7 nhóm sai phạm
Công bố tại cuộc họp, ông Trần Đình Trữ cho biết, kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy, số lượng hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở không đúng quy định trên địa bàn huyện Hóc Môn giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 7-2016 (đối với các hồ sơ có diện tích lớn hơn 500m²) là 1.386 hồ sơ, được chia thành 7 nhóm hồ sơ theo pháp lý quy hoạch sử dụng đất.
Trong tất cả 1.386 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc 7 nhóm hồ sơ nêu trên có 527 trường hợp đã tách thửa và chuyển nhượng thành 1.086 trường hợp, có 64 trường hợp tách thành nhiều thửa để chuyển nhượng, có 634 trường hợp đã thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng và hiện nay vẫn còn 429 trường hợp đang thế chấp quyền sử dụng đất.
Về việc cấp phép xây dựng công trình, trong số 1.386 trường hợp đã chuyển mục đích sử dụng đất nêu trên có 515 trường hợp có hộ khẩu ngoài huyện Hóc Môn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp và sau đó chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở.
Khắc phục hậu quả trong vòng 12 tháng
Ông Trần Đình Trữ cho biết, Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ đạo, trong vòng 1 năm, tính từ ngày 9-11-2020, UBND huyện Hóc Môn phải xử lý dứt điểm vụ việc. Đây chính là ngày UBND TPHCM ra thông báo kết luận chỉ đạo của UBND TPHCM về vụ việc.
Theo đó, trước tiên, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) huyện Hóc Môn đã được UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 4421/QĐ-UBND ngày 15-10-2017. Trên cơ sở đó, đề xuất, lập Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 trên địa bàn huyện Hóc Môn, trình Sở TN-MT thẩm định, trình UBND TPHCM phê duyệt. Tiếp đó, tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch các đường hẻm trên địa bàn huyện Hóc Môn theo Quyết định số 88/2007/QĐ-UBNDTP ngày 4-7-2007 của UBND TPHCM làm cơ sở quản lý các đường hẻm và giải quyết tiếp các thủ tục về nhà, đất theo quy định đối với các trường hợp thuộc nhóm 1 và nhóm 3.
Tiếp theo, huyện Hóc Môn phải tổ chức lập, thẩm định, chuyển Sở QH-KT có ý kiến trước khi phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn tỷ lệ 1/2000 làm cơ sở xem xét sự phù hợp quy hoạch để giải quyết tiếp các thủ tục về nhà, đất theo quy định đối với các trường hợp thuộc nhóm 2 và nhóm 4. Đồng thời huyện Hóc Môn chủ trì, phối hợp với Sở QH-KT rà soát, đánh giá hiện trạng và hạ tầng kỹ thuật, định hướng quy hoạch tại khu vực để xem xét khả năng điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000. Nhiệm vụ rất quan trọng là lập điều chỉnh Đồ án quy hoạch phân khu (hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000) chuyển Sở QH-KT thẩm định, trình UBND TPHCM phê duyệt theo quy định, làm cơ sở giải quyết các thủ tục về nhà, đất cho người dân đối với các trường hợp thuộc nhóm 5 và nhóm 6.
Việc rà soát pháp lý quy hoạch đối với các trường hợp thuộc nhóm 7, phân bổ vào các nhóm từ nhóm 1 đến nhóm 6 để giải quyết đồng bộ với phương án giải quyết tại các nhóm hồ sơ. Tiếp tục rà soát, xem xét, giải quyết và xử lý đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở không đúng quy định có diện tích từ 500m² trở xuống trong quá trình xem xét giải quyết 1.386 trường hợp thuộc 7 nhóm hồ sơ nêu trên. Kiểm tra, rà soát đối với tất cả các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất đã được cấp phép xây dựng để xử lý hành vi vi phạm về trật tự xây dựng theo quy định pháp luật.
UBND TPHCM đã giao Công an Thành phố tiếp nhận toàn bộ vụ việc và triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện sai phạm có dấu hiệu hình sự để xử lý theo quy định.
Kiểm điểm 58 cá nhânTheo ông Trần Đình Trữ, thực hiện chỉ đạo UBND TPHCM, tháng 1-2019, UBND huyện Hóc Môn đã tổ chức kiểm điểm 58 cá nhân, trong đó 15 cá nhân sẽ kiểm điểm cùng với việc rà soát các hồ sơ còn lại. Hiện nay, Chủ tịch UBND TPHCM đã giao giám đốc Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với UBND huyện Hóc Môn tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn có liên quan đến sai phạm để báo cáo UBND TPHCM xử lý. |