Vụ việc phim Trạng Tí phiêu lưu ký: Cần phân định rạch ròi

Những ngày qua, làn sóng tranh cãi, tẩy chay bộ phim Trạng Tí phiêu lưu ký vẫn chưa đi đến hồi kết. Khi các bên liên quan chưa thể ngồi xuống và tìm được tiếng nói chung, ảnh hưởng cuối cùng chính là tác phẩm, đặc biệt trong bối cảnh cuộc đua phim Tết 2021 đang gay cấn.  

Cái lý - cái tình

Sau chia sẻ hôm 28-12 trên Facebook cá nhân của tác giả Linh Lê với tựa đề “Trạng Tí và giấc mơ điện ảnh”, làn sóng tẩy chay bộ phim càng lên cao. Hashtag: #KhôngxemphimrạpTrạngTí, #ỦnghộTácgiảLêLinh được nhiều khán giả chia sẻ.  

Ngoài câu chuyện bản quyền, sau khi theo dõi trailer, nhiều khán giả cho rằng, phim không giữ được giá trị cốt lõi của nguyên tác. Chi tiết hình ảnh bản đồ có trên áo của nhân vật Trạng Tí trong bộ truyện, nhưng khi lên phim được thay thế bằng hình ảnh khác, cũng được đem ra mổ xẻ.

Phía Ngô Thanh Vân hiện chưa đưa ra lời giải thích cụ thể. Trước đó, khi bị cáo buộc “ăn cắp”, cô khẳng định: “Xin được nói rõ, nó là nội dung mình có mua và trả tiền theo đúng pháp luật sở hữu trí tuệ, nên việc tố mình ăn cắp là không đúng”. 

Ngô Thanh Vân viện dẫn, năm 2016 đã làm việc với Phan Thị để có thể mua được bản quyền và đến năm 2018 mới đi đến thỏa thuận mua 5 tập truyện để làm phim.

“Lúc này, là nhà sản xuất, mình mua tác quyền từ người sở hữu bộ truyện và nội dung câu chuyện trong thời gian đó”, Ngô Thanh Vân chia sẻ thêm. Trong thời gian diễn ra vụ kiện, phía Ngô Thanh Vân cũng chủ động tìm đến họa sĩ Lê Linh nhưng “anh Lê Linh đã từ chối mọi đề nghị về quyền lợi từ phía mình đưa ra, vì mình có đề nghị nhiều hình thức khác nhau”.

Vụ việc phim Trạng Tí phiêu lưu ký: Cần phân định rạch ròi ảnh 1 Những ồn ào liên quan đến Trạng Tí vẫn chưa khép lại

Khán giả hâm mộ bộ truyện Thần đồng đất Việt hay tác giả Lê Linh dĩ nhiên có quyền tẩy chay bộ phim. Tuy nhiên, cần có sự phân định rạch ròi là ê kíp phim Trạng Tí phiêu lưu ký đã làm đúng về mặt quy trình pháp luật.

Bên cạnh đó, Trạng Tí phiêu lưu ký chưa ra mắt nên việc bộ phim có “sửa chữa, cắt xén hình thức thể hiện các nhân vật, hoặc xuyên tạc hình thức thể hiện này dưới bất cứ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của nguyên đơn” cần thời gian để trả lời. 

Trạng Tí phiêu lưu ký có thể vẫn ra mắt như dự kiến, nhưng nếu những lùm xùm không sớm được khép lại, rõ ràng bộ phim sẽ bị ảnh hưởng không hề nhỏ. 

“Quyền tác giả” và “quyền của tác giả”

Vào tháng 9-2019, sau phán quyết của TAND TPHCM về vụ án tranh chấp bản quyền liên quan đến bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, Báo SGGP từng có bài viết “Tổn thất không của riêng ai”.

Trong đó, có đề cập đến phán quyết thừa nhận Công ty Phan Thị có quyền sở hữu, được phép làm tác phẩm phái sinh; nhưng mặt khác, TAND TPHCM cho rằng: “Công ty Phan Thị không được sửa chữa, cắt xén hình thức thể hiện các nhân vật, hoặc xuyên tạc hình thức thể hiện này dưới bất cứ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của nguyên đơn”.

Bài viết nhắc đến nguy cơ về việc tác phẩm gốc sẽ phải “chết dí một chỗ” với phán quyết trên; không chỉ truyện, mà những định dạng media (phương tiện truyền thông) khác như hoạt hình, phim; hay chuyển ngữ, xuất bản qua nước ngoài cũng không dễ dàng. Và lùm xùm liên quan đến bộ phim Trạng Tí phiêu lưu ký những ngày qua là một minh chứng cho điều này. 

Trong vụ lùm xùm này, luật sư Phan Vũ Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM, Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam) cho rằng, cần phân biệt rõ hai khái niệm “quyền của tác giả” và “quyền tác giả”.

Theo ông, “quyền của tác giả” là các quyền mà tác giả đó được hưởng, tùy theo tình huống mà nội dung sẽ khác nhau. Còn “quyền tác giả” là một khái niệm pháp lý chỉ tổng hợp các quyền mà tác giả và chủ sở hữu được hưởng trên tác phẩm. Cho nên, rất nhiều “quyền tác giả” không thuộc về tác giả.

“Quyền tác giả không có nghĩa là quyền của tác giả, nên đôi khi chúng ta thấy các giao dịch về quyền tác giả nhưng lại không có tác giả trong đó, thì vẫn là điều bình thường. Pháp luật quy định làm tác phẩm phái sinh là quyền của chủ sở hữu, nên không bắt buộc phải xin phép tác giả”, luật sư Phan Vũ Tuấn nói thêm.

Cũng theo luật sư Phan Vũ Tuấn, với mỗi tác phẩm được sáng tạo ra, có 2 chủ thể được hưởng quyền lợi từ việc khai thác tác phẩm đó. Những người sáng tạo ra tác phẩm được vinh danh là tác giả và nắm giữ các quyền nhân thân (còn gọi là quyền tinh thần); còn các nhà đầu tư thì nắm giữ quyền tài sản (quyền kinh tế).

“Bản án Thần đồng đất Việt đã tuyên rõ ràng là Công ty Phan Thị là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các nhân vật trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Thêm vào đó, với vai trò là nhà đầu tư giao nhiệm vụ, theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ, họ đương nhiên là chủ sở hữu quyền tác giả đối với bộ truyện tranh nói trên, tức là họ toàn quyền khai thác quyền “làm tác phẩm phái sinh” theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ”, luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết.

Ngoài ra, trong phán quyết của TAND TPHCM công nhận họa sĩ Lê Linh “là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo”; không phải là tác giả của “nội dung bộ truyện”.

Tin cùng chuyên mục