôi phục nhanh phụ tải toàn khu vực miền Nam.

  • ĐBQH Bùi Thị An, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH

“Đành rằng sự cố vừa qua là bất khả kháng nhưng đã đến lúc cấp thiết phải hoàn thiện quy chế đảm bảo an toàn tối đa cho đường dây cao thế cũng như quản lý, xử lý sự cố lưới điện. Trong bất kỳ tình huống nào cũng phải có kịch bản dự phòng chứ như vừa qua, tôi cho là có sự lúng túng, bị động. Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói đây là sự cố rất hy hữu, nhưng đấy không phải là lý do để không hành động, không chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó. Người dân khó chấp nhận việc một sự cố đơn giản như thế lại gây ra tác động khổng lồ trên diện rộng như thế. Thậm chí nếu thật sòng phẳng thì trong tương lai phải tính đến chuyện người dân, doanh nghiệp có thể yêu cầu đền bù thiệt hại do việc mất điện đột ngột kéo dài gây ra”.

  • ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM)

“Việc mất điện trên diện rộng đã đặt ra vấn đề phải rà soát lại công nghệ để đảm bảo an toàn. Tôi cho rằng với trình độ công nghệ hiện nay thì không thể để xảy ra sự cố như vậy. Chỉ có một chiếc xe cẩu như thế, gây sự cố ở một tỉnh thành cá biệt như thế mà đã tác động đến đường dây làm mất điện hai mươi mấy tỉnh thành, thì nếu có người cố tình phá hoại còn thiệt hại đến chừng nào?!”.

- TPHCM: Giao thông hỗn loạn vì cúp điện

- Sự cố đường dây 500kV, toàn miền Nam mất điện

Tin cùng chuyên mục