(SGGPO).- Ngày 14-2, Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại TPHCM đã xét xử phúc thẩm vụ chiếm đoạt tiền xảy ra tại Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (viết tắt BTGPMB) huyện Hóc Môn.
Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2008 đến 2010, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của lãnh đạo trong quản lý tài chính, Nguyễn Thị Thùy Linh (SN 1982, nguyên kế toán Ban Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn) đã làm giả danh sách hộ dân nhận tiền đền bù, phiếu chi… để chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng tiền đền bù của 5 dự án.
Đặng Thanh Phong (SN 1977, chồng cũ của Linh) giúp sức cho Linh trong việc chiếm đoạt tiền, đồng thời sử dụng một phần tiền vợ mình tham ô được.
Hành vi phạm tội của Linh thực hiện trót lọt trong suốt thời gian dài mà không bị phát hiện là do lãnh đạo Ban Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn thiếu sâu sát trong việc kiểm tra chứng từ, sổ sách kế toán, ký lệnh thanh toán mà không đối chiếu với phiếu chi, danh sách của hội đồng bồi thường phê duyệt. Trong đó Đỗ Thị Kim Tuyến (SN 1962, nguyên Trưởng ban Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn) ký lệnh thanh toán chi sai thực tế hơn 4 tỷ đồng, Phan Hoàng An (SN 1956, nguyên quyền Trưởng ban Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn) ký chi sai gần 1 tỷ đồng.
Tháng 9-2011, Tòa án Nhân dân TPHCM xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Linh mức án 20 năm tù giam, Phong 7 năm tù cùng về tội “Tham ô tài sản”. Phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Tuyến lãnh 4 năm tù, An lãnh 2 năm tù. Sau đó, hai bị cáo Linh và Phong kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, hai bị cáo Tuyến và An kháng cáo xin được hưởng án treo. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM cũng kháng nghị đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tăng nặng hình phạt đối với Phong.
Theo nhận định của hội đồng xét xử tòa án cấp phúc thẩm, đây là vụ án mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo Linh lợi dụng nhiệm vụ được giao đã chiếm đoạt số tiền rất lớn trong một thời gian dài, phạm tội nhiều lần, gây bức xúc trong dư luận; đồng thời không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có căn cứ để giảm nhẹ. Bị cáo Phong mặc dù biết rõ hai vợ chồng không có tiền gửi ngân hàng nhưng vẫn ký tên vào tờ séc để giúp vợ mình rút tiền từ ngân hàng ra, bản thân bị cáo có tiền án 3 năm tù về tội “Cướp giật tài sản” chưa được xóa án tích; vì vậy bản án sơ thẩm tuyên bị cáo mức án 7 năm tù là quá nhẹ, cần chấp nhận kháng nghị tăng án của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM.
Bị cáo Tuyến và bị cáo An dù không có ý thức thông đồng với bị cáo Linh, cũng không hưởng lợi trong vụ án này nhưng chính sự lơi lỏng trong quản lý, lề lói làm việc quan liêu, thiếu trách nhiệm đã tạo điều kiện cho vợ chồng Linh chiếm đoạt tiền của Nhà nước nên cần xử mức án nghiêm. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo Tuyến đang bị bệnh hiểm nghèo (lao phổi và ung thư ngực), bị cáo An có vợ đang bị ung thư giai đoạn cuối, bị cáo là lao động chính chăm sóc vợ và nuôi con nhỏ; cả hai bị cáo có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, được tặng thưởng nhiều huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen trong quá trình công tác. Vì vậy hội đồng xét xử quyết định giảm án đối với hai bị cáo này.
Từ những nhận định trên, hội đồng xét xử quyết định tuyên ý án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Linh mức án 20 năm tù, tăng án đối với bị cáo Phong từ 7 năm tù lên 10 năm tù, giảm cho bị cáo Tuyến từ 4 năm tù xuống còn 2 năm tù, chuyển hình phạt cho bị cáo An từ 2 năm tù giam thành 2 năm tù cho hưởng án treo.
ÁI CHÂN