Vụ rơi máy bay MH17: Hiện trường chưa an toàn để tiếp cận điều tra

Khó điều tra tại hiện trường
Vụ rơi máy bay MH17: Hiện trường chưa an toàn để tiếp cận điều tra

Theo ghi nhận của các phóng viên thuộc Reuters, AP, BBC, sau một tuần xảy ra vụ rơi máy bay MH17, hiện trường nơi phát hiện xác máy bay và thi thể nạn nhân vẫn chưa đủ an toàn để tiếp cận điều tra.

Xác máy bay MH17 cùng những kỷ vật của các nạn nhân tại hiện trường.

Xác máy bay MH17 cùng những kỷ vật của các nạn nhân tại hiện trường.

Khó điều tra tại hiện trường

Dù lực lượng chống đối Chính phủ Ukraine trước đó đã cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra nhưng đến nay, tình hình an ninh tại đây vẫn rất phức tạp. Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 25-7, ông Serhiy Bochkovsky, người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ khẩn cấp Ukraine cho biết, lực lượng chống đối liên tục chĩa súng đuổi nhân viên của cơ quan này, không cho tiếp cận điều tra tại hiện trường.

Theo các chuyên gia quân sự, chỉ phân tích hiện trường mới có thể có nhiều thông tin chính xác nhất. Trước hết là xem mức độ và phạm vi cũng như cách thức phá hủy trên xác máy bay. Nếu phạm vi các mảnh tên lửa rơi trên diện tích rộng thì khả năng cao máy bay bị bắn từ tên lửa Buk. Ngược lại, phạm vi nhỏ và tập trung ở khoang động cơ thì thủ phạm là tên lửa R-60. Như vậy, từ dữ liệu hộp đen và phân tích hiện trường có thể có được câu trả lời Buk hay R-60 hoặc R-73 là nguyên nhân gây tội ác.

Thi thể các nạn nhân tiếp tục được đưa về Hà Lan.

Thi thể các nạn nhân tiếp tục được đưa về Hà Lan.

Sai lầm của Ukraine?

RIA Novosti dẫn nguồn tin giấu tin từ cơ quan công lực Ukraine cho biết, tình huống bất ngờ gây nhầm lẫn trong hoạt động của phòng không Ukraine có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn của máy bay mang số hiệu MH17. Chính quyền Ukraine đã phủ nhận thông thin trên.Thảm kịch tương tự từng xảy ra trong lần tập trận phòng không của Ukraine vào năm 2001. Khi đó, hệ thống tên lửa S-200 của Ukraine đã bắn rơi máy bay hành khách Tu-154 của Nga từ Tel Aviv (Israel) đi Novosibirsk (Nga), làm 78 người thiệt mạng. Một nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU) cho biết, EU sẽ bổ sung vào danh sách trừng phạt 15 người Ukraine và Nga cùng 18 thực thể khác liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo Guardian, Đại sứ Nga ở London, ông Alexander Yakovenko đã chỉ trích phương Tây áp đặt một cách vô lý những lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và Ukraine. Đồng thời, ông Yakovenko cho rằng phương Tây lấy vụ tai nạn máy bay MH17 làm cái cớ để ra những quyết định trên. Ông Yakovenko cũng phản đối mạnh mẽ những cáo buộc của Mỹ sau vụ tai nạn MH17 rằng Nga không ngừng chuyển các tên lửa nặng và mạnh hơn đến Ukraine để hỗ trợ lực lượng chống đối.

Theo RIA Novosti, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho rằng Mỹ chưa cung cấp bất cứ tài liệu nào làm bằng chứng chứng minh máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines đã bị tên lửa bắn đi từ khu vực do quân ly khai Ukraine kiểm soát. Những cáo buộc của Mỹ dường như là từ những lập luận suy đoán mang tính ngụy tạo, hầu hết dựa trên mạng xã hội!

Còn tại Ukraine, sau khi Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk và nội các từ chức tối 24-7, Phó Thủ tướng phụ trách phát triển khu vực, xây dựng và dịch vụ nhà ở công cộng, ông Vladimir Groisman, đã được chỉ định tạm thời làm người đứng đầu nội các nước này. Một số nguồn tin cho rằng Thủ tướng Arseny Yatseniuk từ chức vì tỏ ra yếu kém trong việc giải quyết khủng hoảng sau vụ tai nạn máy bay MH17. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng do ông Yatseniuk không thể thông qua luật năng lượng và ngân sách nhằm tăng cường cung cấp tài chính cho quân đội.

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

- Phe chống đối Ukraine thừa nhận sở hữu tên lửa Buk


Sự chia sẻ từ cộng đồng

Trên trang Twitter, Malaysia Airlines (MAS) ngày 24-7 đã đưa lên thông điệp “Khó khăn sẽ qua, hy vọng nỗi đau cũng thế. Hãy mạnh mẽ lên nào!”. Đi kèm đó là hình ảnh hai tiếp viên hàng không của hãng này nắm chặt tay thể hiện tinh thần lạc quan. Nội dung và hình ảnh này đã được cộng đồng mạng nhiệt tình ủng hộ. Hàng ngàn lượt bấm thích và chia sẻ về trang của mình đã tạo nên “cơn bão” những lời cầu nguyện cho số phận của MAS.

Để tưởng nhớ đến những đồng nghiệp thiệt mạng và mất tích trong hàng loạt sự cố như vụ máy bay MH370, MH17, GE222 và AH5017..., rất nhiều tiếp viên hàng không trên toàn thế giới đồng loạt đeo ruy băng đen khi làm nhiệm vụ (ảnh). Thành viên phi hành đoàn trên toàn thế giới cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục nhiệm vụ và thực hiện mơ ước được bay, đó cũng là hành động để tưởng nhớ tới các đồng nghiệp đã nằm xuống. Nhiều tiếp viên hàng không đã chụp lại hình ảnh trong bộ đồng phục có gắn huy hiệu đen và chia sẻ trên các trang mạng xã hội để động viên các hãng hàng không có máy bay gặp nạn, cũng như động viên tinh thần các đồng nghiệp của mình.

ANH KHÔI

Tin cùng chuyên mục